Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Góc nhìn Cầu bộ hành: Làm gì để phát huy tác dụng?

Cầu bộ hành: Làm gì để phát huy tác dụng?

Viết email In

Với khoảng 50 cây cầu bộ hành, những tưởng giao thông Hà Nội sẽ giải quyết được cơ bản nhu cầu đi lại cho người đi bộ. Nhưng sau khi đưa vào hoạt động, hầu hết các cây cầu bộ hành đã không phát huy hiệu quả. Nhiều cây cầu trở thành điểm vui chơi, chụp ảnh của giới trẻ. Nhiều chân cầu trở thành nơi bán hàng, điểm đỗ xe ôm, nơi xả rác...  

Vì sao vẫn vắng?

8h sáng, nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã chật cứng các loại phương tiện. Cách đó khoảng 50m, chiếc cầu vượt cho người đi bộ (gần hồ Ngọc Khánh) không một bóng người qua lại. Phía dưới, người dân hối hả băng qua đường, nơi giao cắt phố Phạm Huy Thông - Nguyễn Công Hoan vào đường Nguyễn Chí Thanh. Chị Trần Thị Liên - nhân viên một quán cà phê gần đó cho biết, mặc dù đường bên dưới đông đúc, nhưng người đi bộ dường như không thích đi lên cầu vượt mà chỉ chực băng qua đường cho tiện. Đã không ít lần, người đi xe máy đã phải văng tục vì bị người đi bộ vượt lên trước xe của mình. 

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 50 cây cầu vượt bộ hành với nhiều hình thức kiến trúc khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các cây cầu đều chưa phát huy được hiệu quả. Lượng người đi bộ sử dụng cầu vượt bộ hành khá thấp, kể cả vào giờ cao điểm khi các trường học tan trường, các công sở hết giờ làm. Do có ít người đi lại nên ở nhiều cây cầu bộ hành, người dân đã sử dụng làm nơi bán hàng rong, quán nước, nơi đỗ xe ôm, thậm chí là nơi xả rác...

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hiện nay các cây cầu bộ hành của Hà Nội đều có kết cấu đơn điệu, chủ yếu là kết cấu thép có mái che hoặc không có mái che, tính thẩm mỹ thấp. Do tĩnh không dưới cầu lớn, không gian xung quanh cầu chật hẹp nên các đường dẫn lên cầu thường dốc, gây khó khăn cho người đi bộ mỗi khi lên cầu. Việc chọn vị trí xây dựng cầu vượt trên địa bàn dành cho người đi bộ thường được bố trí ở những nơi chỉ để dễ xây dựng, không phải giải phóng mặt bằng nhiều, vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân; gây ra hiện tượng nơi cần thì không có, nơi có thì không cần...

Bên cạnh đó, cầu bộ hành cũng chưa lưu tâm đến người tàn tật và an toàn sử dụng, các vị trí cũng chưa liên kết đến phương tiện giao thông trung chuyển khác như bến bus, metro để khai thác sử dụng ở mức tối đa. Điều đặc biệt quan trọng, hiện nay thành phố chưa có quy hoạch chi tiết hệ thống cầu vượt bộ hành. Công tác xây dựng cầu vượt mới chạy theo nhu cầu, chưa có định hướng và đón đầu nhu cầu. 

Đi tìm giải pháp

Tại Hội thảo “Quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý công trình cầu trong đô thị - thực trạng và giải pháp” do Tổng hội Xây dựng tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia, kiến trúc sư trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, xây dựng, giao thông vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp có giá trị cho hệ thống cầu Hà Nội.

Theo đó, về quy hoạch xây dựng, để cầu vượt bộ hành trong thành phố phát huy hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần đánh giá lại toàn bộ hệ thống cầu vượt trong thành phố. Rà soát lại vị trí các cầu vượt chưa hiệu quả, tìm hiểu đánh giá nguyên nhân để khắc phục. Thành phố cũng cần có định hướng và quy hoạch tổng thể hệ thống cầu vượt trên cơ sở về khả năng đáp ứng nhu cầu và yêu cầu về kỹ thuật. Vị trí các cầu vượt phải gần các khu vực tập trung dân cư, thu hút nhiều người sử dụng. Cầu vượt phải được kết nối với hệ thống các công trình thương mại, các điểm đỗ giao thông hoặc gần các khu vui chơi giải trí... Trước khi thực hiện dự án phải khảo sát kỹ nhu cầu đi lại đặc biệt là nhu cầu đi bộ của người dân. Khi thực hiện xây cầu vượt bộ hành cần phải có các giải pháp đồng bộ, khống chế giao thông để người đi bộ buộc phải sử dụng cầu vượt. Kết cấu của cầu vượt phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng và có tính thẩm mỹ.

Về quản lý sử dụng, cần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông. Các cơ quan quản lý cần có chương trình bản tin về tình hình giao thông của người đi bộ (kể cả các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ) trên các phương tiện truyền thông để giáo dục ý thức cho người đi bộ khi tham gia giao thông. Xây dựng các chương trình, chuyên mục về Luật Giao thông để người dân hiểu rõ hơn về những quy định dành cho người đi bộ nói riêng và Luật Giao thông nói chung... Bên cạnh đó, cần xây dựng chế tài xử phạt đối với người đi bộ khi không sử dụng cầu vượt khi sang đường tại những vị trí gần cầu vượt trong phạm vi quy định. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý trật tự giao thông đô thị.

Cầu vượt bộ hành là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tắc nghẽn và tai nạn giao thông trong các đô thị, đặc biệt tại các thành phố có mật độ giao thông cao như Hà Nội. Hy vọng rằng, thành phố sớm có biện pháp nhằm phát huy tác dụng của các cây cầu, tránh lãng phí, đảm bảo an toàn giao thông, góp phần xây dựng văn minh đô thị. 

Nam Bắc 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo