Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Công nghệ Ứng dụng Lợi ích của GIS và thực trạng triển khai tại Việt Nam

Lợi ích của GIS và thực trạng triển khai tại Việt Nam

Viết email In

Trong thời gian qua, một số địa phương tại Việt Nam đã triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Vậy Hệ thống này thực sự có lợi ích như thế nào trong việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh?  


Bình Dương đã khởi tạo thành công hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành Xây dựng để phục vụ người dân, cơ quan và doanh nghiệp tra cứu thông tin.

Kinh nghiệm trên thế giới

Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS (sau đây gọi tắt là Hệ thống GIS) là hệ thống được xây dựng để quản lý các cơ sở dữ liệu đô thị theo dạng các lớp bản đồ (quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở…) được tích hợp trên nền dữ liệu địa lý quốc gia trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia. Hệ thống này sẽ cho phép hiển thị các lớp thông tin được sàng lọc, phân tích, tổng hợp, tính toán theo yêu cầu của người sử dụng.

Do đó, việc thiết lập Hệ thống GIS là nền tảng căn bản cung cấp cơ sở dữ liệu để triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý điều hành đô thị thông minh và tích hợp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia đã sử dụng GIS trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.

Là một trong những nước đi đầu về công nghệ GIS, hệ thống dữ liệu quốc gia tại Mỹ được xây dựng rất hoàn chỉnh dựa trên hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. GIS được phát triển ở khắp các lĩnh vực liên quan đến không gian lãnh thổ như môi trường, hành chính – xã hội, kinh tế và đa ngành liên ngành.

Tại Pháp, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ GIS bao gồm dịch vụ công, tiếp vận, tài nguyên môi trường, hạ tầng kỹ thuật, thị trường, xã hội, tiêu dùng. Tại Nhật Bản, ứng dụng GIS được áp dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực về thông tin đô thị, quản lý sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đô thị từ cấp Chính phủ đến các Bộ, ngành và địa phương.

Trong khi đó, Hàn Quốc đã triển khai xây dựng hệ thống GIS quốc gia trong 3 giai đoạn 1995 – 2000, 2001 – 2005 và 2006 – 2010 với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào các mục tiêu là xây dựng nền tảng cơ sở; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian; xây dựng hệ thống ứng dụng đa ngành và hệ thống phân tích nâng cao.


Mô phỏng các Lớp dữ liệu tích hợp trên nền tảng GIS.

Tình hình triển khai xây dựng GIS tại Việt Nam

Trong những năm qua, một số địa phương tại Việt Nam đã triển khai xây dựng Hệ thống GIS và đạt được các kết quả đáng khích lệ. Tỉnh Bình Dương đã triển khai các nội dung liên quan đến GIS thông qua Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng”, khởi tạo thành công hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành xây dựng. Các lĩnh vực ứng dụng bao gồm: Kiến trúc - Quy hoạch; Hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị; Nhà ở & Bất động sản; Hoạt động xây dựng; Kinh tế vật liệu xây dựng và Thanh tra.

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng làm cơ sở cho các đơn vị có liên quan trong công tác khai thác, sử dụng, cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung liên ngành.

Trên cơ sở hệ thống dữ liệu đã thiết lập, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục nghiên cứu phát huy các tiềm năng của dữ liệu thông qua các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám xây dựng nguồn dữ liệu tham chiếu định hướng cập nhật, số hóa dữ liệu về giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng; ứng dụng GIS 3D và các mô hình thành phố 3D trong công tác quản lý đô thị và các hoạt động xây dựng (thí điểm trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một); triển khai áp dụng mô hình cập nhật dữ liệu GIS ngành xây dựng theo quy trình nghiệp vụ; đề xuất và thực hiện thí điểm mô hình quản lý GIS kết hợp BIM trong quản lý đầu tư xây dựng.

Tại Bắc Ninh, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh; triển khai theo mô hình tập trung tại trung tâm dữ liệu tỉnh; xây dựng, ban hành các Quy chế, quy định quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung nhằm tăng cường kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu tình trạng manh mún, phân mảnh ứng dụng và cát cứ dữ liệu.

Đây là cơ sở để Bắc Ninh triển khai các ứng dụng Chính quyền điện tử, các ứng dụng của Trung tâm điều hành, các nền tảng kết nối người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, trên nhiều lĩnh vực như cơ sở dữ liệu dùng chung và hệ thống thông tin quản lý tích hợp trên nền tảng GIS về các lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, quy hoạch xây dựng, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu...


Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là công cụ đắc lực để triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý điều hành đô thị thông minh và tích hợp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

GIS có lợi ích to lớn như thế nào?

Việc đầu tư, thiết lập Hệ thống GIS đang mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị đô thị; cung cấp, chia sẻ thông tin quản lý đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu sử dụng; tạo nền tảng để các doanh nghiệp có thể phát triển ứng dụng quản lý, cung cấp dịch vụ; tạo môi trường tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Hệ thống GIS là công cụ hỗ trợ hiệu quả công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; quản lý đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch xây dựng được duyệt; tạo nền tảng cơ sở để áp dụng các công cụ hỗ trợ ra quyết định (DSS) đánh giá đa mục tiêu; tạo nền tảng cơ sở để áp dụng các công cụ quản lý đô thị tích hợp công nghệ 3D, công nghệ viễn thám…; tích hợp thông tin pháp lý đối với công tác quản lý dân cư, đất đai, giao thông và các dịch vụ công trong đô thị; cải cách hành chính, hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; phổ biến các chính sách pháp luật, quản lý điều hành của Trung ương và địa phương.

Đối với doanh nghiệp, Hệ thống GIS cho phép khai thác, chia sẻ các thông tin pháp lý, thông tin quy hoạch xây dựng, đô thị. Tùy vào mức độ phát triển của hệ thống có thể cho phép các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính theo các cấp độ khác nhau như xin cấp phép xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch… Đối với người dân, Hệ thống GIS có thể hỗ trợ tra cứu thông tin về chính sách pháp luật, quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn; phản ánh kịp thời những vi phạm, bất cập và thúc đẩy người dân tham gia công tác quản lý đô thị.

Bài học kinh nghiệm tại Việt Nam

Là một trong những địa phương đầu tiên ở Việt Nam triển khai xây dựng Hệ thống GIS, tỉnh Bình Dương đã thu về những kinh nghiệm quý báu. Theo Sở Xây dựng Bình Dương, quá trình thiết lập Hệ thống GIS tại Việt Nam hiện nay còn gặp phải một số khó khăn vướng mắc nổi bật như các chính sách, quy định pháp luật về số hóa dữ liệu ngành Xây dựng từ Trung ương tới địa phương chưa thống nhất; các dữ liệu được lưu trữ chưa đồng bộ, liên thông hoặc chưa đầy đủ thông tin; nhận thức của của các Sở, ngành và địa phương về số hóa dữ liệu ngành Xây dựng chưa thống nhất, nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đến việc số hóa và chuẩn hóa dữ liệu; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; cán bộ phụ trách cập nhật dữ liệu GIS có chuyên môn chưa cao.

Vì vậy, để hỗ trợ các địa phương nghiên cứu thiết lập Hệ thống GIS hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh”.

Hữu Mạnh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo