Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Đối thoại Cung Thiếu nhi Hà Nội có giá trị di sản, không để “khu đất vàng” bị thâu tóm!

Cung Thiếu nhi Hà Nội có giá trị di sản, không để “khu đất vàng” bị thâu tóm!

Viết email In

Cung Thiếu nhi Hà Nội có câu chuyện riêng và đặc biệt thiết chế văn hóa vẫn đang tồn tại, vẫn có chỗ đứng và vẫn khẳng định ưu thế, được mọi người tiếp nhận. Vậy không nên có suy nghĩ xóa bỏ hay thay thế chức năng cho nó...

Cho đến nay, số phận khu đất vàng hơn 8.000m2 của Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện hữu cạnh hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa rõ sẽ được định đoạt thế nào, sau khi Hà Nội đã động thổ dự án xây dựng Cung Thiếu nhi mới tại Khu Công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm), gần 40.000 m2, với tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng. Thế nhưng, mới đây một nguồn tin từ chuyên gia phản ánh đến Người Đô Thị cho biết có một tập đoàn đang muốn đầu tư vào khu đất vàng hơn 8.000m2 đó. 

Mặc dù chính quyền Hà Nội khẳng định thành phố vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đối với Cung Thiếu nhi cũ. Hiện tại, các phương án sử dụng đang được Hà Nội cân nhắc kỹ lưỡng, thì một vấn đề quan trọng cũng cần được đặt ra: Nên ứng xử như thế nào với các giá trị vật chất và tinh thần của Cung Thiếu nhi cũ, một công trình gắn chặt với ký ức của rất nhiều thị dân Hà Nội? Người Đô Thị có cuộc trao đổi với PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng (Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận bảo tồn, Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến Trúc Hà Nội).


Năm 2014-2015, Tổ chức Kiến trúc quốc tế lập hồ sơ để xếp hạng Cung thiếu nhi là "Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới”. Tuy nhiên, năm 2015, công trình tiến hành cải tạo sửa chữa lớn, nhiều chi tiết kiến trúc có giá trị đã bị thay đổi thô bạo dẫn đến biến dạng, nên đã không được đưa vào danh sách “Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới”. (Ảnh: KTS. Trương Ngọc Lân)

Cách đây 3 năm, khi UBND thành phố Hà Nội có chủ trương thu hồi lại Khu nhà truyền thống của Cung Thiếu nhi Hà Nội, giao cho UBND thành phố quản lý, sử dụng đã dấy lên nhiều ý kiến phản đối từ giới chuyên gia: “Chưa làm thêm được gì cho thiếu nhi thì cũng không nên lấy bớt đi”.

Lần này, với thông tin Hà Nội xây Cung thiếu nhi mới, lẽ ra đó phải là tin mừng vì Cung mới to lớn hơn, hiện đại hơn, nhưng dư luận trong giới chuyên gia vẫn có nhiều ý kiến lo ngại. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng (ảnh bên): - Quan điểm của tôi là đô thị phát triển cho nên chúng ta thêm là đúng, không bớt. Còn không phải vì công trình to thì có nghĩa công trình ấy có thể bao trùm hết được. Chỉ xét riêng ở góc độ của sự phát triển đô thị bền vững để thấy bán kính phục vụ đóng một vai trò quan trọng.

Với địa điểm dân cư, mà đặc biệt là những thiết chế văn hóa, thì khi nó được đặt ở trung tâm của những khu vực, những địa điểm đó là để tạo sự tiếp cận thuận lợi cho người dân. Tất cả những công trình phúc lợi hay các thiết chế văn hóa phục vụ cho cư dân bản địa thông thường với bán kính 500m rõ ràng là quá lý tưởng. Dù chưa làm được, nhưng dựa vào cơ sở nền tảng đấy để ta phấn đấu.

Một đô thị được coi là bền vững phải bao gồm những khía cạnh: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Cho nên nếu chúng ta chỉ nhìn nhận về quy mô mà không nhìn nhận vị trí nó ở đâu thì đô thị ấy không còn nhân văn nữa.

