Công trình xanh vẫn còn là một khái niệm mới tại Việt Nam, kể cả các công trình xây mới hiện nay vẫn chưa đạt được mức hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc Elithis Asia – thuộc tập đoàn hàng đầu của Pháp trong thiết kế M&E và tiết kiệm năng lượng, về vấn đề làm thế nào công trình xây dựng có thể đạt tiêu chuẩn xanh.
Chúng tôi thường nghe các chủ đầu tư phàn nàn việc xây dựng một công trình xanh sẽ rât tốn kém về chi phí. Vậy theo ông sự thật có phải như vậy không ?
Ông Nguyễn Thanh Phong (ảnh bên): - Đây là một quan điểm không hoàn toàn chính xác. Tòa tháp Elithis Tower tại Pháp đạt năng lượng tích cực (năng lượng tiêu dùng nhỏ hơn năng lượng được sinh ra) đã được xây dựng đúng với đơn giá cơ bản của thị trường Pháp tại thời điểm xây năm 2009 là 1400€/m². Tất nhiên điều này chưa chắc đã đúng với thị trường Việt Nam nơi các quy định về chất lượng công trình còn chưa đầy đủ, và các vật liệu xanh chưa được quan tâm nhiều.
Công trình xanh thường bao gồm nhiều yếu tố có tính chất làm giảm phát thải trong tất cả các hoạt động, từ sản xuất vật liệu, vận tải, vận hành, dỡ bỏ. Nhưng tỷ trọng xanh quan trọng nhất tập trung vào tiết kiệm năng lượng khi vận hành, vì giai đoạn này tính cộng dồn nhiều năm sẽ phát sinh nhiều khí thải nhất. Nhiều công trình xanh có chứng chỉ xanh nhưng dùng các yếu tố khác để bù điểm số cho năng lượng vì giảm sử dụng năng lượng tới net zero hoặc âm là vấn đề khó nhất khi thiết kế và là mục tiêu lớn của ngành thiết kế hiện đại.
Công trình năng lượng tích cực (âm) đúng nghĩa phải ưu tiên nhất phần thiết kế thụ động (passive design) tức là sử dụng nhiều nhất các yếu tố tự nhiên : ánh sáng, không khí, nước… Công trình cho dù có đạt chứng chỉ xanh hay không mà tận dụng được các loại năng lượng tự nhiên tối đa sẽ làm giảm mức tiêu thụ năng lượng từ hệ thống cơ điện trong công trình, từ đó giảm đáng kể chi phí vận hành.
Nhiều tòa nhà mới ở Việt nam, kể cả do chủ đầu tư nước ngoài, chưa đạt được hiệu quả tiết kiệm năng lượng. Lí do do quan niệm sai lầm về chi phí xây dựng xanh hay chính phủ chưa thực thi sát sao các yêu cầu về vấn đề xây dựng xanh ?
- Tôi nghĩ là cả hai và hơn nữa. Thứ nhất, Chủ đầu tư thường nghĩ rằng công trình tiết kiệm năng lượng là bắt buộc phải bỏ ra nhiều chi phí cho thiết bị hiện đại. Như thế là chưa đúng. Như đã nói ở trên để một ngôi nhà gọi là xanh, tiết kiệm năng lượng chúng ta phải có tư duy thiết kế thụ động ngay từ khâu ý tưởng để tạo ra ngôi nhà sử dụng được tối đa năng lượng tự nhiên, sau đó mới áp dụng các biện pháp cơ điện (máy móc) để tăng hiệu quả vận hành.
Thứ hai, ở nước ta chưa chặt chẽ trong việc thực thi các quy chuẩn về thiết kế tiết kiệm năng lượng (hiện chưa có chuẩn cho thiết kế xanh) nên các chủ đầu tư không muốn thay đổi tư duy xây dựng đặc biệt là các chủ đầu tư xây công trình chỉ để kinh doanh bất động sản. Tôi từng trao đổi với một chủ đầu tư lớn tại Hà Nội về vấn đề thiết kế xanh cho tòa nhà, ông ấy trả lời “Anh không ở trong nhà đó thì cần gì phải xanh, người ta vẫn mua hết “. Điều đó chứng tỏ chính phủ cần những biện pháp hiệu quả hơn cho việc thay đổi tư duy này.
Thứ ba, giá gói thiết kế trên giá trị xây lắp công trình tại Việt Nam quá thấp, ở các nước phát triển tỉ lệ này là 7-15%, còn tại Việt Nam con số này chỉ dao động từ 1,5-3%. Điều đó chứng tỏ chúng ta không coi trọng tư duy chất xám trong công trình( tức phần thiết kế). Người làm thiết kế không thể tập trung hết cho việc sáng tạo các phương án tối ưu nhất cho sự vận hành của tòa nhà. Chúng ta cho phép xây những tòa nhà có tuổi thọ 50 - 100 năm, chúng có tác động rất lớn tới môi trường trong suốt quá trình xây lên, khai thác vận hành, phá dỡ mà lại quy định cho đầu tư chất xám của khâu quan trọng nhất quá thấp. Hậu quả của định mức thiết kế này khó có thể lường được, xét trên tất cả các phương diện, từ chất lượng công trình cho tới phát triển lâu dài và nền tảng khoa học cho thiết kế, nghiên cứu, giáo dục, môi trường…
Một số tòa nhà do nước ngoài đầu tư tại Hà nội từ đầu những năm 1990 không cho thấy việc tiết kiệm năng lượng. Vậy các tòa nhà này phải được cải tạo thế nào để có thể tiết kiệm năng lượng?
