Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại Bất động sản: Nên kiểm soát thị trường để tránh... 'bong bóng'

Bất động sản: Nên kiểm soát thị trường để tránh... 'bong bóng'

Viết email In

Quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới nhà đất được Bộ Xây dựng ban hành và có hiệu lực từ ngày 16/2/2016 được xem là một động thái mạnh tay của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế tình trạng tung hoành của “cò đất”. 

Sự việc chưa kịp lắng xuống thì mới đây, dự thảo Thông tư 36 của Ngân hàng nhà nước cho thấy khả năng sẽ hạn chế nguồn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản. 

Những quy định này sẽ tác động như thế nào đến thị trường bất động sản 2016? Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính (ảnh) - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam để làm rõ hơn điều này. 

Kiểm soát nhưng... từ gốc

Ông có thể cho biết tình hình giao dịch bất động sản đầu năm 2016 diễn ra như thế nào?

- Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đầu năm 2016 hoạt động giao dịch tại các sàn bất động sản diễn ra rất sôi nổi, thể hiện ở hầu hết các sàn giao dịch bất động sản tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. 

Cụ thể, tại Hà Nội, trong tháng 1/2016 có khoảng 1.600 giao dịch thành công, bằng lượng giao dịch so với tháng liền trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015.

Tại TP.HCM, trong tháng 1 có khoảng 1.600 giao dịch bất động sản thành công, thấp hơn 50 giao dịch so với tháng liền trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi dự báo năm 2016 vẫn tiếp tục là năm sôi động của thị trường bất động sản.

Mới đây, NHNN công bố dự thảo Thông tư 36 trong đó có quy định việc thắt chặt tín dụng cho thị trường bất động sản. Nếu Thông tư 36 được thông qua, thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng như thế nào thưa ông?

- Nếu điều chỉnh Thông tư 36 như dự thảo của NHNN chắc chắn sẽ làm giảm dòng chảy của tín dụng vào thị trường bất động sản và quan điểm của chúng tôi là không nên thắt chặt tín dụng bất động sản vì hiện nay thị trường bất động sản hoạt động khá tốt và đang đi đúng định hướng phát triển. 

Hơn nữa, thị trường bất động sản vừa mới trải qua cuộc khủng hoảng và được hồi phục trở lại cũng nhờ vào chính sách. Khi sự hồi phục chưa thực sự khỏe mạnh mà tiếp tục cắt đi 'nguồn dinh dưỡng' này thì thị trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Thông tư 36 được thông qua thì rủi ro từ phía ngân hàng, chủ đầu tư và khách hàng cũng giảm thiểu một cách tốt đa, và lo ngại về bong bóng cũng không xảy ra?

- Tôi đồng tình quan điểm với ngân hàng là kiểm soát chặt để không để xảy ra tình trạng bong bóng nhưng phải kiểm tra chặt từ gốc. Ví như các dự án mới hình thành phải kiểm tra từ khâu kiểm định dự án, hồ sơ dự án có khả thi hay không, và thủ tục từ phía ngân hàng... để tránh cho dự án đổ bể như vậy tốt hơn là kiểm soát nguồn vốn vào thị trường.

Trong giai đoạn trước đây, chúng ta đã có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.

Việc điều chỉnh này sẽ làm các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước và của người dân giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô đối với thị trường ở nước ta. Điều này sẽ làm tăng lại lượng hàng hóa tồn kho, tăng dự án dở dang, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, khó khăn cho các dự án đang có cơ hội phục hồi và đặc biệt giảm cơ hội mua nhà chính đáng của nhiều người dân.

Sẽ kiểm soát chặt hoạt động môi giới

Mới đây, Thông tư số 11/2015/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 16/2/2016 quy định, người hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ nghề nghiệp do Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Theo ông, yêu cầu này có gây khó khăn cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản không?

- Siết chặt hoạt động môi giới là việc làm đúng đắn của pháp luật bởi hoạt động môi giới hiện nay đang rất lộn xộn trong cả thời gian dài gây nhiều hậu quả cho xã hội và cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ thị trường, nhà nước đã ban hành chính sách để bảo vệ người tiêu dùng, tức là bắt hành nghề phải có chứng chỉ để có chất lượng tham gia và hoạt động môi giới.

Theo thống kê sơ bộ, trong những năm trước đây đã có khoảng 30.000 chứng chỉ môi giới bất động sản được cấp theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2006. Tuy nhiên, trong những năm thị trường bất động sản đóng băng, số môi giới còn lại với nghề chỉ còn gần một nửa số này.

Trước mắt, chỉ có những người bước vào nghề môi giới bất động sản ở thời điểm này mới phải tham gia sát hạch để có chứng chỉ.

Việc sát hạch theo quy định hiện nay tương đối kỹ lưỡng để đảm bảo những người được cấp chứng chỉ có đủ khả năng hành nghề trong thực tế và hạn chế những rủi ro cho các bên tham gia giao dịch.

Với tư cách Tổng Thư ký Hội Môi giới Việt Nam, theo ông, trong thời gian tới Hội cần những giải pháp gì để quản lý các sàn giao dịch thành viên? 

- Để kiểm soát các sàn giao dịch thành viên chúng tôi có những kế hoạch, hành động cụ thể.

Thứ nhất, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào các hội đồng thi sát hạch của các cơ quan sở ngành các tỉnh, địa phương, tham gia sàng lọc để cấp chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng một cách chính xác.
Thứ hai là thường xuyên đấu tranh với các sàn có hiện tương sai phạm với các quy định của pháp luật.
Thứ ba, đề nghị các cơ quan quản lý sớm ban hành quy định xử phạt về các sai phạm của các đơn vị.
Thứ tư, công khai trên truyền thông, website của Hội danh sách các sàn giao dịch có hiện tượng tiêu cực, có hành vi không đúng pháp luật và thiếu minh bạch với người tiêu dùng

Đối với những môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, Hội có giải pháp gì để kiểm soát và quản lý?

- Chúng tôi sẽ tuyên truyền để người tiêu dùng hết sức tỉnh táo khi có giao dịch, quan hệ với các môi giới. Phải kiểm chứng xem họ có được phép hành nghề hay không.

Chúng tôi sẽ thống kê, tổng hợp và đăng danh sách các cá nhân được phép môi giới trên website của Hội để khách hàng có thể tra cứu. Chúng tôi sẽ là cầu nối với người tiêu dùng và kiên quyết đấu tranh loại bỏ các môi giới kém chất lượng.

Vậy ông nhận định như thế nào về thị trường bất động sản năm 2016 và cơ hội mở ra cho các nhà môi giới bất động sản là như thế nào thưa ông?

- Thị trường bất động sản năm 2016 sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng mỗi phân khúc sẽ có những lợi thế và khả năng bứt phá riêng. Trong khi căn hộ giá trung bình giữ vai trò chủ đạo trên thị trường thì đất nền, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có chuyển biến tốt.

Cuối năm 2015, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho phép những nhà môi giới của các nước cùng tham gia hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam. Sự kiện này có thể khiến thị phần của các đơn vị môi giới trong nước bị thu hẹp, nhưng nó cũng mở ra những cơ hội mới cho những nhà môi giới đủ năng lực vươn ra thị trường khu vực.

Để làm được điều này, Hội sẽ cùng Hiệp hội Bất động sản xây dựng hệ thống chất lượng đồng nhất cho hoạt động hành nghề môi giới bất động sản phù hợp với tiêu chuẩn, quy định Việt Nam và quốc tế để định hướng các cơ sở đào tạo trong nước thực hiện.

Xin cảm ơn ông.

Lưu Vân thực hiện 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2715 khách Trực tuyến

Quảng cáo