Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tin tức Việt Nam Trình Thủ tướng đề án nghiên cứu cảng Cần Giờ theo hướng cảng xanh

Trình Thủ tướng đề án nghiên cứu cảng Cần Giờ theo hướng cảng xanh

Viết email In

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa, phát triển theo hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường để trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

UBND TPHCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; trong đó, thành phố xác định nghiên cứu cảng này trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.


Khu vực quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
(Ảnh tư liệu: TTXVN)

TTXVN cho biết, theo tờ trình, cảng dự kiến xây dựng tại khu vực cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện cần Giờ) với tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7 km và bến sà lan khoảng 2 km, việc bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.

Quan điểm nghiên cứu của UBND TPHCM là phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; theo hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Quy mô cảng được nghiên cứu là có thể khai thác tàu vận tải container có trọng tải lên đến 250.000 tấn, tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 – 65.000 tấn và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn. Cảng dự kiến phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn; giai đoạn 1 trước năm 2030 sẽ đầu tư 2/7 bến chính và giai đoạn 2 (từ 2030 đến 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại.

Nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư xây dựng cảng được đặt tiêu chí phải có vốn điều lệ từ 9.000 tỉ đồng trở lên và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỉ đồng trở lên; phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo tờ trình, dự án sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại; tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 người làm việc tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan; sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 – 40.000 tỉ đồng/năm trong giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TPHCM tăng trưởng bình quân trong giai đoạn năm 2015 – 2022 khoảng 9,3%; dự báo trong giai đoạn 2022 – 2030, tổng lượng hàng thông qua cảng biển thành phố tăng trưởng bình quân khoảng trên 5%/năm, lượng hàng container tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm.

N.Tân

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo