Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Từ “sự kiện Alan Phan”: Khi cá nhân đối mặt nhóm lợi ích

Từ “sự kiện Alan Phan”: Khi cá nhân đối mặt nhóm lợi ích

Viết email In

Giới thiệu về mình trên website cá nhân trước cả khi xảy ra cuộc tranh luận với Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, TS. Alan Phan tự nhận mình là một người “từng thất bại”. Điều này, một lần nữa được ông xác nhận trong thư gửi Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội mới đây, rằng ông và các đối tác đã từng “trắng tay trả lại mọi vốn và lời trong dự án lớn ở Arizona vào năm 1982”.

Thời điểm đó, ít người tin chỉ 5 năm sau, năm 1987, ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty Hartcourt của mình niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, để rồi có thời điểm công ty này đạt giá trị thị trường 700 triệu USD.

Những trải nghiệm “lên xuống” đó có lẽ là quá đủ để những ý kiến mà vị doanh nhân này đưa ra xứng đáng được xem như là “ý kiến chuyên gia”, nếu so sánh với hàng chục vị chuyên gia khác vẫn đang phát biểu về kinh doanh trên báo chí mỗi ngày, dẫu chưa một phút làm kinh doanh thực sự.

Không ai có thể cảm nhận được một cách sâu sắc những thành bại trong kinh doanh như chính các doanh nhân đã trần thân chịu đựng và thụ hưởng những điều đó.

“Công kích cá nhân”

Sự quan tâm và đồng cảm của số đông đối với Alan Phan vào thời điểm này, theo ghi nhận của VnEconomy, không hẳn chỉ vì tò mò. Khẳng định không có lợi ích liên quan, phát biểu mà ông đưa ra nhằm thẳng vào một nhóm lợi ích cụ thể trong nền kinh tế là các doanh nghiệp bất động sản, hiện vẫn đang tích cực vận động cho các gói cứu trợ của Chính phủ mà, phần nào đó, mọi việc đang thuận chiều!

Thực tiễn tại các quốc gia phát triển cho thấy tranh luận là điều cần thiết để kiến tạo một xã hội văn minh. Tuy nhiên, điều cần tránh nhất trong tranh luận chính là sự ngụy biện trong các lập luận.

Đáng tiếc, từ phát biểu của Alan Phan, những ai kỳ vọng vào một cuộc tranh luận mở để từ đó, các cơ quan chức năng có thể đưa ra những quyết sách phù hợp nhất cho thị trường hiện nay, sẽ cảm thấy thất vọng. Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho dù không đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, đã lên tiếng một cách không theo lối tranh luận thông thường.

15 câu hỏi mà câu lạc bộ này gửi đi ghi rõ là để “chất vấn”, trong khi tính chính danh của bảng câu hỏi cũng đáng bị nghi ngờ: danh mục cập nhật của câu lạc bộ đăng trên website mới chỉ có chưa đầy 200 thành viên cả thể nhân và pháp nhân, thay vì “1.000 thành viên” như đã giới thiệu.

Người tinh ý cũng sẽ nhận ra rằng, danh mục thành viên của câu lạc bộ này không có nhiều đại gia đã và đang làm mưa làm gió trên thị trường mấy năm qua. Không chỉ vậy, chính nội dung các câu hỏi mới đáng quan tâm nhất: thay vì tạo ra không khí phản biện và tranh luận, nhiều câu hỏi đã vượt quá khuôn khổ của vấn đề.

Sẽ tốt biết bao nếu câu lạc bộ cử ra một vài chuyên gia, trên tinh thần thiện chí, cùng tranh luận mở với Alan Phan, dưới sự chứng kiến của truyền thông, về vấn đề cứu hay không cứu thị trường, thay vì những câu hỏi đại loại như, “ông đã có nhiều nghiên cứu với thị trường Việt Nam hay chưa”? Hay “kinh nghiệm thực tế của ông với thị trường bất động sản Việt Nam là gì”?...

Thái độ khá “căng thẳng” của phía Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội và những người ủng hộ còn thể hiện ở những bài báo công kích chính… cá nhân Alan Phan, nêu lại những thất bại trước đây của vị chuyên gia này. Nếu chứng minh được sự cần thiết, thông qua những con số và lập luận thuyết phục, về việc cần có các chính sách giải cứu thị trường, vì sao Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội không làm điều đó qua những bài tham luận, kiến nghị của mình?

Thực tiễn tại các quốc gia phát triển cho thấy tranh luận là điều cần thiết để kiến tạo một xã hội văn minh. Tuy nhiên, điều cần tránh nhất trong tranh luận chính là sự ngụy biện trong các lập luận. Gần đây, một bài viết về “Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện” đã nêu lên 50 hình thức khác nhau về ngụy biện, trong đó “hình thức thứ nhất” chính là “công kích cá nhân” (ad hominem).

“Đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất, nguy hiểm nhất, và có “công hiệu” nhất, vì nó tấn công vào cá nhân của người tranh luận, và tìm cách trốn tránh luận điểm của cá nhân đó. Hình thức ngụy biện này thường xuất hiện dưới dạng: ông A phát biểu về một vấn đề; ông B tấn công vào cá nhân ông A, và làm cho người ta nghi ngờ luận điểm của ông A. Tuy nhiên, có thể không có mối liên hệ nào giữa cá nhân và luận điểm của ông A”, trích nguyên văn từ bài viết nói trên.

Dễ nhận thấy rằng, trong “50 chước ngụy biện” được liệt kê trong bài viết này, có khá nhiều chước đã được “hiện thực hóa” trong bảng câu hỏi 15 câu mà ông Alan Phan đã nhận được.

Tranh luận mở

Câu chuyện về Alan Phan có thể coi là một ví dụ tốt cho một vấn đề mà các chuyên gia đề cập đến từ lâu: sự cần thiết phải có một không gian tranh luận mở để các cá nhân, tổ chức có thể nêu chính kiến của mình trước các vấn đề của đời sống.

Tranh luận sẽ càng cần thiết hơn trong bối cảnh vấn đề đó liên quan và có thể tác động đến số đông, và chính quyền đang phải đắn đo để đưa ra các quyết định chính sách. Trong trường hợp này là sự đắn đo về việc “cứu hay không cứu” thị trường bất động sản vẫn đang trên đà suy giảm.

Cuộc tranh cãi nên dừng lại ở đây, để những người dân chưa có nhà không nên kỳ vọng vào một phép lạ trong tương lai gần. Nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn mang nhiều hy vọng.

TS. Alan Phan

TS. Nguyễn Lương Hải Khôi, một chuyên gia người Việt đang công tác tại Nhật Bản, từng nói: “Độ "lớn" hay "nhỏ" của một quốc gia không được tính bằng số dân hay lãnh thổ, mà được tính bằng độ lớn của không gian tự do mà nền văn hóa của quốc gia đó mở ra cho mỗi cá nhân”. Một người nổi tiếng khác, GS. Ngô Bảo Châu, nói: “Nếu không có phản biện thì xã hội coi như chết lâm sàng”.

Điều đáng tiếc nhất cho một quốc gia là khi các chính sách được ban hành không dựa trên quá trình tham vấn nghiêm túc các bên liên quan. Những sai lầm trong chính sách kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây là những minh chứng, như chính sách hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước, điều đã được nhiều chuyên gia nhất loạt phản đối ngay thời điểm ý tưởng này mới được hình thành.

Đối với bất động sản, những cảnh báo về “bong bóng” đã đến từ những năm 2008 - 2009, trong sự “làm ngơ” của các cơ quan chức năng. Khi chính sách tạo thuận lợi cho đầu cơ ngắn hạn, khó có thể trách các nhà đầu tư chạy theo ngắn hạn.

Alan Phan cho rằng, “không có kẻ thắng người thua trong tranh luận dựa trên tri thức. Không ai độc quyền chân lý. Một cuộc tranh luận cởi mở trên một sân chơi bằng phẳng là đích đến mong đợi của mọi người dân sau những ồn ào hỗn loạn của PR và tâm lý bầy đàn”. Điều đáng tiếc chính là việc dù rất tin tưởng vào ý kiến và những lập luận của mình, ông cũng dường như đang mất dần niềm tin khi “tiên đoán là Chính phủ rồi cũng sẽ tung nhiều gói cứu trợ bất động sản mặc cho sự can gián của nhiều chuyên gia và đa số người dân”. 

