Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Tràn lan "ốc đảo" đô thị

Tràn lan "ốc đảo" đô thị

Viết email In
Thống kê của Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hà Nội cho biết, trong 10 năm qua, trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũ có trên 180 dự án nhà ở và khu đô thị mới được nghiên cứu triển khai, với tổng diện tích gần 3.000 ha. Kể từ năm 2001 trở lại đây, mỗi năm thành phố này có thêm khoảng 1,5 triệu m2 sàn nhà ở xây dựng mới.

Không chỉ Hà Nội, mà các địa phương tiếp giáp với Hà Nội cũng đầu tư rất nhiều dự án khu đô thị, tạo nguy cơ khủng hoảng thừa dự án nhà ở. Tín hiệu dễ thấy đầu tiên là đã có nhiều dự án khu đô thị mới xây xong không bán được hàng, hoặc khách hàng mua rồi không ở.

Một trong những địa phương có tốc độ "lạm phát" dự án nhà ở cao nhất là Thành phố Hà Đông (nay đã là một thành phố trực thuộc Hà Nội) và vùng ngoại vi. Từ chỗ chỉ có Khu đô thị Văn Quán của Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HUD) khởi công năm 2003, đến nay đã có thêm hàng loạt dự án quy mô lớn như: Làng Việt kiều châu Âu, chung cư Booyoung, các đô thị mới Sala, Văn Phú, Mỗ Lao, Văn Khê, Nam An Khánh, Bắc An Khánh... Nếu tính cả tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và một phần huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sau khi sáp nhập về Hà Nội, thì số dự án nhà ở và khu đô thị của Thành phố Hà Nội mới sẽ lên đến con số vài trăm. Chỉ tính riêng địa bàn 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình trước khi sáp nhập về Hà Nội (trước ngày l/8/2008) cũng đã có gần 10 dự án nhà ở và khu đô thị mới được cấp phép.

Không chỉ trên địa bàn Thành phố Hà Nội, mà tại Vĩnh Phúc - một địa phương tiếp giáp với Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cho biết, trong 5 năm 2001-2006, đã có 33 dự án đăng ký đầu tư vào du lịch, dịch vụ, biệt thự nhà vườn và đô thị mới, trên diện tích 1.738 ha. Ngoài các dự án được triển khai tại các khu vực trung tâm của tỉnh như Hà Tiên (60 ha), Cienco 5 (49 ha), còn có hàng loạt dự án triển khai tại các huyện, thị khác, như Dự án Nhà ở Lạc Hồng tại Thành phố Vĩnh Yên hay khu đô thị mới Hà Phong tại huyện Mê Linh (nay đã thuộc về Hà Nội)...

Tại Bắc Ninh, các khu đô thị Nam Từ Sơn, Yên Phong về cơ bản đã hoàn thành xây dựng. Ngay bên cạnh Khu đô thị Nam Từ Sơn là Dự án Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Bắc Ninh đang chờ khởi công. Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh, từ nay đến năm 2020, nhiều khu đô thị mới khác cũng sẽ được khởi công xây dựng, như các khu đô thị Châu Cầu, Đức Long, Đông Tiến, Nhân Hòa, Vân Dương…

Không chỉ quy hoạch tràn lan, mà không ít dự án nhà ở, khu đô thị hiện trong tình trạng thiếu sự khớp nối hạ tầng cần thiết. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, thời gian qua, các chủ đầu tư thường chỉ chú trọng đến việc xây nhà để bán, mà quên mất việc xây dựng và khớp nối các công trình hạ tầng giữa bên trong và bên ngoài khu đô thị. Hệ quả là, hàng loạt "ốc đảo" đô thị ra đời mà không có mối liên hệ hữu cơ với toàn bộ đời sống đô thị. Sự mất cân đối giữa đầu tư cơ sở hạ tầng với quy mô đô thị hoá đang gây cho Hà Nội những hậu quả hết sức nghiêm trọng như: ùn tắc giao thông, úng ngập nước mưa kéo dài, thiếu nước sạch, thiếu điện sinh hoạt, ô nhiễm không khí, rác thải quá mức...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện khoảng 40% số cán bộ - công chức của Hà Nội chưa có nhà ở. Tuy nhiên, cũng theo một lãnh đạo của sở này, với mức thu nhập thực tế của cán bộ, công chức hiện nay, số người có khả năng mua nhà không nhiều.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc phát triển mạnh các dự án nhà ở, khu đô thị mới là tất yếu của quá trình đô thị hoá. Tuy nhiên, mạnh đến mức nào còn phải căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và mức tăng thu nhập của người dân. Đầu tư dự án nhà ở theo kiểu phong trào chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Hậu quả trước mắt đã nhìn thấy là có rất nhiều dự án xây rồi... bỏ không, không có người đến ở. Hàng ngàn tỷ đồng đang bị "chôn" tại các dự án nhà ở, khu đô thị mới mà với tình hình hiện nay, không có cách gì rút ra được.
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2048 khách Trực tuyến

Quảng cáo