Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Ứng xử với di tích và những mối giằng co

Ứng xử với di tích và những mối giằng co

Viết email In

"Gặp lãnh đạo địa phương, có ai nói mình không trân trọng quá khứ, trân trọng di sản, nhưng chỗ này chỗ kia, hình như bài toán bảo tồn và phát triển không giải quyết được triệt để, làm chưa tới. Và hình như, không phải ai cũng đọc hết luật" - ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội trăn trở.

Có luật để làm theo chứ không phải để chơi

Ông Nguyễn Viết Chức (ảnh bên): Không thể vin phát triển kinh tế mà bao biện cho ứng xử với di sản của ta hiện nay. Công nhận di tích là cơ quan chức năng. Ứng xử với nó chỉ có con đường duy nhất là ứng xử theo luật pháp. Đó là vấn đề mang tính nguyên tắc, không thay đổi, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền.

Nhà nước ban hành luật để thực hiện chứ không phải để chơi. Khi đã được công nhận là di tích, mọi ứng xử đều phải theo Luật Di sản, không thể vì ý thích của người này, người khác.

Chưa nói đến những dụng tâm xấu, ngay cả khi ý tốt, muốn làm khang trang hơn, nhưng ứng xử với di sản là không được đập, phá, làm biến dạng nó đi. Biến dạng còn không thể được, nói gì phá bỏ.

Đảng, nhà nước chủ trương rõ: giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cụ thể chính là bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cha ông. Chủ trương đã được biến thành luật với từng điều khoản cụ thể.

Có luật di sản rồi, nếu làm khác thì phải báo cáo, nhưng không phải báo cáo là có quyền làm trái luật. Chúng ta không có quyền đưa ra bất kì lí do gì để phạm luật. Sai luật ở mức độ nào thì có ý kiến xử lý ở mức độ đó.

Giằng co bảo tồn và phát triển

Dinh tổng Thuận, Đền Và, Văn chỉ Vĩnh Xương chỉ là một số trong vô vàn câu chuyện về ứng xử với di tích hiện nay. Rộng rãi hơn, đó là bài toán khó giữa bảo tồn và phát triển, nhất là ở nước nghèo, khi phát triển kinh tế vẫn là ưu tiên như Việt Nam.

Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước đã nói rõ chủ trương phát triển bền vững, cả trước mắt và lâu dài. Ứng xử, phát triển có văn hóa chính là phát triển bền vững. Về mặt ý tưởng cũng không được phép vì phát triển trước mắt mà quên nhiệm vụ bảo tồn.

Nói như vậy không có nghĩa xã hội bảo tồn cái cũ theo nghĩa khư khư giữ lấy, mà phải phát triển những giá trị đó trong thời đại mới. Chỉ khư khư giữ cái cũ, không phát huy thì không thể phát triển được, không nối được quá khứ với hiện tại và tương lai.

Gạch nối không phải là cái nguyên bản theo nghĩa cứng nhắc, mà phải có hơi thở của thời đại. Mang hơi thở đời sống  thì người ta mới tôn vinh nó lên và mới được phát huy trong đời sống hiện tại. Nếu mọi thứ chỉ cho vào tủ kính bảo tàng thì đó chỉ là những hiện vật bảo tàng.

Ví dụ, Văn miếu Quốc Tử Giám, mãi đến thời Nguyễn mới xây Khuê Văn Các (ảnh bên), nhưng Khuê Văn Các từ đó lại trở thành biểu tượng của Văn Miếu. Có ai làm biểu tượng của Văn Miếu là các bia đá đâu, nhưng thiếu các bia đá thì không ra Văn Miếu. Đó mới là chất quan trọng, nhưng hồn gửi vào Khuê Văn Các, dù Khuê Văn Các có sau.

Khu Thái Học thuộc Văn Miếu hiện nay cũng là một sự tiếp nối của lịch sử. Từng là Khải Thánh, nơi thờ mẹ Khổng Tử, nhưng trong một thời gian dài, đây đã từng là khu hoang phế, cỏ mọc dày, là nơi các tệ nạn xã hội diễn ra.

Nhưng ngay cả khi hoang phế, nó vẫn là di tích. Nói hoang phế rồi xóa đi thì không đúng, vấn đề là chọn thời điểm thích hợp cả về điều kiện kinh tế, suy nghĩ... sẽ phát huy được.

Khi có điều kiện: kinh phí, suy nghĩ đạt tới, và dịp 1000 năm Thăng Long, khu Thái học đã được dựng lên. Đó không phải chỗ để học mà để tôn vinh nền giáo dục, sự học của Việt Nam. Đó chính là phát huy và phù hợp với đời sống hiện đại.

Trao đổi với nhiều lãnh đạo địa phương, có ai nói mình không trân trọng quá khứ, trân trọng di sản, nhưng chỗ này chỗ kia, hình như bài toán bảo tồn và phát triển không giải quyết được triệt để, làm chưa tới. Và hình như, không phải ai cũng đọc hết luật.

Giằng co văn hóa và kinh tế

Luật pháp không cấm ai phát triển kinh tế, và bảo vệ di sản không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, nhưng khi thực thi có những vấn đề mới nảy sinh.

Nhiều trường hợp, làm dự án hết hơi, tự đi kiểm tra rồi, rõ ràng khu vực chưa xếp hạng, chưa đưa vào danh sách kiểm tra thì không có cơ sở giữ lại. Đùng một cái, ngành văn hóa bảo dừng vì đây là di tích, thì đó là lỗi của ngành văn hóa. Khi ấy, bảo tồn đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển.

Tuy nhiên, với những di tích như Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc (ảnh bên), mãi tới khi triển khai dự án mới phát hiện ra, thì như cách chúng ta đã làm, không vì thế mà làm bừa và được làm bừa.

Khi ấy, vấn đề không phải là luật vì luật nào quy định được mà là thái độ, tình cảm, ý thức, trách nhiệm của người dân với di sản của quốc gia.

Rồi những di tích như Cổ Loa, lịch sử thăng trầm, có lúc mình xem là di sản, nhưng cũng có lúc xem nó là vòng ốc đắp đất bình thường, người dân ở đầy ra, văn hóa trình để đưa người dân đi đâu có dễ. Rồi Y miếu, chùa Chân Tiên, chùa Vua... giải phóng bao nhiêu hộ… Đó là mâu thuẫn giữa phát triển và giữ gìn, giữa khả năng phát triển và khả năng giữ gìn.

Người làm văn hóa phải thuyết phục các cơ quan khác. Có những việc không như ý thì cũng phải hiểu rằng đó là bất khả kháng, và không chùn bước, phải tiếp tục kiên trì: tuyên truyền, vận động, giải thích, không phải cái gì cũng bắt buộc.

Nói cách khác, ứng xử với di sản phải có luật pháp và lòng dân. Báo chí lên tiếng ủng hộ việc bảo vệ di sản, nhưng nhà chức trách chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân và trước lịch sử phải quyết định.

Với những di sản lớn, ứng xử với nó cần hỏi ý kiến dân, nhưng về cơ bản phải tham vấn ý kiến các cơ quan hữu quan. Chỉ có quản lý tồi, độc đoán mới không làm vậy.

Chuyện mâu thuẫn giữa người làm văn hóa và người làm kinh tế là hằng ngày. Mâu thuẫn với cả người tốt, với cả công việc cụ thể. Cơ quan nhà nước nào cũng muốn giữ phần của mình thì không thực hiện được.

Cũng như kéo thuyền, hôm nay tôi kéo lên ngày mai anh kéo xuống, con thuyền sau bao nhiêu năm vẫn đứng đấy trong khi thế giới biến đổi. Như vậy là hỏng hết, không phát triển được.

Ứng xử tốt ngay khi còn tồn tại

Có câu: "nếu anh bắn súng lục vào quá khứ, thì quá khứ sẽ bắn đại bác vào tương lai của anh". Làm văn hóa thấm nhuần điều trân trọng quá khứ, truyền thống, tổ tiên, cội nguồn thì hiện tại mới phát triển bền vững, tương lai mới tươi sáng được.

Không giữ truyền thống mà chạy theo cái lợi trước mắt, bỏ quên lợi ích lâu dài thì cái giá phải trả sẽ rất lớn.

Bài học về việc quên quá khứ, ứng xử không thận trọng, tử tế với quá khứ có nhiều, không ai là người muốn lặp lại.

Có cái mất đi không bao giờ lấy lại được, cả vật thể và phi vật thể. Ví dụ, hòn Phụ Tử bị đổ.

Cái không còn gì để bàn là sự mất đi mãi mãi, vĩnh viễn. Xây dựng lại không dễ, vì đó là thiên tạo. Ngay cả nhân tạo, xây dựng lại vẫn là xây dựng lại. Vật thể mất đi, xây dựng lại rất khó. Phi vật thể cũng thế.

Nhưng có những cái không thể lưu giữ được, như giọng hát ca trù của nghệ nhân Quách Thị Hồ, chỉ có thể lưu giữ trên băng đĩa, chứ làm sao lưu giữ được con người. Vì thế, hãy ứng xử với di sản tốt ngay khi nó còn tồn tại.



Phương Loan (ghi)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...