Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Góc nhìn “Cơ hội vàng” phát triển Thủ đô

“Cơ hội vàng” phát triển Thủ đô

Viết email In

Hà Nội đang tiến hành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 song song với Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.  


Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc. (Ảnh: Quang Thái)

Hiện thực hóa định hướng, tầm nhìn chiến lược

Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết định hướng chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nhận thức sâu sắc đây là trọng trách trước hết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 15, trong đó phải tiến hành đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng: Lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nhằm sắp xếp, kiến tạo và phân bổ không gian phát triển cho Thủ đô; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để hình thành thể chế phát triển đồng bộ, khả thi, từ đó huy động các nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch.

Đến nay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua với sự đồng thuận rất cao cả trong thảo luận tổ và hội trường. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, có hơn 100 ý kiến góp ý đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) - Dự án luật có cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn rất rõ ràng; có tính thuyết phục...

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được HĐND thành phố thông qua tại Kỳ họp thứ 14 (bế mạc ngày 8/12). Nội dung trọng tâm của việc điều chỉnh quy hoạch nhằm thống nhất và đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong khi đó, việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tiến được một bước dài với sự tham gia đóng góp trí tuệ của các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, được sự tham vấn của các nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ trí thức hàng đầu của cả nước và Thủ đô... Đến nay, Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch đã được hoàn thành.

Người dân là mục tiêu quan trọng nhất

Trong quá trình nghiên cứu định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hà Nội đã xác định một số quan điểm phát triển chủ đạo với nội dung trước nhất và quan trọng nhất là nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Thành phố sẽ tổ chức không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, có bản sắc của Thủ đô di sản nghìn năm văn hiến; tạo dựng hình ảnh của Thủ đô thanh bình và thịnh vượng trong quá trình phát triển...

Bản quy hoạch hướng tới xây dựng Hà Nội là Thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến và được bảo tồn, phát huy, nâng tầm bằng công nghệ số; là Thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; hệ thống cây xanh và mặt nước là điểm nhấn tiêu biểu của đô thị; trung tâm khoa học công nghệ - giáo dục đào tạo, chuyển đổi số của cả nước; chính quyền số, xã hội số, công dân số; người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Đó còn là Thành phố đặc sắc, là điểm đến của du lịch văn hóa, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; Thành phố của các sự kiện quốc tế thường niên, Thành phố sáng tạo; là Thành phố hội nhập toàn cầu, nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa, đưa hình ảnh của Thủ đô, đất nước hòa bình, thịnh vượng, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Những đặc trưng nêu trên có thể được coi là hệ giá trị cơ bản để xây dựng và phát triển Thủ đô với nguyên tắc xác định người dân - con người là mục tiêu quan trọng nhất, mục tiêu cuối cùng, là tài sản quan trọng nhất trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô.

Nỗ lực mang tính quyết định

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, được coi là công cụ định hướng, thực thi, giám sát quan trọng trong công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, như huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực để phát triển Thủ đô hiện đại và bền vững; là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm. Ông cho rằng, việc xác định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Thủ đô trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để xây dựng quy hoạch Thủ đô, và ngược lại, việc xây dựng quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp hiện thực hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống.

Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp, quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cần bảo đảm sự thống nhất. Trong đó, các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý để xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; thể chế hóa các nội dung của quy hoạch thành các quy định pháp luật.

Mặt khác, với vị thế là Thủ đô - đô thị đặc biệt, khi xây dựng Quy hoạch Thủ đô phải đặt trong tổng thể mối quan hệ với Quy hoạch chung Thủ đô, Luật Thủ đô và các luật khác có liên quan.

Hiện nay, Hà Nội đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương như Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng... để sớm hoàn thiện, phấn đấu trình Quốc hội xem xét, thông qua đồng thời cả Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch trên tại Kỳ họp thứ bảy - dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024. Nỗ lực của các bên liên quan từ nay đến khi đó sẽ quyết định chất lượng của cả 3 nhiệm vụ trên. Cho nên, đây là khoảng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng, có thể nói là định hình tương lai phát triển của Thủ đô trong những năm tới.

Hiền Lương

(Hà Nội Mới)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo