Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Tương tác Góc nhìn Nỗi lo với các đô thị ven biển, ven sông

Nỗi lo với các đô thị ven biển, ven sông

Viết email In

Vài ngày trước, tôi nhận được nhiều tin nhắn của người dân ở Thuận An, Huế và quận Liên Chiểu, quận Hải Châu của Đà Nẵng và cả Cẩm Thanh của Hội An, về hiện tượng nước chảy từ sông và biển vào khu dân cư.

Đây là hiện tượng được dự báo trước khi ở ngoài khơi có cơn bão số 6 làm triều cường dâng cao kèm sóng lớn 3,5 - 4 m gần bờ.

Ơn trời, bão tan ngoài biển do tương tác với không khí lạnh, nghĩa là mức độ tác động của bão với triều cường đã giảm đi rất nhiều. Dù được báo trước nhưng người dân vẫn bất ngờ và có phần hoang mang vì trời không mưa mà nước lại dâng lên, ngay cả ở những nơi trước đây chưa từng ngập lụt.


Từ 15h chiều 14/10, do trời mưa lớn, tại tuyến đường Lê Duẩn, quận Hải Châu, Đà Nẵng, nhiều giao lộ bắt đầu ứ nước, phương tiện không thể di chuyển
(Ảnh: Hoài Sơn)

Ở mức nước dâng hiện tại chưa phải vấn đề đáng lo lắng, nhưng trong tương lai, với kịch bản nước biển dâng do biến đổi khí hậu và siêu bão thì đây sẽ là thách thức lớn cho các đô thị ven biển của Việt Nam. Hậu quả là nhãn tiền.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà đầu tư thường định hướng người mua nhà đến với các giá trị sống của không gian ven sông, ven biển. Thực tế rõ ràng là khi sống ở ven sông, ven biển sẽ có không khí mát mẻ, trong lành hơn. Người Việt Nam do tập quán canh tác lúa nước và khai thác thủy sản nên có văn hóa sông nước từ hàng trăm năm trước, và thời nay, văn hóa đó vẫn đang là một xu hướng phát triển bất động sản thu hút nhiều người quan tâm. Cá nhân tôi cũng vậy, tôi thích sống ở nơi nào gần nguồn nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm băng tan, nước biển dâng và siêu bão sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn trong tương lai sẽ là thách thức lớn với các thành phố ven sông, ven biển.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu cực đoan do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2021, vào cuối thế kỷ này, nước biển có thể dâng cao thêm 100 cm. Với kịch bản cực đoan thì rất nhiều thành phố ven biển của Việt Nam và khoảng 40% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nước biển xâm lấn và ngập lụt. Nếu nước biển dâng kết hợp với thời điểm có bão lớn và triều cường thì các hạ tầng của các thành phố ven biển sẽ khó chống chịu được.

Một viễn cảnh dễ nhìn thấy là chúng ta bắt buộc phải sống chung với lũ lụt, với ngập triều như cách mà thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ đang phải đối diện dù các thành phố này ở khá xa bờ biển.

Chúng ta lấy mốc cuối thế kỷ 21 là thời điểm cực đoan của khí hậu. Nghe thì có vẻ như còn xa lắm, nhưng ngày đó thật gần. Đó là thời điểm mà những người sinh ra ngày hôm nay sẽ là chủ nhân của thời đại đó, chỉ còn 80 năm thôi. Họ là con, là cháu của chúng ta và họ sẽ là những người sẽ chứng kiến những thách thức đó, phải đối diện với những thách thức đó.

Về chính sách, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 2623 về phát triển các đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu đến 2020. Nghĩa là Chính phủ đã chủ động có những quyết sách ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực phát triển đô thị từ 10 năm trước. Để thực thi đề án 2623, trong gần 10 năm qua, đã có nhiều chính sách và hướng dẫn được cập nhật về tiêu chuẩn xây dựng, về quy hoạch phát triển đô thị được ban hành. Nhiều công trình hạ tầng thoát nước, đê kè cũng đã được thi công. Nhưng có một điều dễ nhận ra là các hạ tầng hiện tại đang không đáp ứng kịp mức độ cực đoan của biến đổi khí hậu và thiên tai.

Lấy ví dụ về trận lụt lịch sử ngày 14/10 do mưa cực đoan ở Đà Nẵng, các thiết kế về hạ tầng thoát nước ở Đà Nẵng mới có khả năng đáp ứng được 1/3 lượng mưa cực đoan ở thời điểm đó. Bài toán đặt ra là chúng ta sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng thoát nước lên gấp 3 hiện tại mà không quan tâm đến bài toán về chi phí lợi ích? Đó là một bài toán kinh tế khó giải đối với các đô thị ven sông và ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Nước nổi thì bèo nổi, nhưng nước nổi thì nhà không nổi. Chúng ta có thể làm một ngôi nhà nổi, một khu phố nổi nhưng chúng ta không thể làm một thành phố nổi ven sông, ven biển với quy mô lớn vì một thành phố không thể tồn tại chỉ cho một mục đích là nổi trên mặt nước.

Một thành phố cần có đủ công năng về hạ tầng giao thông, thoát nước, hoạt động kinh tế và dịch vụ xã hội để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của con người. Và vì thế, các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách và cả người tiêu dùng cần cân nhắc thấu đáo về vấn đề quy hoạch, đầu tư ở khu dân cư lấn  sông, lấn biển.

Xin đừng để lại một tài sản thừa kế cho con cháu mình mà chúng phải vất vả bơi thuyền mới có cơ hội tiếp cận.

TS Nguyễn Ngọc Huy

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và sinh kế. Ông từng là nghiên cứu viên (Researcher) tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), sau đó làm việc với vai trò là chuyên gia và cố vấn cho nhiều tổ chức quốc tế về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

(Dân Trí)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo