Câu chuyện 7 ngôi biệt thự lô X1, OBT2 Bắc Linh Đàm mở rộng không có lối vào đã được báo chí nhắc đến trong những ngày qua. Tuy nhiên, vấn đề này đã tồn tại bao lâu và tại sao lại chỉ bùng phát ở thời điểm này đều có nguyên do.
Việc gỡ nút thắt lại không hề đơn giản bởi nó phụ thuộc vào những dự án độc lập của nhưng đơn vị khác nhau. Điều này là một minh chứng về sự thất bại trong bài toán khớp nối hạ tầng - vấn đề nan giải của chính quyền các thành phố lớn.
Hơn 5 năm đợi lối vào nhà
Qua tìm hiểu thực tế, bức xúc nhất trước tình trạng không có lối vào tại các biệt thự X1- OBT2 Bắc Linh Đàm mở rộng trong suốt thời gian hơn 5 năm qua chỉ duy nhất có hộ gia đình ông Hồ Sỹ Kiệp (biệt thự số 26).
Tại sao dãy biệt thự có 7 căn mà chỉ có mình gia đình ông Kiệp gõ cửa kêu cứu? Thực ra trong 7 biệt thự nói trên thì chỉ có căn số 26 của gia đình ông Kiệp và căn số 16 nằm ở vị trí đầu hồi đã dọn về ở trong những năm qua, mà sớm nhất là gia đình ông Kiệp về từ năm 2005. Vì các hộ đầu hồi đều có hai mặt thoáng nên chủ nhân căn biệt thự số 16 cũng không quá khó khăn do sử dụng được đường nội bộ hai bên hông nhà.
Và đến thời này thì có thêm biệt thự số 28 - vị trí đầu hồi còn lại vừa hoàn thiện xong cũng đang dọn về ở. Bởi vậy, suốt cả một thời gian dài, gia đình ông Kiệt gần như đơn thương độc mã, trăn trở kiến nghị và loay hoay tìm lối vào nhà.
Sự việc thực sự chỉ bùng phát khi Chính phủ có yêu cầu Hà Nội rà soát các biệt thự bỏ hoang thì chủ nhân của mấy căn biệt thự dạng này tại X1-OBT2 mới lục tục về hoàn thiện nhà.
Tại hiện trường, ngoài 3 căn đã hoàn tất, đang có thêm biệt thự số 22, nằm sát nhà ông Kiệp mới bắt đầu bắt tay vào hoàn thiện. Sự việc thực sự bị đẩy lên đến đỉnh điểm khi xe chở vật liệu đến cho biệt thự số 22 không vào được công trình vì người dân có đất canh tác trước mặt nhà đã rào đường không cho đi nhờ nữa.
Hiện trên lô X1-OBT2 vẫn còn hai căn biệt thự trong tình trạng phủ rêu. Các hộ dân thì cho rằng do không có đường nên họ không vào hoàn thiện được nhà. Cộng với hạ tầng kỹ thuật (điện, nước…) chưa cấp đúng theo thiết kế nên không thể dọn về ở.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên thì hầu hết các căn biệt thự này đều đã có chủ đứng tên trong hợp đồng gốc bán cho những người khác, thậm chí qua đến mấy chủ. Và nếu chưa có động thái về việc sẽ xử lý biệt thự bỏ hoang thì liệu có ai cùng lên tiếng với gia đình ông Kiệp hay vẫn chỉ mình biệt thự số 26 đơn thương độc mã tự thỏa thuận với dân cho đi nhờ đường.
Mặc dù vậy, phải thừa nhận nguyện vọng của chủ các biệt thự tại X1-OBT2 là rất chính đáng, đòi một lối vào cho những ngôi nhà hàng chục tỷ đồng.
Khổ vì quy hoạch
Khu Bắc Linh Đàm mở rộng có diện tích 5ha do Công ty Đầu tư Phát triển nhà số 2 (HUD 2 - đơn vị thành viên của Tập đoàn Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị - HUD) làm chủ đầu tư. Đây là một phần trong tổng thể dự án Khu đô thị mới Kiểu mẫu Linh Đàm được triển khai thực hiện theo nhiều giao đoạn.
Bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2003, Khu Bắc Linh Đàm mở rộng đã nhanh chóng hoàn thiện để bàn giao phần cơ sở hạ tầng cho thành phố Hà Nội quản lý và từ năm 2005 người dân đã bắt đầu nhận nhà, vào ở.
Hiện Bắc Linh Đàm mở rộng có khoảng 3.000 hộ dân đang sinh sống tuy nhiên chỉ có 5 căn biệt thự khu OBT2 đang lâm vào cảnh “nhà giàu phải khóc” bởi không có lối vào. Trong khi đó, dù giao đất sau nhưng lô biệt thự tương tự tại vị trí X2, giáp dự án cải tạo sông Tô Lịch lại "thuận buồm xuôi gió."
Theo quy hoạch đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, dự án Khu đô thị mới này nằm tiếp giáp với dự án cải tạo tuyến sông Lừ thuộc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội. Tại quyết định số 71/2005/QĐ-UB ngày 13/5/2005 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ hai bên bờ sông Lừ (đoạn Từ Đê La Thành đến sông Tô Lịch) cũng đã chỉ rõ tuyến này có cấp hạng chủ yếu là đường nhánh nhưng riêng đoạn giáp khu đô thị mới Đại Kim - Định Công là đường phân khu vực.
