UBND TPHCM đã thống nhất phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm) có cấu trúc hình lá dừa nước.
Văn phòng UBND TPHCM vừa thông báo kết luận của Thường trực UBND TPHCM về phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn.
Theo đó, UBND TPHCM cơ bản thống nhất phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn - phương án CDN01, có cấu trúc hình lá dừa nước của Liên danh Chodai-Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam.
Một phối cảnh cầu đi bộ băng qua sông Sài Gòn.
UBND TPHCM lưu ý lan can cầu phải đảm bảo yêu cầu an toàn, mỹ thuật và chọn phương án màu sắc chủ đạo khác màu trắng.
Trong quá trình vận hành cầu đi bộ, chỉ sử dụng cho người đi bộ và phương tiện đi lại của người khuyết tật, cấm các phương tiện giao thông khác, cấm các hình thức buôn bán, kinh doanh trên cầu. Thi công, lắp dựng cầu phải đồng bộ phù hợp với quy hoạch khu vực, không chia thành nhiều giai đoạn.
Trước đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ bắc vượt sông Sài Gòn nối quận 1 với quận 2 có cấu trúc hình lá dừa nước. Đây được coi là biểu tượng của miền Nam.
Thiết kế cấu trúc cầu có hình lá dừa nước là thiết kế đã được Hội đồng đánh giá xếp hạng thống nhất kết quả đạt số điểm cao nhất, phương án tối ưu nhất trong cuộc tuyển chọn "Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn".
Theo đó, vị trí địa điểm xây dựng cầu đi bộ được xác định tại vị trí giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn. Đầu cầu phía quận 1, nằm trong khu vực Công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía quận 2 bố trí tại Công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía nam Quảng trường trung tâm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn sẽ được xây dựng tại vị trí giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm Thủ Thiêm. (Ảnh: Minh Quân)
Mới đây, liên danh Chodai-Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam đã có báo cáo phương án cập nhật các góp ý điều chỉnh thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Theo đó, liên danh này đề xuất lối đi bộ dọc theo sông Sài Gòn từ nhà ga Ba Son đến Cầu Khánh Hội, với kết cấu hình chiếc lá nhỏ làm mái che để kết nối với cầu đi bộ, thu hút người dân tiếp cận bờ sông. Đồng thời, liên danh này đề xuất cầu vượt đi bộ qua đường hoặc đèn giao thông được chuẩn bị để kết nối công viên hiện tại với phía đối diện của đường Tôn Đức Thắng (đường Nguyễn Huệ).
Bãi đậu xe máy mới được đề xuất tại vị trí ga tàu cao tốc hiện hữu và phía khu đô thị mới Thủ Thiêm để dễ dàng tiếp cận cầu đi bộ.
Về màu sắc, màu trắng như phương án ban đầu sẽ nhấn mạnh được tính biểu tượng của cây cầu, tạo sức hút thị giác dưới ánh nắng mặt trời. Khi chiếu sáng vào ban đêm, màu trắng của cầu đi bộ sẽ là nền cho việc chiếu sáng nghệ thuật chuẩn nhất.
Về các hoạt động ở trên và dưới cầu đi bộ, đề xuất thêm các hoạt động vào ban ngày như: các sự kiện đặc biệt, lễ hội âm nhạc, nghệ thuật công cộng, yoga... và các hoạt động ban đêm (rạp chiếu bóng ngoài trời, màn hình chiếu sáng vào ban đêm, trình chiếu nhạc nước và chiếu sáng 3D)...
Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm có các cây cầu, hầm vượt sông kết nối với các khu vực khác của thành phố bao gồm: cầu Thủ Thiêm 1 và hầm vượt sông Sài Gòn đang hoạt động, cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng, cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4 và cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Minh Quân
(Lao Động)
- Lộ diện nhiều hiện vật quý khi kiểm kê di tích tại Hà Nội
- Hà Nội sẽ có bao nhiêu tuyến đường sắt đô thị đến năm 2030?
- Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định
- Thiếu nước về ĐBSCL, Chính phủ cảnh báo hạn ngay mùa lũ
- Bổ sung 63 quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh
- Hà Nội: Đổi mới để hoàn thành cải tạo chung cư cũ
- TPHCM: Đề xuất thu hồi, trưng mua biệt thự cũ của tư nhân để bảo tồn
- Thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Hướng dẫn thực hiện ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- 15 đề xuất nhằm tăng cường quản lý, phát triển đô thị giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng