Quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn 5 nhóm khu kinh tế (KKT) ven biển được tập trung đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2015 đã được đưa ra.
Nhưng điều quan trọng là, sau quyết định này, phải làm sao để các KKT đã được lựa chọn phát huy được lợi thế thu hút đầu tư, khẳng định được tính ưu việt của mô hình KKT.
Nhóm các KKT được lựa chọn theo quyết định nói trên bao gồm Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa); Vũng Áng (Hà Tĩnh), KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang). Đây là những KKT có điều kiện thuận lợi về cảng biển, sân bay và đang có lợi thế so với các KKT khác về vị trí chiến lược trong phát triển vùng, trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án động lực. Chẳng hạn, KKT Dung Quất, Chu Lai có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Ô tô Trường Hải; KKT Nghi Sơn có Nhà máy Lọc dầu số 2; Vũng Áng có thép Formosa...
Được ưu tiên đầu tư ở mức tối thiểu 65% tổng nguồn hỗ trợ trong kế hoạch hàng năm và 3 năm (2013 – 2015), các KKT nói trên sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Nhưng cơ sở hạ tầng, dù là một yếu tố quan trọng để lôi kéo các nhà đầu tư, thì cũng không phải là tất cả. Thủ tục hành chính đơn giản và thông thoáng; sự hợp tác, thái độ thân thiện của chính quyền địa phương; các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư… và một chiến lược phát triển và thu hút đầu tư đúng đắn cũng là những yếu tố quyết định sự thành công của một KKT.
Hơn thế, nếu chỉ coi những con số cứng nhắc về số dự án, số vốn cam kết đầu tư… là thước đo cho sự thành công của các KKT thì chưa đủ. Với các KKT, điều quan trọng không phải là thu hút đầu tư bằng mọi giá, miễn là lấp đầy diện tích, mà phải lựa chọn được những dự án tốt, có chất lượng, đúng định hướng phát triển, để từ đó tạo động lực và sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả vùng. Khi bắt đầu cho phép xây dựng và phát triển các KKT, Chính phủ cũng đã hướng đến những mục tiêu to lớn như vậy.
Một khía cạnh quan trọng khác cũng cần tính đến. Đó là trong khi nhóm 5 KKT nói trên được phân bổ tối thiểu 65% tổng nguồn hỗ trợ trong kế hoạch hàng năm và 3 năm (2013 – 2015), thì 9 KKT còn lại sẽ chỉ có một nguồn vốn hạn chế để phát triển. Có thể, sẽ có những khó khăn nhất định trong phát triển cơ sở hạ tầng các KKT này. Bởi vậy, cùng với việc Nhà nước phải có những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho 9 KKT này có thể huy động các nguồn lực khác để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thì bản thân các KKT cũng phải tự vận động, chuyển mình để thu hút được các dự án động lực, tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư vào KKT. Việc cần có chiến lược riêng, có thể chế, chính sách riêng để các KKT còn lại có thể tiếp tục kêu gọi đầu tư dựa trên tiềm năng phát triển của thị trường cũng là điều được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập. Vấn đề này đòi hỏi phải có giải pháp hợp lý, qua đó phát huy tổng thể sức mạnh, cùng những ưu việt của mô hình KKT./.
Nguyên Đức
- Việt Nam mới chỉ tái chế sử dụng gần 10% lượng rác thu gom
- Vụ đập bỏ xây mới Chùa Trăm Gian: Cứ “tàn sát” rồi lại rút kinh nghiệm?
- Chùa Trăm Gian bị hủy hoại: Báu vật không người trông coi
- Làm thế nào để xe buýt hấp dẫn hơn?
- Phòng, chống sạt lở ở ĐBSCL: Lở đâu, chạy đó!
- Xây nhà trên... nóc chung cư cũ
- Cưỡng chế thu hồi đất là “việc của tỉnh Hưng Yên”
- Đổi mới hệ thống xe buýt ở TPHCM, chờ đến bao giờ?
- Giao thông tại Hà Nội hỗn loạn vì cơn bão số 5
- Bảo tồn từ... kiến trúc lòng dân