- Để tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà cải tạo, thường chúng ta phải cải tạo lại phần vỏ bao tòa nhà và hệ thống cơ điện trong tòa nhà để cải thiện: Cách nhiệt, tăng hay thậm chí giảm ánh sáng tự nhiên (ở việt nam thiết kế chống chói thậm chí quan trọng hơn thiết kế lấy sáng), thông gió tự nhiên từ đó giảm chi phí điện chiếu sáng và điều hòa.
Điều gì hiển nhiên nhất trong một tòa nhà mới tại Việt Nam cho thấy không đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng ?
- Đó là việc xây các tòa nhà quá nhiều kính mà không có các hệ thống chắn nắng. Việt Nam là đất nước nhiệt đới rất nhiều nắng, nên việc sử dụng ánh sáng tự nhiên hết sức quan trọng. Hiện nay rất nhiều tòa nhà kính lộng lẫy dưới trời nắng thì kéo rèm che còn trong phòng thì bật điện và điều hòa, như vậy là quá lãng phí. Làm sao để tận dụng hết ánh sáng tự nhiên cho các tòa nhà mà không bị cảm giác chói chính là tư duy thiết kế thụ động. Ngoài ra quá trình thiết kế với chi phí thấp làm cho các đơn vị chỉ thiết kế, tính toán kiểu sơ bộ rồi triển khai thi công, nhìn chung không có nghiên cứu về năng lượng. Thậm chí nhiều đơn vị còn chưa hiểu rõ về khái niệm năng lượng trong tòa nhà, chỉ làm theo thói quen miễn sao công trình đủ mát, bất chấp thừa công suất hệ thống, có thể thừa tới 50%.
Tại sao Elithis quyết định mở văn phòng tại Việt Nam ?
- Chúng tôi nhận thấy Việt nam là đất nước có rất nhiều tiềm năng kinh tế, đặc biệt với dân số trẻ thì đây là đất nước rấ năng động, cởi mở với những yếu tố mới, hiện đại. Thị trường xây dựng xanh sẽ rất phát triển tại Việt nam trong thời gian tới khi người dân nhận thức được những lợi ích của nó. Ngoài ra trước khi tới Việt nam chúng tôi đã có một số kết nối kinh doanh tại đây.
Nhóm khách hang nào Elithis hướng tới tại thị trường Việt Nam – doanh nghiệp nước ngoài, daonh nghiệp tư nhân nội địa hay công ty nhà nước ?
Trong thời gian đầu tiên, chúng tôi ưu tiên làm việc với các chủ đầu tư nước ngoài trên các dự án lớn yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế: Bệnh viện, khách sạn và văn phong cao cấp…Trong quá trình hội nhập chúng tôi sẽ làm việc với các chủ đầu tư Việt Nam mong muốn thiết kế những tòa nhà có môi trường sống tốt, thoải mại, tiện ích, thân thiện và tiết kiệm năng lượng.
Rất nhiều công ty tư vấn nước ngoài về công trình xanh đã có mặt tại Việt Nam. Vậy Elithis có điểm khác biệt gì?
- Thứ nhất, chúng tôi phát triển mảng thiết kế hiệu quả năng lượng trên cở sở 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ điện, và chúng tôi đã dám dấn thân trong việc tạo ra một sản phẩm chưa từng có, đó là đặt mục tiêu xây dựng một tòa tháp văn phòng đạt năng lượng tích cực. Và khi chúng tôi làm được điều đó vào năm 2009 trong tất cả các vai trò của chủ đầu tư , tư vấn thiết kế , quản lí dự án, khai thác dự án , thì chúng tôi đã cảm nhận được sự khác biệt thực sự khi được thiết kế và làm việc trong một tòa nhà như vậy. Tòa nhà Elithis đáp ứng tiêu chuẩn năng lượng của Pháp vào năm 2020.
Và sắp tới chúng tôi sẽ lại tạo cho mình những thử thách mới khi xây 2 tòa tháp chung cư đạt năng lượng tích cực, đây là thử thách khó khăn hơn nhưng chúng tôi tin sẽ thành công. Những nền tảng kĩ thuật, năng lực và trải nghiệm thực tế chính là sự khác biệt của chúng tôi.
Thứ hai, xét về căn bản, tại Việt Nam chúng tôi cung cấp các dịch vụ kỹ thuật năng lượng và cơ điện ( M&E) chuyên nghiệp cho các công ty thiết kế kiến trúc hoặc chủ đầu tư. Chúng tôi định hướng kết hợp làm việc cùng với họ ngay từ phác thảo dự án nhằm kiểm soát năng lượng và tối ưu bài toán đầu tư tài chính – năng lượng cho các dự án.
Nguyên Hạnh, Kiều Linh (VIR /thực hiện)
- Phú Quốc chuyển mình hướng tới mô hình đặc khu kinh tế
- “Đề án đặc khu sẽ là bước ngoặt cho Phú Quốc”
- KTS Bùi Anh Phú Ninh: Hoàng thành Thăng Long cần bảo tồn hơn "khoe áo mới"
- “Treo” vì cơ chế xin - cho
- Di sản và câu chuyện kinh doanh văn hóa của du lịch Việt Nam
- Khanh AA kể chuyện tăng trưởng
- Di tích: Xếp hạng nhiều, giữ được bao nhiêu?
- Quảng Nam: Gắn việc bảo tồn với phát huy giá trị các di sản
- Mơ hồ kiểm soát chất lượng không khí
- Nỗi đau “ba không” về đất đai