Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Cộng đồng Kỹ sư Thợ hồ “mùa xây dựng”

Thợ hồ “mùa xây dựng”

Viết email In

Không đơn giản như đời vẫn tưởng - cuộc mưu sinh của giới thợ hồ ngoài mồ hôi, sức mạnh cơ bắp đổ xuống công trình - còn là những lề luật rất khó chịu và... giang hồ.

Đỏ mắt tìm thợ

Có một thực tế đau đầu cho các công ty xây dựng, cho các nhà thầu nhỏ lẻ hiện nay, đó là sự thiếu hụt trầm trọng về nhân lực. Nguyên nhân sâu xa là từ sự trầm lắng của thị trường nhà đất suốt một năm qua: Không có công trình để làm, thợ - phụ đã bỏ chủ, bỏ thầu kéo nhau về quê. Những chủ lớn, có tiềm lực kinh tế, cũng chỉ dám giữ lại những thợ - phụ tay nghề giỏi, có tình cảm, đã gắn bó với mình lâu dài. Còn lại là sa thải hoặc cắt giảm.

Anh Bình làm trong ngành xây dựng. Bởi có nhiều mối lái làm ăn nên ngoài công việc của công ty, anh còn làm một nhà thầu cá nhân. Qua đó, anh nhận công trình về, giao cho đội thợ của mình thi công. Thời gian một năm trước, công việc ổn định, tiền nong thoải mái, “thầy trò” ung dung sống với nghề. Đùng một cái, thị trường địa ốc trầm lắng, các công trình tạm ngưng do giá vật liệu tăng, nhiều công trình dù đã có kế hoạch cũng không dám “khởi” (khởi công), “cai” Bình chới với! Ráng cầm cự nuôi được đội thợ vài tháng, buộc lòng anh Bình phải “buông”.

Cũng “đùng một cái”, chỉ khoảng vài tháng nay thôi, thị trường vật liệu giảm giá, ổn định, nhà tư thấy cơ hội đến nên “khởi” ào ào. Các công ty lớn cũng khởi động lại một loạt dự án. Đi đâu cũng thấy xây dựng, đập phá; từ sửa chữa lại khách sạn, tiệm ăn, cửa hàng mặt phố, đến các nhà tư trong hẻm, các công trình chung cư, văn phòng cho thuê cao hàng chục tầng...

“Thợ về quê chưa lên kịp, công trình thì nhiều như vậy, ngày nào tôi cũng phải nhờ mấy thằng lính cũ kiếm thêm người mà kiếm hoài không ra”, anh Bình tâm sự.

Tiền công leo thang

Cách đây 1 năm, thậm chí cả trước đó, mức lương thợ hồ “cao chót vót” cũng chỉ là 120.000 – 160.000 đồng/ngày cho thợ chính, tùy từng tay nghề. Nhưng bây giờ giá đã lên 170.000 – 250.000 đồng/ngày cho một thợ chính, chưa kể phải phục vụ theo thỏa thuận từng nơi, từ “bao” cà phê sáng, cơm trưa, cuối tuần phải dẫn đi nhậu...

Theo một “thợ ép” tên Mạnh, chúng tôi đã phải đội mưa xuống tận huyện Bình Chánh (TP.HCM) kiếm thợ cho anh. Dân trong nghề gọi Mạnh là “thợ ép” là bởi anh mới từ thợ phụ chuyển lên làm thợ chính được chừng 1 năm nay, tay nghề cũng còn yếu. Trong một tốp thợ, dù là “thợ ép” nhưng hiện nay Mạnh cũng được trả 120.000 đồng/ngày. Cách đây 1 tháng, vì non nghề nên Mạnh bị giám sát cho nghỉ. Đang xách thước, đồ nghề chạy ngoài đường thì có người kêu dừng xe, xin số điện thọai, hợp đồng miệng cho Mạnh làm công, ăn theo sản phẩm. Làm nhà này, thầu đang bị chủ nhà “dí” tiến độ, lại thiếu người nên mới chấp nhận cho “thợ ép” nhảy vô. Vẫn thiếu người, Mạnh lại được nhờ đi kiếm thợ.

Mạnh than thở: “Giờ thợ khó kiếm quá, phải xuống kêu nó đi nhậu trước nó mới chịu đi làm cho mình”. Mạnh đã liên lạc nhiều lần qua điện thoại, sáng gọi, trưa gọi, chiều gọi rủ “lên làm với anh” mà tay thợ ở Bình Chánh chỉ hứa lèo, nhận lời nhưng vẫn đi làm chỗ khác.

“Chảnh”

Gặp nhau, cuối chầu nhậu lẩu dê với rượu đế “khí thế”, Mạnh mới dám cất lời tính toán chuyện lương bổng, ngày công. Bởi trước đó, anh đã bị tay thợ ở Bình Chánh, tên Hùng, chặn họng: “Nhậu đã, chuyện tính sau, nhậu phải tới bến mới đi nha”! Tay thợ này có một sở trường nhậu mà Mạnh và anh em trong tốp làm chung ngày trước... kinh hoàng: Đã nhậu là ép tất cả mọi người cùng bàn phải nhậu xỉn, không xỉn không cho về, nhất là “cai”, đã nhậu chung là phải về cùng với hắn. “Cai” mà về trước, coi như ngày mai Hùng xách đồ về, nghỉ ngang.

“Mày làm với anh, công ngày trăm rưỡi, thích anh “xào mì ăn liền” cho mày cũng được”, Mạnh rủ. “Xào mì ăn liền” ở đây có nghĩa là trả tiền công sau mỗi ngày làm việc. Nhậu nhẹt thịnh tình đến vậy rồi mà nghe qua Hùng vẫn làm thinh, không nói gì. “Sao, ý chú sao, làm ha?”. Hùng cũng chẳng nói gì. Nhấc ly rượu uống một mình. Mạnh ghé sát người, vỗ vai, nhìn vô mặt Hùng: “Vậy là làm ha, mai xách đồ nghề lên ha!” Hùng vẫn lặng thinh, hồi sau mới ngẩng mặt lên nhìn ra ngoài đường, mắt chớp chớp: “Anh Hai tính, ngày lên đó tiền xăng cộ hết nhiêu rồi, em làm bên này được bao cà phê, cuối tuần còn nhậu, chắc em không qua được... ”.

Thế là Hùng cứ viện lý này lý nọ, làm eo làm sách đến mức Mạnh khó chịu và sốt ruột: “Thế mày tính sao, vậy nhiêu mày mới chịu...”. Hùng nói nước đôi: “Thì anh Hai cứ tính, anh em với nhau mà, anh Hai hiểu mà...”.

Cuối buổi nhậu đó, Mạnh bấm bụng chấp nhận trả lương cho Hùng 170.000 đồng/ngày, bao cà phê sáng, cơm trưa... Chia tay, anh em vui như hội, hẹn hò khăng khít lắm... Thế mà vừa nhảy lên xe, Mạnh đã chửi vung trời, rồi nói: “Nó biết mình kẹt, ép mình chứ anh em gì. Thợ mà “chảnh”, tiền bạc lè nhè như đàn bà!”.

Mánh mung đời thợ 


“Cò” báo

Chưa tin rằng vào thời điểm này kiếm thợ hồ khó như vậy, chúng tôi tự tách ra đi tìm chứ không dựa vào những hiểu biết và quan hệ của những người thợ đã gặp. Mua một tờ báo có chuyên trang quảng cáo mảng xây dựng, sửa chữa. Hóa ra, thợ hồ cũng tự đăng quảng cáo nhan nhản, nội dung rất hấp dẫn, đọc xong bảo đảm ai kẹt thợ sẽ mê liền.

Chúng tôi quan tâm đến nhiều mẩu quảng cáo hấp dẫn như “có thợ miền Trung, giỏi nghề, trung thực” hay như “bảo hành dài hạn, không ứng tiền trong thời gian thi công” hay như “không ngại xa, ít cũng nhận”... Rất tha thiết, tận tình. Bốc điện thoại, gọi một số cảm thấy quảng cáo “dễ thương” nhất, nhận ra người chủ đang ở công trường, tiếng đập phá, cưa xẻ ầm ầm... “Đang kẹt rồi, không đi được”. Người chủ dập máy ngay, không cho tôi nói thêm câu thứ hai. Gọi đến số thứ hai, thứ ba, đều nhận được những câu trả lời tương tự. Và họ trả lời rất lạnh nhạt, khác với những nội dung dễ thương, mời gọi.

Nhưng kiên nhẫn gọi, chúng tôi đã gặp được một nhóm khác - không kẹt việc, ăn nói thật sự dễ thương. Trong số này, ai nấy đều nhiệt tình xin địa chỉ nhà, hẹn tới khảo sát, báo giá ngay... Trước khi chia tay còn “thòng” lại “anh là chủ nhà hay bên công ty xây dựng vậy”. Được biết, người gọi là chủ nhà, họ hào hứng hơn, hẹn gặp liền. Anh bạn tên Khanh là dân thầu xây dựng đi cùng cười khẩy “cứ thử đi” một cách rất khó hiểu khiến tôi chột dạ.

Những tay “buôn”  công trình

Chúng tôi hẹn gặp để “thảo luận trước” với một người đăng quảng cáo tên Bình. Anh này cầm bản vẽ dúi vô tay người đi cùng rồi chốc chốc lại chạy ra ngoài, nghe điện thoại của ai đó nhờ sửa nhà, sửa cửa... Ngắm nghía một hồi cái bản vẽ dày cả chục trang, có vẻ quá sức hiểu biết của mình, “ông anh” đi cùng này trả lại cho Bình: “Cái này phải qua coi thực tế mới được”. Bình thì liên hồi phân bua: “Ông anh này làm cùng, mai là có thợ xuống, đảm bảo anh làm đẹp, thợ giỏi...”. Khanh khều tôi: “Nó không có người, không biết làm đâu, dẹp đi!”. Có vẻ như đã bị “bắt bài”, anh em Bình leo lên xe máy, bình thản chạy thẳng, coi như không chuyện gì xảy ra.

Đến người thứ hai, chúng tôi gặp một tay “nổ” vung trời: “Nhà gì anh cũng xây được tuốt, cái này (bản vẽ) làm khỏe re, hai tháng bao xong, thợ thuyền mai làm anh kéo xuống chục đứa, đánh tốc hành cho em...”. Khi Khanh hỏi thử vài câu về kết cấu móng, cột, quy cách xây dựng căn bản, tay này gạt phắt đi: “Quan trọng gì em, miễn xây đẹp, chắc cho em là được. Làm sai anh sửa không tính phát sinh...”. Tay thợ này già sọm, má hóp môi thâm, mắt đen sì, có kinh nghiệm một chút sẽ phát hiện hắn xì-ke bởi mình mẩy phát ra cái mùi rất đặc trưng của dân nghiện.

Khanh lắc đầu chán nản: “Đã nói rồi, đừng tốn công, thợ thuyền gì bọn này mà kêu, hên là nó chưa biết nhà đó”. Ông bạn phân tích: “Nên nhớ, thợ giỏi, thợ đàng hoàng giờ làm không hết việc, cần chi quảng cáo. Tụi này là “cò”, nhận hợp đồng về khoán lại, ông ký với nó là chết...”. Theo Khanh thì đó là một thực tế của cả ngành xây dựng chứ chẳng riêng gì mấy tay “cò” tầm thấp này: “Tụi nó có chút đầu óc kinh doanh, biết chút nghề, muốn làm “cai”, làm giàu trên mồ hôi nước mắt thợ, thế thôi”.

“Cai” và luật im lặng

Không giống như những công ty, cơ sở hay những nhóm thợ có chức năng pháp nhân, giấy phép hành nghề rõ ràng - thợ hồ làm chui có những luật lệ và quy tắc hoạt động riêng, chỉ trong nghề mới hiểu. Về mặt tổ chức, người đứng đầu nhóm thợ được gọi là “cai”. “Cai” là người có quyền lực nhất trong nhóm, “cai” là cha là mẹ, nói gì thợ - phụ phải nghe, “cai” làm gì có lỡ sai cũng không được nói, càng tuyệt đối không được nói ra những sai phạm trong quá trình thi công cho nhà thầu hoặc chủ nhà biết. Đó là điều cấm kỵ.

Vì không tìm qua các công ty đàng hoàng, cũng không chịu nghe lời anh em - anh Tiến ở Thủ Đức (TP.HCM) tự mình tìm thợ hồ qua báo. Một tay “cai” tìm tới tận nhà anh, ký hợp đồng viết tay, lúc đầu rất nhẹ nhàng, lịch sự. Sau giai đoạn này, “cai” cho người mang đồ nghề đến để trong nhà, đưa người xuống thi công nhỏ giọt. Hằng tuần, hằng tuần, anh Tiến đều hối “sao có ít người làm vậy” thì “cai” tìm mọi cớ để thoái thác, câu giờ, hỏi đám thợ, ai cũng nín thinh. Sau này, anh Tiến mới biết ngay từ đầu, hợp đồng của mình đã bị bán cho một nhóm thợ khác. Trước khi làm tại đây, nhóm thợ này đã bị “bịt mồm” không được nói ra chuyện làm ăn này.

Trong quá trình thi công thì nảy ra đủ thứ việc: thợ đói, thợ khát, thợ mè nheo đòi tiền cà phê... thì đều đến tai anh Tiến, anh Tiến lo. Nhưng hễ có kêu chỉnh sửa, góp ý xây lại chỗ này chỗ kia... thì đám thợ đều lặng thinh không làm theo, “có gì hỏi “cai”, tôi chỉ làm thuê, không biết”... Càng nhịn thì càng bức xúc. Đến mức không thể chịu nổi, anh Tiến nghe theo lời giám sát, cho “cai” này nghỉ. Tiền công vẫn phải trả đủ dù cho những sai phạm trong quá trình thi công nhóm thợ này không hề khắc phục hay trừ lại tiền công cho anh Tiến.



Câu giờ, chạy “show”

Buộc lòng cắt hợp đồng với nhóm thợ này, anh Tiến còn gặp khó khăn hơn khi kêu tiếp nhóm thợ khác: Khi nhắc đến công trình đang làm dang dở, hoặc đã đến tận nơi khảo sát... các nhóm thợ sau đều tìm cách thoái thác một cách tế nhị. Chỉ đến khi nhờ tới một công ty xây dựng đàng hoàng, anh Tiến mới vỡ lẽ ra được một điều: Thợ hồ rất ngại, thậm chí kiêng cữ trong việc nhận lại công trình dang dở. Thứ nhất, họ sợ nhóm thợ trước quay lại đánh lộn vì tội... cướp công trình. Sau đó là sợ, nghi ngờ những cái “dớp” trước đây như công trình đã từng xảy ra tai nạn, đánh lộn, xung đột về tiền nong... nên thợ cũ mới bỏ đi.

Có một ám hiệu, có thể coi như là một lời cảnh cáo: Nếu công trình dang dở, nhóm trước đã bỏ đi nhưng còn để lại một số đồ nghề, nhóm sau đến, thấy như vậy chắc chắn chột dạ, không thể nhận công trình, đề phòng bất trắc.

***

Không hẳn tất cả những thợ hồ làm ăn riêng lẻ đều nằm trong những trường hợp trên. Và không phải thợ hồ nào cũng mắc phải những thói xấu, mánh lới như vậy. Theo những người có kinh nghiệm trong nghề thì tốt nhất vẫn nên chọn những công ty, cơ sở có chức năng xây dựng, có đội thi công đàng hoàng để đặt niềm tin. Tiền công có thể mắc hơn tìm thợ riêng lẻ bên ngoài nhưng lại đem đến sự đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình... Trường hợp xây dựng, sửa chữa nhỏ lẻ, nếu tìm thợ ngoài thì chủ đầu tư cũng nên thận trọng xem xét, tìm hiểu xuất xứ, tay nghề, đạo đức của thợ trước, đồng ý rồi mới ký hợp đồng chặt chẽ, đàng hoàng.

Phóng sự của Thiếu Gia / ảnh minh họa : Ashui.com


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # LongTien 27/08/2015 21:10
Bài phóng sự rất hay về đời thợ hồ, dù đã lâu 2009
Chúng tôi là đội thợ xd thi công nhà dân, nhà phố gồm các anh, em trong làng xã, gọi nhau đi làm cùng, tay nghề cứng.
Ai có nhu cầu liên hệ: 0982416501 mr.Long
Email:
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo