Tại một hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm khu vực miền Trung - Tây Nguyên (gồm 12 tỉnh thành từ Quảng Bình đến Lâm Đồng) gần đây đã cho thấy nổi lên một hiện tượng: những hộ dân đã được báo cáo xóa đói giảm nghèo nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại tiếp tục... tái nghèo! Tỷ lệ nghèo theo các báo cáo đã giảm xuống dưới 17% dân số, nhưng trên thực tế nhiều tỉnh cho thấy số hộ tái nghèo lại bằng hoặc cao hơn số được giảm nghèo như Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng...
Bình quân, có đến 60 - 70% số hộ tái nghèo tại khu vực miền Trung. Theo giải thích của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội do mức độ đầu tư vốn của Nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu còn thấp, sử dụng vốn chưa hướng vào những nguyên nhân nghèo đói bức xúc nhất; thu nhập của hộ cận nghèo còn bấp bênh; đã và đang xảy ra tình trạng ỷ lại vào chính sách ưu đãi và sự đầu tư của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng... Tuy nhiên, có một nguyên nhân hết sức quan trọng là thiên tai triền miên trong khu vực nông thôn như hạn hán, bão lũ cùng với sự quản lý lỏng lẻo, quan liêu trong xây dựng và thực hiện các dự án trọng điểm ở nông thôn cũng là tác nhân của tình trạng tái nghèo. Trong lúc đó, người dân lại thiếu khả năng xây dựng nhà ở có đủ điều kiện chống chịu bão lũ lớn như hiện nay.
Nhìn vào thực trạng đời sống người dân trong các trận lũ đang diễn ra tại Quảng Bình và Hà Tĩnh cũng thấy được điều này. Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình): Tân Hóa là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, làm ăn kinh tế của huyện Minh Hóa, là xã đầu tiên trong huyện xin rút khỏi Chương trình 135 của Chính phủ, nhưng sau 2 trận lũ lụt, nay Tân Hóa trở lại thời kỳ... 100% hộ đói. Muốn trở lại bình thường, phải mất đến 5 năm...
Mặt khác, do lũ lớn và dòng chảy ngày càng mạnh, muốn tránh thiệt hại, muốn dời dân thì địa phương phải xây nhà nhiều tầng may ra mới thực hiện được. Muốn quy hoạch dân cư đến nơi cao hơn mỗi xã phải mất đến cả trăm tỉ đồng... Nhiều địa phương không có lấy một chiếc thuyền công để đi cứu dân thì lấy đâu ngân sách để đầu tư chừng đó tiền! Một chủ tịch xã trong vùng lũ Hà Tĩnh nói thật lòng: “Nếu Nhà nước đầu tư cho mỗi xã chúng tôi chục chiếc thuyền, thì lãnh đạo cấp trên cứ ngủ ngon giấc chứ chẳng phải lo ai chết cả!”.
Tóm lại, tuy tốc độ giảm nghèo của Việt Nam đạt nhanh nhưng vẫn thiếu bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo khá đông rất dễ tái nghèo do những bất cập trong xây dựng chiến lược, triển khai các dự án cụ thể, xây dựng các quy hoạch ở nông thôn. Ngân hàng Thế giới cho rằng các nước có nguy cơ cao về tái nghèo cần tập trung tài chính để ngay trên từng địa bàn nông thôn: 1- tạo công ăn việc làm, 2- cung cấp các dịch vụ cơ bản, 3- cơ sở hạ tầng, và 4- các chương trình an sinh xã hội cho những người dễ bị ảnh hưởng nhất. Giải quyết căn cơ được 4 vấn đề trên, theo chúng tôi, không chỉ giảm được áp lực tái nghèo ở nông thôn mà còn tránh được các hệ lụy về di dân và môi trường hiện nay tại các đô thị.
Trương Điện Thắng
Tin mới hơn:
- Quảng Châu: Nghĩ từ phố đi bộ...
- Người dân tham gia vào quy hoạch đô thị… chỉ là hình thức
- Bất động sản "giáng" cú đòn vào đồng nội tệ?
- Chính quyền thiếu kiên quyết, dân thi nhau lấn chiếm đất
- Hà Nội dừng hàng loạt dự án: Chưa có tiêu chí... vẫn rà soát
Tin cũ hơn:
- Lợi nhuận hay lợi ích cho cư dân khu đô thị mới?
- Bảo tồn di sản: Từ Ô Quan Chưởng đến Vườn Chuối
- Loay hoay "phá băng" dự án chung cư cũ
- Cần thông điệp rõ ràng và nhất quán
- Phá biệt thự tại TPHCM: Mất dần không gian kiến trúc đặc thù?