Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Điểm đến Xuống thung lũng thiên thần Engelberg (Thụy Sĩ)

Xuống thung lũng thiên thần Engelberg (Thụy Sĩ)

Viết email In

Lọt thỏm giữa Trung Âu, Thuỵ Sĩ được mệnh danh là miền đất hoà bình nhất thế giới, nơi đáng sống nhất thế giới, và cũng là nước có những thành phố với mức sống đắt nhất thế giới… Những cái nhất đầy tự hào của đất nước này đang cuốn hút lữ khách từ các nước châu Á. 

Engelberg là điểm khởi đầu hành trình khám phá Thuỵ Sĩ, nơi đưa tôi ngược dòng thời gian trở về sự hình thành ngôi làng cổ từ thế kỷ 12 và đắm chìm trong vẻ đẹp ở núi tuyết Titlis – thiên đường hạ giới của những người yêu thích mạo hiểm và khám phá.  

Engelberg, ngôi làng nhỏ nằm hẻo lánh dưới thung lũng, bao quanh bởi dãy núi lớn và dài nhất châu Âu – Apls ở miền trung Thuỵ Sĩ, từ thế kỷ 18 đã là điểm đến của lữ khách khắp châu Âu và nay là cả thế giới. 


Ngôi làng cổ Engelberg nhìn từ đỉnh Titlis. 

Mất 16 tiếng di chuyển từ TP.HCM đến Engelberg(1), kể cả thời gian quá cảnh và chuyển tàu, nhưng bao mệt nhọc tan biến ngay khi rời khỏi ga Engelberg. Bởi tôi như đang lạc vào miền cổ tích, bên là đỉnh Titlis tuyết trắng, bên là ngôi làng Engelberg dọc theo sườn núi, đẹp như bức tranh phảng phất nét cổ kính từ thời trung cổ. 

Làng cổ có từ thế kỷ thứ 12 

Những kiến trúc nhà đặc trưng kiểu Thuỵ Sĩ của Engelberg khiến tôi và những người bạn đồng hành thực sự bị ấn tượng. Đi khắp đường làng, góc nào cũng là góc đẹp, từ phiến đá lót đường, cửa sổ lãng mạn phủ đầy hoa, đến cả vạt rừng xanh trải dài, điểm xuyết những ngôi nhà cheo leo bên sườn núi. Matter – cư dân Engelberg, giám đốc kinh doanh khách sạn và hệ thống cáp treo núi Titlis, không giấu niềm tự hào giới thiệu: “Cả làng chúng tôi hầu hết đều làm dịch vụ du lịch, dân số khoảng 5.000 người nhưng đón đến gần 1 triệu du khách hàng năm. Ngoài người bản xứ, những ngôi nhà còn lại là của giới giàu có ở các thành phố lớn, họ mua nhà và trở về đây dịp cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ để thư giãn”. 

Kiến trúc đồ sộ, cổ xưa và nổi bật nhất ở Engelberg nằm cuối con đường làng, đấy chính là tu viện Biển Đức (Benedictine) nơi hình thành tên gọi của Engelberg. Xưa kia vị sáng lập tu viện Konrad von Sellenburen được thiên thần mách bảo hãy tìm một nơi tôn vinh thượng đế, ông chọn địa điểm xây tu viện. Và sau khi tu viện hình thành năm 1120, vị sáng lập nhìn lên núi Hennenberg và nghĩ đến chuyện đặt tên, lúc ấy âm thanh một dàn đồng ca hát mừng thượng đế vẳng lại trong không gian, ông nghĩ ngay đến tên gọi “núi thiên thần” và định danh là Engelberg. Từ đó về sau, vùng thung lũng này có tên Engelberg, cư dân Engelberg gọi mình là “người núi thiên thần”. 

Vào hang băng trên đỉnh Titlis


Vẻ đẹp đầy huyền ảo của hang băng vĩnh cửu trên đỉnh Titlis.  

Đỉnh Titlis cao 3.239m được chinh phục lần đầu tiên vào năm 1744 với mô tả là “một ngọn núi đáng sợ”. Nhưng hôm nay, Titlis trở nên rất gần với lữ khách khắp thế giới nhờ những đường cáp treo hiện đại, cùng hệ thống đại lý quảng bá du lịch nhắm vào các nước châu Á(2)

Người Engelberg khéo hài hước khi vận dụng một câu trích từ Kinh thánh để miêu tả về hệ thống cáp treo (có từ năm 1912), lên – xuống trên núi Titlis của họ rằng: “… hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên”. Còn ở góc độ kinh tế, cư dân Engelberg không thể phủ nhận: “Nếu cáp treo lên đỉnh Titlis ngừng hoạt động, nền kinh tế Engelberg đóng băng ngay lập tức”. 

Mất 45 phút từ chân núi, qua ba loại cáp treo, trong đó có cáp treo lồng xoay đặc biệt Titlis Rotair vận chuyển trung bình 100 du khách một lượt và tự xoay vòng để nhìn toàn cảnh trong hành trình lên đỉnh núi ở độ cao 3.020m; 80% lãnh thổ của Thuỵ Sĩ có thể nhìn thấy ở độ cao này. Cuối cùng tôi cũng đặt chân lên lớp tuyết trắng dù đang giữa nắng hè trên đỉnh Titlis, bao quanh là hầu hết du khách đến từ châu Á. 

Đỉnh Titlis còn có một báu vật khác, đó là hang băng khởi công từ năm 1974 và hoàn thiện bốn năm sau đó. Lòng hang luôn ở nhiệt độ âm, ánh sáng mang lại cảm giác huyền ảo, với những hình tượng nghệ thuật tạc từ băng giống như một bảo tàng băng thu nhỏ. Được biết, để xây dựng hang băng này, công nhân đã dành 18.000 giờ lao động để kiến thiết từ 3.000m khối băng thành một hang băng vĩnh cửu dài 150m, và hàng năm phải mất 800 – 1.000 giờ làm việc để bảo tồn. 


Cáp treo lồng xoay đầu tiên trên thế giới ở núi Titlis.


Hệ thống cáp treo có từ năm 1912 đưa du khách khám phá miền thiên đường băng tuyết núi Titlis. 

Trở về độ cao 1.800m để qua đêm ở khách sạn Truebsee ở lưng chừng dãy Apls. 7 giờ tối mà trời vẫn sáng bừng, bỗng mây mù che phủ, cơn mưa đá bất chợt đổ xuống, đá li ti bằng đầu ngón tay cái rơi lả tả ngoài hiên. Rồi trời quang, mây tạnh, vầng cầu vồng thắm một góc trời khép lại một ngày đầy thú vị trên đỉnh Titlis. Ngày mai, hành trình của tôi tiếp tục đến thành phố nổi tiếng bên hồ đầy thơ mộng – Lucerne. 

Lam Phong 

Chú thích: 

  1. Bay từ TP.HCM, quá cảnh ở Thái Lan và Frankfurt (Đức), rồi đến Zurich – thành phố sầm uất và náo nhiệt thứ hai của Thuỵ Sĩ sau Geneva. Đi 95km xe lửa nữa mới đến Engelberg. 
  2. Hãng lữ hành núi tuyết Titlis đã đặt đại lý ở công ty lữ hành Blue Sky Travel tại TP.HCM. 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo