Trên đỉnh Bà Nà mờ sương, TP Đà Nẵng, đang hiện dần một Plaza – khu vui chơi giải trí lớn thứ ba thế giới, và chuẩn bị thêm một làng Pháp (French Town) mang dáng dấp thế kỷ 18-19. Nhưng kèm theo đó là cảm giác bất an, bê tông cốt thép cứ gặm nhấm dần thiên nhiên hoang dã.
Bê tông hóa - tất cả đã nằm trong tính toán
Khách lên Bà Nà dịp này có thể thấy nhà hàng tại trạm nghỉ chờ cáp treo dưới chân núi đang hoàn thiện những khâu lắp đặt cuối cùng. Trên đỉnh, nhà hàng Morin phục vụ khách Á - Âu hai tầng riêng biệt cũng vừa xong.
Ngoài tuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới từ Suối Mơ nơi chân núi lên ga DeBay khánh thành cách đây tròn 1 năm, tuyến cáp treo mới thay cho cáp treo cũ đưa khách lên ga Morin trên đỉnh núi cũng vừa đưa vào sử dụng cách đây mấy tháng.
Khách sạn Morin 4 sao 54 phòng kiểu Pháp vừa đi vào hoạt động cuối tháng 12-2009, điền vào chỗ những bungalow lợp tôn ngày trước. Chếch quả đồi bên dưới là một công trường đồ sộ. Trên cao, toà nhà 5 tầng đã hiện hình, sát phía dưới một diện tích khổng lồ đã được đào sâu trong nền núi.
Bà Nà, nhìn từ trên cao. Ảnh: Trí Quân
Ông Vũ Huy Thắng – GĐ Cty CP dịch vụ Cáp treo Bà Nà (Bà Nà Hills), cho biết, Bà Nà Plaza sẽ là khu hỗn hợp vui chơi giải trí lớn và hiện đại tầm thứ ba thế giới về diện tích và trang thiết bị, gồm 3 tầng hầm đào sâu trong núi và 5 tầng nổi.
Riêng khu vui chơi trong nhà lên tới 25.000 m2, khu vui chơi ngoài trời rộng 5 ha. Dự kiến, Bà Nà Plaza sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3-2011, kỷ niệm 36 năm giải phóng Đà Nẵng.
Từ đỉnh Bà Nà nhìn hơi chếch xuống phía tây theo hướng Núi Chúa, một khu đất mênh mang đang được san ủi. Theo ông Thắng, nơi đây sẽ tái hiện một làng Pháp (French Town) mang dáng dấp một khu phố cổ của Pháp từ hồi thế kỷ 18-19, do chính người Pháp thiết kế.
Một dãy phố với trên 80 đơn nguyên với cao độ tới 8 mét mỗi tầng, tầng trệt là nơi bán hàng lưu niệm, dừng chân cà phê cho du khách, tầng trên là những căn hộ 2-3 sao. Cây cầu treo kỳ thú bắc qua thung lũng bên cạnh sẽ được dời qua nơi khác.
“Với mật độ xây dựng như vậy, liệu có phải Bà Nà đang bị bê tông hóa ?”. Ông Thắng: “Tất cả đã nằm trong tính toán của chúng tôi. Khu vực Morin đang xây dựng theo quy hoạch sẽ là khu cộng đồng dành cho số đông, với mọi loại hình vui chơi giải trí, ăn nghỉ. Khu vực dành cho những người ưa thích tĩnh lặng, điều dưỡng tạm gọi là tâm linh sẽ ở Bynight với những vườn thiền, vườn tượng, vườn phong lan... Khu vực thứ ba, đó là sẽ khôi phục 240 biệt thự cổ của người Pháp hiện còn rải rác trong rừng. Đây sẽ là nơi dành cho những người yêu rừng núi ham thích khám phá, có thể thuê ở cùng gia đình thời gian dài...”.
Hoang sơ còn một chút này
Theo ông Vũ Tích Thế - trợ lý GĐ điều hành Bà Nà Hills, 5 tuyến đi bộ khám phá trong rừng (treckking) đang triển khai để chính thức hoạt động. Tuyến 1 từ nhà ga chân núi qua Suối Mơ – thác Tóc Tiên – hồ Thùy Dương. Tuyến 2 từ Bynight đến khu Chim Khướu với khoảng 35 phút đi bộ, với những bậc tam cấp, đá chồng cùng dấu tích nhiều biệt thự cổ của Pháp từ đầu thế kỷ 19.
Tuyến 3 từ Suối Nai lên thác Cầu Vồng khoảng 800 m qua nhiều con suối trong. Tuyến 4 khám phá Thung Lũng Vàng với đoạn đường 3 km từ Cầu Treo xuống đồi Vọng Nguyệt, nơi có dấu tích các hầm đào vàng, giếng nước của phu đào đất đãi vàng ngày trước, xen kẽ với những thác nước và rặng Đào Chuông riêng có ở Bà Nà. Tuyến cuối vòng quanh Núi Chúa, dừng chân trên đỉnh núi cao 1.487 m.
Ông Hoàng Xuân Tỵ, thời sau giải phóng từng là nhân viên kiểm lâm nơi này, thông thuộc từng nhành cây phiến đá, sau khi nghỉ hưu làm thuyết minh viên tình nguyện của Bà Nà Hills với niềm say mê hiếm có.
Ông Tỵ cho biết, từng đưa nhiều đoàn du khách, trong đó có cả những nữ khách Pháp, Nhật Bản luồn rừng Bà Nà nhiều chặng liền. “Có khi chỉ là những gốc thông già hàng trăm tuổi cheo leo trên sườn núi, một thềm rêu đá, hoặc một cái lò sưởi bị lãng quên ngót cả thế kỷ rồi không có ngọn khói trong ngôi biệt thự bỏ hoang của người Pháp giữa rừng cũng tạo cảm giác cho du khách”.
Trí Quân
- Làng gốm cổ Phước Tích
- 'Nhà siêu mỏng ở Hà Nội là đương nhiên'
- Xây chung cư nội đô: Ăn sẵn hạ tầng, bớt lo tiện ích công cộng
- Quy hoạch thủ đô: Có nên “sao chép”
- TP.HCM: Nham nhở bởi chung cư “mì ăn liền”
- Từ Singapore nghĩ về Hà Nội
- Không gian văn hóa Hồ Gươm: Đừng đè thêm lên
- Những sai lầm trong thiết kế gây ra tai họa
- Cần bao lâu để nhà ống nhường chỗ cho đô thị sinh thái?
- Người nghèo tái định cư sập bẫy cò nhà đất