Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Tương tác Đối thoại Phát triển công trình xanh, giảm phát thải ngành Xây dựng

Phát triển công trình xanh, giảm phát thải ngành Xây dựng

Viết email In

Với mục tiêu giảm phát thải hơn 74 triệu tấn CO2 trong 3 lĩnh vực là tiêu thụ năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), quá trình công nghiệp và công trình xây dựng (tòa nhà), ngành Xây dựng coi việc phát triển công trình xanh (CTX) là một trong những giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu giảm phát thải. Vậy đâu là giải pháp nhằm giảm phát thải trong lĩnh vực xây dựng và thúc đẩy phát triển CTX tại Việt Nam? Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), PGS.TS Vũ Ngọc Anh trả lời phỏng vấn Báo Xây dựng về vấn đề này.

Thưa Vụ trưởng, vì sao ngành Xây dựng coi việc phát triển CTX là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu giảm phát thải?

PGS.TS Vũ Ngọc Anh (ảnh bên): - Theo ước tính, năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm gần 35% tổng năng lượng của các quốc gia. Việc phát triển CTX với các giải pháp thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng…, cũng chính là góp phần giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong lĩnh vực xây dựng.

Song tôi xin nhấn mạnh phát triển CTX chỉ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm phát thải KNK toàn Ngành.

Theo Vụ trưởng, ngành Xây dựng đang có những nỗ lực, giải pháp nào nhằm giảm phát thải KNK?

- Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ: Đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải KNK ròng bằng 0. Việt Nam đã và đang được hiện thực hóa cam kết này trong nhiều chính sách như Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone; Đề án đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nhiều đề án khác.

Nghị quyết số 06 -NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11/11/2022 của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 -NQ/TW cũng xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, nhằm phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.

Riêng ngành Xây dựng, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, ngành Xây dựng sẽ ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá khu đô thị xanh hay khu đô thị phát thải carbon thấp; Ban hành tiêu chuẩn sản phẩm VLXD tiết kiệm năng lượng, VLXD xanh, VLXD tái chế từ chất thải rắn xây dựng; Ban hành tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận công trình xây dựng phát thải carbon thấp trong xây dựng và quản lý công trình.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% đô thị loại III trở lên lồng ghép nội dung thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK vào quy hoạch đô thị; Ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí đô thị xanh, carbon thấp; 25% VLXD chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh; Giảm ít nhất 25% phát thải KNK trong đầu tư, vận hành nhà ở chung cư; 100% công trình mới và công trình sửa chữa, cải tạo tuân thủ QCVN 09:2017/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả).

Giai đoạn từ 2030 - 2050, Việt Nam đặt mục tiêu 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lồng ghép thích ứng và giảm nhẹ BĐKH; Ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% khu đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp; 100% công trình mới kiểm kê KNK và giảm nhẹ phát thải; trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí xanh; 100% toà nhà thương mại, chung cư được chứng nhận carbon thấp.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng đề ra 20 giải pháp và 31 nhiệm vụ, trong đó, Bộ xác định việc phát triển CTX là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK trong lĩnh vực xây dựng.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 06 -NQ/TW, những năm tới, ngành Xây dựng có nhiệm vụ nặng nề và trách nhiệm lớn đảm bảo nhu cầu ở cho người dân, đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế, đảm bảo giảm phát thải KNK trong lĩnh vực được Chính phủ giao.

Dự kiến năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch hành động của Bộ để thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK được Chính phủ giao trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP, tại Phụ lục I về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030: “Các lĩnh vực do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tđ, bao gồm: Các quá trình công nghiệp (sản xuất VLXD); tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; tòa nhà”.


(Ảnh minh họa)

Vụ trưởng vừa đề cập, việc phát triển CTX sẽ có tác dụng rất lớn để giảm phát thải KNK. Vậy ngành Xây dựng có giải pháp gì nhằm thúc đẩy phát triển CTX tại Việt Nam?

- Thúc đẩy phát triển CTX là một giải pháp quan trọng nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải KNK mà Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện.

CTX được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, các CTX xuất hiện đầu tiên vào giữa những năm 2000. Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, CTX đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm phát triển, Việt Nam mới có hơn 230 CTX, với tổng diện tích trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng, cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Một trong những nguyên nhân của thực tế trên là lâu nay việc đánh giá CTX phục vụ công tác quản lý nhà nước chưa có công cụ mang tính pháp lý. Dẫn đến việc chứng nhận các CTX phát triển tự phát. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng tiêu chí chung về đánh giá CTX, ban hành các quy định quản lý CTX trong vòng đời công trình, nhằm phục vụ công tác quản lý, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư và nhà tư vấn thiết kế có cơ sở phát triển CTX một cách bài bản và đi vào thực chất.

Để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và phát triển CTX, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều hoạt động hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế như Chính phủ Đan Mạch, UNDP, IFC-WB, GIZ, Đại sứ quán Vương quốc Anh để kêu gọi hỗ trợ về tài chính, về kỹ thuật, nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ của ngành Xây dựng, nhằm nâng cao năng lực trong phát triển CTX và vận hành các tòa nhà hướng tới mục tiêu giảm phát thải KNK. Từ nay đến năm 2050 chỉ còn 27 năm, do vậy để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thì ngành Xây dựng còn nhiều việc phải làm. Hy vọng năm 2023 sẽ có nhiều đổi mới trong việc thực thi các quy định của pháp luật, nhằm phát triển nhiều CTX hơn nữa.

Hữu Mạnh - Minh Hằng (thực hiện)

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1671 khách Trực tuyến

Quảng cáo