Hiện nay, Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch cụ thể với Cung Thiếu nhi cũ – "khu đất vàng" với hơn 8.000m2 ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm. Theo ông, chính quyền Hà Nội nên ứng xử như thế nào với Cung thiếu nhi hiện hữu để tránh những sai lầm cho tương lai của thành phố?

- Như tôi đã từng chia sẻ cách đây mấy năm, Cung Thiếu nhi cũ mang rất nhiều câu chuyện giá trị, ý nghĩa: câu chuyện di sản, câu chuyện lịch sử, câu chuyện giáo dục. Đó là chưa kể Cung Thiếu nhi cũ xứng đáng là di sản kiến trúc của một giai đoạn phát triển.

Nhìn từ góc độ di sản, có thực tế buồn cười là chúng ta thường bỏ qua những giá trị ngay trước mắt hay quá gần với mình mà không nghĩ rằng chúng ta đang tạo ra di sản hoặc di sản đó đang xuất hiện. Chúng ta cần có cách nhìn nhận, đánh giá xem các công trình kiến trúc nào có thể hôm nay chưa nhưng ngày mai nó được công nhận là di sản. Ngành bảo tồn có những tiêu chí hoàn toàn có thể đánh giá được điều đó. Chúng ta phải có con mắt nhìn rộng, nhìn xa và người lãnh đạo thì càng phải cần có tầm nhìn này.

Sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta nhìn lại và hỏi nhau, từng giai đoạn phát triển, chúng ta có cái gì? Nếu chúng ta không tôn trọng những cái mà chúng ta dầy công xây đắp nên như thế thì đến những thế hệ tiếp sau người ta nhìn thấy kiến trúc truyền thống của chúng ta chỉ tới thời Pháp thuộc, còn giai đoạn sau đó là cái gì? Cho nên chúng ta, những người đương thời, phải giữ lại!

Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, về tính hiệu quả của Cung Thiếu nhi hiện nay, Hà Nội quá lãng phí "đất vàng" khi một vị trí đắc địa và rộng rãi như vậy lại không có đóng góp gì lớn cho nguồn thu ngân sách thành phố…?

- Câu chuyện hiệu quả là câu chuyện khác và là câu chuyện của chính quyền Hà Nội phải tìm cách. Có nhiều thứ mà giá trị không thể đo đếm bằng vật chất thông thường. Ta phải nhìn vào ý nghĩa dài hạn. Cung Thiếu nhi là nơi tiếp sức, ươm mầm cho những thế hệ thiếu nhi, để nó lan tỏa cho sự thành công trong tương lai. Những đóng góp như thế sao có thể đo đếm tính toán? Những đóng góp như thế mà nhìn nhận ở khía cạnh vật chất thì đó là sự thô thiển và xa rời mục tiêu của xã hội mà chúng ta vẫn hay nói với nhau.

Nhìn ra câu chuyện khác để thấy, như chúng ta phá hủy tài nguyên thiên nhiên để chúng ta có lợi ích trước mắt. Trong khi tài nguyên thiên nhiên rõ ràng có thể hôm nay nó chưa ra cái gì cụ thể cho ai cả, song nó là lợi ích lâu dài, thậm chí vĩnh cửu. Giá trị nó mang lại không thể ngay một lúc đo đếm được cụ thể. Cái này nó liên quan đến con người, đến văn hóa, giáo dục. Làm sao chúng ta có thể cân đong đo đếm như việc đo lường theo kiểu "đất vàng" với từng mét vuông.


Bia kỷ niệm được đặt tại khu nhà cổ của Cung Thiếu nhi Hà Nội.
(Ảnh: Kiến Thức)

Cũng có ý kiến cho rằng, trong tiến trình phát triển sẽ có những điều trở nên không phù hợp nữa. Việc thay thế hoàn toàn hay thay thế chức năng là điều phải nghĩ tới…

- Tôi giả sử Nhà hát lớn Hà Nội cũng diễn ra câu chuyện tương tự như Cung Thiếu nhi. Khi Nhà hát lớn không còn phù hợp nữa về mặt chức năng hay quy mô thì chẳng lẽ chúng ta xây thêm một nhà hát quy mô hơn và lúc đó chúng ta bỏ nhà hát ấy đi hay thay chức năng khác? Đó là điều rất phi lý.

Trong thực tế phát triển đô thị luôn luôn có câu chuyện là trong xu hướng phát triển thì nó phình rộng ra, lan rộng ra. Và cái sự lan rộng này không đồng nghĩa với việc nó cần có công trình tương ứng để phù hợp với quy mô phát triển đô thị.

Ở trên ta mới chỉ nói tới phần xác. Có một phần nữa quan trọng hơn phần xác là phần hồn.

Công trình kiến trúc thực ra nó chỉ là cái vỏ vật chất bao trùm các hoạt động cuộc sống. Ký ức đô thị được lưu giữ mạnh mẽ nhất, thuyết phục nhất chính là cuộc sống của nó. Nếu nhìn rộng ra thì chúng ta thấy, một đô thị có thể có kiến trúc hấp dẫn nhưng cuộc sống của nó bị chết hoặc nó không còn được như thế thì nó chỉ là đồ giả.

Ở góc nhìn của du lịch, kinh tế xanh thì khách du lịch tới công trình đó còn là vì cuộc sống, vì tinh thần, vì sự đa dạng của phần hồn đó, sức sống đó. Phần vỏ chỉ là phần chứa đựng câu chuyện thôi. Cho nên, nếu định thay thế công năng thì nên nhìn nhận lại. Khi cái xác chứa đựng phần hồn thì nó mới tạo nên một bản thể hoàn chỉnh. Còn không thì không khác gì “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.


Phối cảnh Cung Thiếu nhi Hà Nội mới xây tại Khu công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm), diện tích gần 40.000 m2

Nhưng trên thế giới cũng cho thấy không ít trường hợp thay thế chức năng, thưa ông?

- Đó là khi chức năng cũ không còn phù hợp thì bắt buộc người ta phải thay. Nhưng trong bảo tồn, không thể nhét trường hợp này vào trường hợp kia được.

Mọi so sánh đều là khập khiễng. Mỗi trường hợp nó có những câu chuyện riêng và từ đó người ta có những cách làm khác nhau. Tôi lấy ví dụ như nhà ga Orsay (Pháp) nằm ở trung tâm, đối diện bên kia bờ sông Seine và điện Louvre. Sau khi thành phố Paris quá phát triển, người ta phải xây rất nhiều nhà ga vùng ven, mục đích là để tàu không chạy vào trong trung tâm. Ga Orsay không còn chức năng.

Lúc đầu người ta định phá đi xây một khách sạn, nhưng các nhà bảo tồn đã lên tiếng và giữ được nhà ga đó và trở thành một trong những công trình tiêu biểu đóng góp cho sự phục hưng của văn hóa Paris. Ga Orsay trở thành một bảo tàng hấp dẫn, thú vị với việc giữ gần như nguyên vẹn tất cả các đặc tính cũ của công trình. Nó vẫn chứa đựng trong đó những câu chuyện của nhà ga. Tuy chức năng không còn, nhưng người ta lưu giữ phần xác và để phần hồn ẩn chứa bên trong.

Không cần nhìn đâu xa, tôi lấy ví dụ như Văn Miếu - Quốc Tử Giám để dễ hình dung. Ai cũng biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực chất là nơi dạy học. Tuy chức năng không còn nhưng ý nghĩa giáo dục và lịch sử vẫn còn. Câu chuyện Cung Thiếu nhi cũng nên được nhìn nhận dưới góc độ giá trị như thế.

Trường hợp Cung Thiếu nhi, nó có câu chuyện riêng và đặc biệt thiết chế văn hóa vẫn đang tồn tại, vẫn có chỗ đứng và vẫn khẳng định ưu thế, được mọi người tiếp nhận. Vậy anh không nên có suy nghĩ xóa bỏ hay thay thế chức năng cho nó.

Cung Thiếu nhi không chỉ là điển hình mẫu mực cho một giai đoạn phát triển về kiến trúc mà còn là thành quả đại diện cho một giai đoạn phát triển của xã hội. Trong một thời kỳ như thế nhưng chúng ta vẫn chăm lo cho thiếu nhi – thế hệ tương lai.

UNESCO có định nghĩa về bền vững mà dưới góc độ di sản đô thị, di sản kiến trúc tôi cho rằng, nếu chúng ta ngắt bỏ đi những công trình như Cung Thiếu nhi tức là chúng ta đang tước đi quyền của thế hệ mai sau, là được cảm nhận, được trải nghiệm, được hiểu về một giai đoạn lịch sử nói chung và về một giai đoạn phát triển của lịch sử kiến trúc nói riêng.

Bản thân tôi rất tiếc nuối khi không được biết các thế hệ trước đây như thế nào, nên tôi cũng không muốn thế hệ tương lai lại rơi vào trường hợp như thế. Cung thiếu nhi hay những công trình tương tự mà chúng ta không gìn giữ, chẳng phải chúng ta đang phá đi thành quả của chính chúng ta, của chính thời kỳ này? Chẳng phải là chúng ta phủ nhận chính mình sao?

Lệ Quyên thực hiện

Khu đất Cung Thiếu nhi chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội

Theo Đất Việt - Diễn đàn của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, thời Pháp thuộc, Cung Thiếu nhi mang tên Ấu Trĩ Viên (vườn trẻ). Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, toà nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng.

Năm 1974, Tiệp Khắc (cũ) đã giúp đỡ Hà Nội xây dựng toà nhà 6 tầng với diện tích sàn hơn 10.000m2, gồm 100 phòng học, phòng sinh hoạt. Năm 1985, công trình được cải tạo, nâng cấp thành Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ (do UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2015), quần thể xung quanh toà nhà Ấu Trĩ Viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.


Cung Thiếu nhi Hà Nội thời còn mang tên Ấu Trĩ Viên.
(Ảnh: TL)

TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội) cho biết, chủ trương xây dựng Cung Thiếu nhi mới là cần thiết. Từ năm 2005, chủ trương này đã được đặt ra sau khi Hà Nội khảo sát Cung Thiếu nhi cũ và thấy nó không đủ tầm vóc để đáp ứng nhu cầu vui chơi của thiếu nhi Thủ đô nữa vì quá chật hẹp, cơ sở hạ tầng xuống cấp... Khi đó, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, song không có chuyện chuyển đổi diện tích đất này để xây chung cư hay nhà cao tầng bởi đây là công trình phúc lợi xã hội, nếu công trình đã xuống cấp thì Hà Nội cần cải tạo, tu bổ để tiếp tục sử dụng.

“Cung Thiếu nhi là một di sản đô thị, một minh chứng về sự quan tâm của Thành phố và Trung ương đối với thiếu nhi. Đặc biệt, trong khu vực này vẫn còn một biệt thự nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Vì lẽ đó, phải giữ nguyên Cung Thiếu nhi cũ, với chức năng như cũ.

Trong quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, đối với khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn giữ Cung Thiếu nhi cũ, vẫn mang chức năng là nơi sinh hoạt của thiếu nhi nhưng không phải mang tầm vóc của thành phố nữa mà chỉ là của một khu vực nhất định…”, ông Nghiêm nói.

Trước đó, trả lời trên báo chí về việc Hà Nội sẽ làm gì với "khu đất vàng" mặt đường phố Lý Thái Tổ sau khi Cung Thiếu nhi mới tại Cầu Giấy được hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết thành phố vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đối với Cung Thiếu nhi cũ. Hiện tại, các phương án sử dụng đang được Hà Nội cân nhắc kỹ lưỡng.

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1526 khách Trực tuyến

Quảng cáo