Nếu theo quy hoạch thì sau khi cải tạo tuyến sông Lừ, đoạn tiếp giáp với dự án khu đô thị mới Bắc Linh Đàm mở rộng và ở chính vị trí của lô biệt thự này (thuộc địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) sẽ là một con đường lớn chạy qua với mặt cắt lòng đường 15m, mặt cắt vỉa hè hai bên cùng hệ thống cây xanh khoảng 15m nữa. Như vậy, khách hàng khi xem sơ đồ, quy hoạch đương nhiên sẽ chọn vị trí khá đắc địa này. Tuy nhiên, khó ai định được chữ “ngờ”.
Vì dự án bị khoanh đất, độc lập với chủ đầu tư khác nên việc chậm tiến độ trong cải tạo tuyến sông Lừ đã khiến đoạn đường lẽ ra rất đẹp này vẫn đang là bãi đất mênh mông.
Trên cương vị chủ đầu tư, chẳng đơn vị nào không chọn phương án tận dụng hết quỹ đất của mình đến tận hàng rào bởi quy hoạch chung của thành phố tại vị trí này đã quá rõ. Và nếu dự án giáp ranh đúng tiến độ thì đã không xảy ra tình trạng trên.
Mượn đất mở đường?
Đó là một trong những phương án đang được Chủ đầu tư HUD2 tính đến, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc HUD 2 chia sẻ. Tại thời điểm làm việc với phóng viên, chủ đầu tư chưa nhận được kiến nghị bằng văn bản của người dân nhưng đã được thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước mắt, HUD2 mong muốn hợp tác với Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội và Quận Hoàng Mai cùng thỏa thuận với người dân có đất canh tác ngay trước mặt dãy biệt thự này để Công ty có thế mượn đất làm đường đi tạm cho dân trong khi đợi khớp nối hạ tầng. Lô đất trước mặt có diện tích hơn 3.000m2 thuộc 20 hộ dân chưa nhận tiền đến bù giải phóng mặt bằng của dự án thoát nước.
Vì vậy, nếu không có sự hợp tác của các bên liên quan thì ngay cả việc chủ đầu tư tự bỏ kinh phí và đứng ra thỏa thuận với dân cũng rất khó khả thi mặc dù những người sở hữu vẫn đang để các cư dân Linh Đàm sang tự trồng “rau sạch” cải thiện.
Trên thực tế, cùng tuyến giải phóng mặt bằng này có hơn 100 hộ dân nhưng chỉ còn tồn tại lại 20 hộ. Có những vị trí đã hoàn tất giải phóng mặt bằng và bàn giao nhưng vẫn không thể thi công vì lô “đất sạch” vừa nhận cũng không có lối đưa phương tiện vào thi công.
Bởi vậy, đã có trường hợp chủ đầu tư phải thuê đất của dân làm cầu bắc qua cho xe vào thi công. Và nguyên nhân sâu xa của những vấn đề vừa đề cập đến vẫn bắt nguồn từ chuyện muôn thủa là giải phóng mặt bằng - khớp nối hạ tầng đô thị.
Tại Quyết định số 62 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, tái định cư khu vực này. Nhưng cho dù là lỗi chậm chễ thuộc đơn vị nào thì cơ quan chức năng cũng không thể tiếp tục làm ngơ trước nguyện vọng rất chính đáng và nhu cầu bức xúc của các hộ dân khu biệt thự không lối vào.
Theo ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng giải phóng mặt bằng - Trung tâm phát triển quỹ đất và duy tu hạ tầng quận Hoàng Mai, mục tiêu kế hoạch là quý 3 mới có thể hoàn thành giái phóng mặt bằng. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án cải tạo sông Lừ là Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội cũng không thể thi công nếu thiếu mặt bằng. Như vậy, cảnh nhà không lối vào vẫn phải tiếp tục phụ thuộc theo tiến độ của các dự án liên quan mà có nhanh cũng phải mất vài tháng nữa!
Cài vòng luẩn quẩn này chỉ có thể tạm gỡ khi các bên liên quan hợp tác, cùng chia sẻ để giải quyết khó khăn bằng cách thỏa thuận để mở một đường đi tạm cho dân. Thời điểm hiện nay, để giải bài toán khúc mắc này đang rất cần sự nhập cuộc và can thiệp kịp thời của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trên cương vị trọng tài!
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định công tác phát triển đô thị đang đứng trước thách thức lớn, nhất là vấn đề về quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội...
Điển hình là những lúng túng trong công tác phát triển đô thị, thấy lợi trước mắt thì làm, chưa có tầm nhìn. Do đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được quan tâm; hạ tầng các khu đô thị mới thiếu kết nối đồng bộ.
Đầu tháng 6, tại cuộc họp xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư phát triển đô thị (thay thế NĐ 02/2006/NĐ-CP về Quy chế khu đô thị mới) giữa Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng thừa nhận công tác phát triển đô thị Hà Nội đang gặp rất nhiều bất cập, phát triển kiểu “vừa chạy nhanh vừa xếp hàng.”
Như vậy, sự chồng chéo, thiếu tính liên kết và đồng bộ là rất khó tránh khỏi./.
Thu Hằng
[ Chuyên đề : Chất lượng sống ở các khu đô thị mới ]
- Phố đi bộ quanh Hồ Gươm, đừng sợ!
- Tách Đà Lạt khỏi Lâm Đồng: Lãng phí hay hướng đi đúng?
- Cắt giảm đầu tư công: Nhìn hiệu quả, lo hậu quả
- Làng cổ Hà Nội: Nét xưa yêu dấu
- Nhà vô địch” thấy thất bại trong thành công
- Cốc Thôn giữ nhà cổ
- 70% cao ốc mang tên nước ngoài
- Xóa sổ xích lô?
- Tái định cư và câu chuyện giàu nghèo
- Bẫy tại giao lộ