“So với quý vị, tiếng nói của chúng tôi không đủ trọng lượng để cơ quan quản lý lưu tâm. Do đó, cuộc tranh cãi nên dừng lại ở đây, để những người dân chưa có nhà không nên kỳ vọng vào một phép lạ trong tương lai gần. Nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn mang nhiều hy vọng. Có thể một lúc nào đó, những tinh hoa của đất Việt sẽ quên đi quyền lợi cá nhân của mình và gia đình… để san sẻ lại cho các người dân kém may mắn hơn”, ông viết. Tâm sự này của Alan Phan, dường như đang mở ra những tranh luận mới, không chỉ về bất động sản.

Nghệ Nhân (VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # Phạm Thái Hà 05/04/2013 00:25
Bác Alan Phan rất “tài”, đánh rất đúng tâm lý người dân Việt (chưa có điều kiện sở hữu nhà), luôn mong mỏi giá nhà sẽ giảm nữa, giảm mãi.

Thị trường BĐS Việt Nam, cũng như kinh tế Việt Nam còn rất non trẻ. Tỉ lệ đóng góp của BĐS vào GDP mới có 10% (các nước khác khoảng 20 – 30%) và GDP của Việt Nam cũng mới chỉ có hơn 130 tỉ USD. Vậy mà bác lại đi lấy những bài học từ xứ cờ hoa, nơi có GDP gấp khoảng 120 lần nước Việt để dẫn chứng. Để thị trường BĐS Việt Nam tự đề kháng, chẳng khác nào bảo một đứa trẻ đang viêm phổi ra ngoài trời lạnh.

Về ý kiến, các DN BĐS Việt Nam phải trả giá cho những gì họ đã làm, cho cách làm ăn chụp giật, cho những sai lầm của họ.

Tôi hoàn toàn đồng ý và thực tế họ đang phải trả giá và còn phải tiếp tục trả giá… nếu không biết “ăn năn”. Nói như ông Nguyễn Trần Nam- Thứ trưởng Bộ Xây dung- là “sự đóng băng của thị trường đã dạy cho doanh nghiệp, giới đầu cơ, người mua nhà và cả cơ quan quản lý một bài học” – một bài học lớn. Nhưng “trả giá” và “giải cứu” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Nếu để thị trường “rơi tự do” như bác muốn thì hậu quả, mất mát cho cả xã hội sẽ là khôn lường, là vô cùng lớn cả về thời gian và tiền bạc.

Tôi cho rằng giải cứu thị trường BĐS là “lợi ích nhóm” và chỉ bằng cách in tiền thêm và bơm ra cho doanh nghiệp BĐS, cuối cùng 1/2 lượng tiền thiếu minh bạch,kiểm soát và làm mòn lòng tin đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước là không có cơ sở.

Tôi được biết, 2/3 gói giải cứu 30 nghìn tỉ sẽ giúp người dân mua được nhà và doanh nghiệp cũng bán được hàng. Chỉ 1/3 còn lại nên dành cho doanh nghiệp để hoàn thiện sản phẩm và tạo nguồn cung mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất sẽ hỗ trợ bằng công cụ chính sách, cơ chế là chủ yếu.

Tôi cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đủ thông minh để đưa ra một giải pháp giải cứu theo hướng “cái gậy và củ càrốt”. Đó là cuộc giải cứu với điều kiện khắt khe, kèm theo thanh lọc, buộc doanh nghiệp vẫn phải tự lực vươn lên. Nhưng, cơ thể của bệnh nhân có “chịu thuốc” để khoẻ lên hay không thì còn tuỳ. Và đó là cách để người ta đuổi “con cóc xấu xí” đi, thay vì làm như bác là “nuốt nó vào”.

Mặc dù bác tuyên bố không bỏ tiền mua nhà ở Việt Nam nhưng tôi cho rằng, bác chẳng cần phải bỏ xu nào vẫn thu về bạc triệu Mỹ kim với tư cách là người môi giới cho các “cầu thủ” nước ngoài vào “thôn tính” các dự án của DN Việt theo kiểu “nước đục thả câu”?
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo