Xã hội hóa đầu tư hạ tầng: Hài hòa lợi ích

Thứ năm, 04 Tháng 4 2013 00:55 SGGP
In

Thu hút được những nguồn vốn khổng lồ như thế, tất yếu TPHCM đã đưa ra được những chính sách kêu gọi đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về đô thị, còn nhiều điều thành phố phải làm để thu hút hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Dành dự án tốt cho... doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên về những nguyên nhân chủ yếu làm cho chương trình thí điểm thực hiện kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (công tư hợp tác) của nhiều bộ ngành không thành công như kỳ vọng, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM nhận xét, đó là do các dự án đưa ra kêu gọi đầu tư không hấp dẫn (về mặt lợi nhuận - PV) đối với doanh nghiệp (DN). Mục tiêu hoạt động quan trọng nhất của một DN là tìm kiếm lợi nhuận nên để thành công trong thu hút đầu tư, nhà nước phải quan tâm đúng mức đến điều này. Đây là thực tế và hoàn toàn không xấu. Nhà nước sẽ điều tiết lợi nhuận của DN vào các chương trình xã hội bằng các sắc thuế.

Thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh những dự án có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư cũng có không ít dự án dù đã được đưa ra kêu gọi đầu tư công khai nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Nhiều DN đến tìm hiểu rồi sau đó chia tay ngay. Đơn cử như một số dự án xây dựng bãi đậu xe ở các cửa ngõ thành phố. Một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải cho biết, nhiều nhà đầu tư đã đến những nơi ấy, song trước khối lượng đền bù giải phóng mặt bằng của dự án quá lớn, họ xin rút lui hết. Theo cán bộ này, cũng không thể trách DN bởi rõ ràng với khối lượng công việc phải làm như vậy rất khó có tìm kiếm được lợi nhuận.

Một vấn đề khác cũng liên quan đến việc chọn lựa dự án đầu tư của DN. Đó là vốn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật thường rất lớn. Đa phần DN sẽ phải vay vốn ngân hàng hoặc huy động sự đóng góp của các cổ đông. Nếu dự án không hấp dẫn (về mặt lợi nhuận) nhà đầu tư sẽ rất khó huy động vốn hoặc vay vốn ngân hàng, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa kêu gọi xã hội hóa đầu tư bằng mọi giá. Ưu tiên cho DN những dự án tốt có nghĩa tự thân dự án đưa ra đã hấp dẫn DN. Ví dụ như để làm đường thì nên đưa những dự án nằm trên các trục giao thông chính, đông người qua lại để DN có thể thu hồi vốn nhanh bằng cách thu phí. Đưa những dự án làm đường nằm khuất sâu trong những khu vực hẻo lánh để kêu gọi xã hội hóa đầu tư chắc chắn không nhận được sự hồi âm tốt của DN. Với những dự án ấy, ngân sách nhà nước phải đầu tư. Sự hấp dẫn của các dự án còn nằm ở việc thực hiện các thủ tục đầu tư.

Hiện có một số ý kiến cho rằng, một trong những thành công lớn trong thu hút các nguồn lực bên ngoài vào đầu tư ở TPHCM do TPHCM có lợi thế của một đô thị lớn, trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Và điều này đã giúp thành phố “bù trừ” được nhiều bất cập trong thủ tục đầu tư. Một DN kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng công trình đô thị cho biết thủ tục xin đầu tư xây dựng một dự án phát triển đô thị rất… nhiêu khê. Nhiều DN đã ca thán, song họ vẫn muốn được đầu tư ở thành phố, đơn giản vì đây là trung tâm kinh tế, hoạt động kinh doanh sôi động. Đầu tư vào một thị trường như vậy sẽ nhanh thu hồi vốn và có được lợi nhuận tốt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về đô thị cũng nhận định, những lợi thế trên của thành phố đang bị các địa phương lân cận cạnh tranh quyết liệt bằng các thủ tục đầu tư thông thoáng hơn. Do vậy, để giữ được sự hấp dẫn đối với DN, TPHCM phải cải cách hơn nữa các thủ tục đầu tư.

Chia sẻ áp lực

Một DN chuyên đầu tư xây dựng các công trình giao thông tại TPHCM cho biết việc thu phí hoàn vốn xây dựng cầu, đường thường đã được xác định rất rõ trong hợp đồng xây dựng với thành phố. Phương án thu phí như thế nào, đã được các cơ quan chức năng góp ý. Thế nhưng, khi triển khai thu phí, DN rất hay bị… phê phán. Điều này đã tạo ra một sức ép rất lớn đối với DN, nhất là đối với các DN cổ phần. Họ bị kẹt giữa áp lực của các cổ đông công ty và… dư luận. Trong những trường hợp như vậy, DN rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của chính quyền thành phố. Các sở ngành chức năng của thành phố nên cùng với DN giải thích cho dư luận hiểu. Tất nhiên, phần việc nào DN làm chưa đúng, DN sẽ điều chỉnh - đại diện DN nêu trên nói.

Theo một DN khác hoạt động trong lĩnh vực môi trường, việc thương thảo các hợp đồng thường phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh thực tế. Có những điều rất hợp lý trong khoảng thời gian diễn ra thương thảo nhưng qua thời gian bất cập lại xuất hiện… Đây là điều bản thân DN hoàn toàn không mong muốn, song một khi nó đã xảy ra, các sở ngành chức năng nên cùng với DN giải quyết, không nên để DN “tự bơi”. Trong quá trình thương thảo hợp đồng hợp tác, đôi khi sẽ có một số điều khoản có lợi cho DN hơn có lợi cho thành phố và ngược lại (không tính yếu tố tiêu cực). Nhiều DN cho rằng, nên chấp nhận thực tế này và rút kinh nghiệm cho những lần thương thảo sau. Hai bên không nên có thái độ “khó chịu” đối với nhau vì điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động đầu tư của DN, đến công trình mà thành phố ký kết hợp đồng thực hiện với DN.

Tôn trọng và thực hiện thông suốt các cam kết đã ký kết với nhau là một yếu tố nữa rất cần sự hợp tác tốt đẹp giữa Nhà nước và DN. Thực tế cho thấy, đa phần các lãnh đạo đều rất ủng họ chủ trương xã hội hóa và sự tham gia của DN vào quá trình này. Thế nhưng, bộ máy chuyên viên bên dưới có không ít người luôn tìm cách làm khó DN. Theo nhiều DN, để khắc phục tình trạng này, nhà nước nên chuẩn hóa công tác thực hiện thủ tục đầu tư. Ví dụ, thủ tục này các chuyên viên phải thực hiện trong bao lâu? Nếu chậm, phải có lý do rõ ràng, chính đáng. Nếu không phải bị kỷ luật. Ngược lại, về phía DN, nếu cố tình vi phạm các cam kết cũng phải bị xử lý nghiêm khắc. Hai bên cùng tôn trọng các cam kết đã ký công việc mới tiến hành tốt được.

Nguyễn Khoa


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: