Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Góc nhìn Chất lượng vỉa hè

Chất lượng vỉa hè

Viết email In

Đường phố nhiều nơi trong đô thị đang xuống cấp nghiêm trọng - xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi - rất chậm được tu bổ. Người dân mong muốn có một chương trình nâng cấp đường phố như chương trình nâng cấp vỉa hè ở khu vực trung tâm TPHCM như hiện nay. Nhưng thực ra, những dự án nâng cấp vỉa hè cũng cần được xem lại.

Vỉa hè, làm quá tốn kém!

Từ 10 năm trở lại đây, chính quyền các đô thị ở nước ta đã chú ý đến việc xây lại vỉa hè, làm đẹp đô thị. Nhưng nếu nhìn lại, rất dễ thấy, vỉa hè xây không bền, sau vài tháng hay một năm là gạch hỏng, bề mặt vỉa hè bị lún. Vì vậy, mới có chuyện, hàng năm người dân thành phố phải chứng kiến cảnh đào bới vỉa hè cũ để xây vỉa hè mới (rất tốn tiền ngân sách).

Ông Nguyễn Đắc Chí, cựu giáo sư trường Quốc gia cầu đường Paris, nói: “Đi từ Bắc chí Nam tôi thấy chuyện xây dựng vỉa hè rất cần được lên tiếng. Tại sao các vỉa hè chúng ta xây dựng xong lại hỏng nhanh như thế, trong khi kỹ thuật xây vỉa hè không khó?”. Rồi ông tự lý giải rằng, vấn đề của vỉa hè là lu, đầm nền móng và chọn vật liệu chưa phù hợp; tất nhiên cũng có những yêu cầu kỹ thuật trong thi công vì không phải thợ hồ tay ngang mà làm được.

Từng là kỹ sư chuyên ngành về đường ô tô, ông Chí đưa ra nhận xét: phần lớn vỉa hè ở các đô thị tại Việt Nam hiện nay dễ hư hỏng vì thiếu nền móng. Tuy nhiên, để khắc phục hiện tượng này, mới đây, Chính quyền TPHCM đã thay đổi cách làm vỉa hè. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, vỉa hè xây mới sẽ được lu nhẹ, rãi đá dăm, đổ năm phân bê tông, hai phân vữa rồi mới lót gạch hoặc lót đá.

Cán bộ của một công ty dịch vụ công ích (đang thi công nhiều vỉa hè tại TPHCM) cho rằng, cách xây vỉa hè mới đã nâng chất lượng các vỉa hè đáng kể. Thế nhưng, trên thực tế không phải không có hiện tượng gạch vỉa hè bị nứt và nền bị lún. Các công ty thi công vỉa hè cho rằng vỉa hè hỏng là do ngành điện, nước đào vỉa hè (xây hạ tầng) và tái lập mặt bằng không đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, theo ông Chí, đó chỉ là một lý do.

Ông Chí cho rằng việc chọn vật liệu làm vỉa hè và kỹ thuật làm (dùng đá dăm luông nền móng kỹ) là những yếu tố quyết định chất lượng của vỉa hè. Ở châu Âu, người ta thường dùng hai loại vật liệu: (i) dùng gạch - một giải pháp rất tốn kém, thường chỉ dùng cho những nơi là thắng cảnh của thành phố; (ii) dùng một lớp vật liệu bitum với độ dầy từ bốn đến năm phân. Bitum là vật liệu dẻo, nếu móng có lún chút đỉnh thì bề mặt vỉa hè vẫn không bị nứt.

Vật liệu bitum được sử dụng phổ biến ở châu Âu nhờ giá thành rẻ. Theo ông Chí, bitum được sử dụng cho những nơi được coi là đẹp của những thành phố ở Pháp. Thế nhưng giá thành của bitum chỉ bằng một phần ba, hay một phần tư so với gạch thường dùng ở Việt Nam. Vì theo vị cán bộ của công ty dịch vụ công ích nói trên, một mét vuông vỉa hè hiện nay, nếu lót gạch (đường Hàm Nghi, Lý Tự Trọng...) có chi phí trên 420.000 đồng, nếu lót đá (quanh dinh Thống Nhất) có chi phí trên 1 triệu đồng. Đó là chưa kể mỗi viên đá vỉa hè có giá 600.000 đồng.

Ông Chí cho rằng, muốn làm tốt vỉa hè, cơ quan quản lý nhà nước cần phải xây dựng “sổ tay” hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật. “Sổ tay” phải chia ra ba loại vỉa hè: (i) cấp 1 dành cho người đi bộ; (ii) cấp 2 có thể cho xe máy chạy; (iii) cấp 3 là vỉa hè trước khách sạn, cao ốc văn phòng. Việc chia ra ba cấp vỉa hè như thế để xác định mức độ đầu tư, vì đầu tư cho vỉa hè cấp 1 sẽ rẻ hơn vỉa hè cấp 2, cấp 2 rẻ hơn cấp 3. “Xây vỉa hè là một việc không khó, nhưng nó cần làm theo một kỹ thuật có bài bản để đảm bảo tuổi thọ lâu dài, làm đẹp thành phố và tiết kiệm chi phí xây dựng, tu bổ”, ông Chí nói.

Đường đô thị, nên tốn một lần

Khi chúng ta đi xe trên đường, nhìn phong cảnh đẹp hai bên và sự hài hòa giữa phong cảnh với những cây cầu đẹp đẽ, có thể nghĩ rằng cầu là một công trình xây dựng phức tạp; nhưng lại không hề nghĩ rằng, dưới mặt đường ta đi cũng có một kết cấu phức tạp. Thi công đường như thế nào để nó bền vững trong nhiều năm, nếu không, việc xây dựng lại phải tốn hơn rất nhiều (công, của và cản trở giao thông) so với vỉa hè.

Theo ông Chí, nếu đường ở các đô thị Việt Nam rất mau hỏng thì cần phải xem lại chất lượng vật liệu, vì khi chất lượng vật liệu không đồng đều, những nơi vật liệu xấu sẽ tạo thành ổ gà, ổ voi. Sau vật liệu là móng, nếu lu không kỹ, độ chặt không đảm bảo, không đều giữa các lớp mặt đường thì đường cũng mau xuống cấp. Phải đảm bảo kỹ thuật đổ 40 cen ti mét đất đá lu một lần, chứ không thể đổ đầy rồi lu. Vấn đề kỹ thuật làm đường không khó, chỉ có điều là việc giám sát khâu thi công phải chặt chẽ. Để áo đường và mặt đường phẳng sau khi thi công xong không khó nhưng để nó phẳng sau ba tháng và sau 10 năm (nước ngoài tính đến 30 năm) là rất cần thiết cho chất lượng đường đô thị ở Việt Nam.

Ở nước ngoài không có chuyện đường chờ lún như ở Việt Nam vì người ta làm nền móng rất chặt. “Nếu khi làm đường lu và đầm kỹ đúng kỹ thuật, chọn vật liệu chất lượng đồng đều... sẽ đỡ tốn kém tiền bảo trì hàng năm, đó là chưa nói đến mặt đường tốt sẽ giúp giảm tai nạn giao thông”, ông Chí nói.

Đá Bàn

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...