Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Phát triển xe buýt ở TPHCM: Xe buýt già nua

Phát triển xe buýt ở TPHCM: Xe buýt già nua

Viết email In

Hiện nay, hàng loạt xe buýt ở TPHCM đang gồng mình lăn bánh không khác gì những chuyến xe khách cách đây hơn 20 năm. Mỗi lần còn xe rời trạm, tiếng máy gầm rú ống xả phụt ra từng mảng khói đen kịt…

Xe hết “đát”

Hình ảnh thường thấy trên đường phố hiện nay là những chiếc xe buýt với lớp sơn bong tróc từng mảng, ghế nệm rách nát, đuôi và sàn xe bị mục, kính vỡ, máy lạnh ngưng hoạt động, nội thất hư hỏng. Xe vừa chạy vừa nhả từng cụm khói đen kịt... Hậu quả là những người điều khiển xe gắn máy phía sau lãnh đủ, quần áo bị khói nhuộm bẩn. Thậm chí có người bị khói bụi bay vào mắt không thấy đường đi. Mỗi lần qua những khúc cua, đoạn đường gồ ghề, xe buýt như những chú “ngựa sắt” già nua oằn mình chở khách.

Trên thực tế, tình trạng xe buýt ở TPHCM hư hỏng đã bắt đầu từ cuối năm 2009, do không có tiền tu sửa, xe ngày càng xuống cấp nhanh hơn, nhất là trên các tuyến như: Bến xe Miền Đông - Miền Tây, Chợ Lớn - Miền Đông, Sài Gòn - Thới An, Sài Gòn - Nhà Bè, Bình Khánh - Cần Giờ… Tàn tạ nhất là hàng loạt xe ở quận 8. Cụ thể xe 53N-7131 của SaigonBus, nhìn thân xe như một chiếc áo vá mục nát. Nội thất hư hỏng, cửa kính không có ron cao su chống tiếng ồn. Những tấm biển ghi lộ trình xe được dựng cẩu thả, thậm chí lộn ngược trông rất chướng mắt. Những hình ảnh đó hầu hết trên tuyến nào cũng có.

Tuy nhiên, các hư hỏng bên ngoài này vẫn không đáng lo ngại bằng tình trạng máy xe xuống cấp không được sửa chữa tu bổ kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM lý giải, xe buýt nhếch nhác như hiện nay là do phần lớn doanh nghiệp (DN) không có tiền trung tu, đại tu định kỳ. Để vận hành an toàn và lâu bền, đáng lẽ xe chạy khoảng 3 - 4 năm (tương đương 240.000km) là phải đại tu một lần, tốn khoảng 380 triệu đến 500 triệu đồng/xe, trong đó không chỉ nâng cấp khung, thùng xe và nội thất mà còn sửa chữa toàn bộ động cơ, thay thế các thiết bị an toàn của xe. Tuy nhiên đa số xe buýt hiện nay đều hoạt động liên tục cho đến khi hư hỏng mới đưa đi sửa chữa tạm để chạy tiếp.

Bên cạnh hàng trăm xe xuống cấp trầm trọng và cần sửa chữa lớn, theo ước tính của Sở GTVT TPHCM, hiện nay, TP có khoảng 1.700 - 1.800 xe buýt cần đầu tư thay mới. Tuy nhiên với tình hình kinh tế khó khăn, nguồn vốn ngân sách có hạn khó có thể thay thế hàng loạt được.

Thiếu bến bãi, trạm trung chuyển

Hiện nay, bến bãi cho xe buýt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các bãi đều nằm tạm ven đường hoặc đậu nhờ ở các khu công nghiệp. Còn tại các địa điểm vui chơi, sinh hoạt công cộng, xe buýt phải đậu chờ khách chen với xe khách. Điển hình như ở khu vực Suối Tiên, quận Thủ Đức, những ngày cao điểm như thứ bảy và chủ nhật hoặc các ngày lễ có hàng chục ngàn lượt hành khách tham quan, nhưng xe phải đậu lấn vào phần đường dốc trước cổng của khu du lịch này.

Suốt thời gian qua, với hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ, TP đã có trên 3.000 xe chạy trên 600 tuyến, nhưng mới chỉ có vẻn vẹn 3 bến xe buýt. Trong khi đó từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 101/QĐ-TTg, trong đó quy định rõ về diện tích đất dành cho 30 bến bãi vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TPHCM là 1.146ha. Nhưng đến nay các sở, ngành chỉ mới sắp xếp được 28ha. Nguyên nhân là mặt bằng cho các tuyến xe, bến bãi, trạm trung chuyển vẫn thiếu sự chỉ đạo nhất quán của chính quyền địa phương, đặc biệt là các quận, huyện vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.

Từ năm 2002, Sở GTVT đã đề nghị quy hoạch 22 bến bãi cho xe buýt. Thế nhưng các quận, huyện đã lấy đất dự kiến làm bãi đậu xe sử dụng vào việc khác. Như bến Văn Thánh quận Bình Thạnh) gần 4.000m² đang bị giải tỏa để xây trung tâm thương mại; bến Tân Thuận quận 7 rộng 5.000m² cũng không xong, nhiều nơi khác thì đang nằm trên giấy. Ông Lê Hải Phong cho rằng, muốn có mạng lưới xe buýt hoàn thiện để nâng cao khả năng phục vụ người dân thì phải có được mạng lưới các trạm trung chuyển phù hợp. Mục tiêu của thành phố là thu hút lượng khách đi xe buýt càng nhiều càng tốt, nhằm hạn chế dần việc sử dụng xe cá nhân. Thế nhưng, với tình trạng như hiện nay, hình ảnh xe buýt càng trở nên xấu xí và tất nhiên người dân sẽ ngày càng xa lánh.

Cầm cự qua ngày

Nhiều chủ xe kiêm lái xe buýt thuộc các HTX cho biết, không giống như xe khách có thể thu “tiền tươi” ngay trong ngày, tiền lãi thu được từ hoạt động kinh doanh xe buýt chỉ được cấp vào mỗi tháng, mỗi quý khi tiền trợ giá được rót về. Vì thế, những hỏng hóc phát sinh trong quá trình vận hành xe buýt thường chỉ sửa chữa cái nào thật cần thiết. Hơn nữa hàng ngàn xe đã hoạt động liên tục cả chục năm qua chưa hề được đại tu hay nâng cấp máy. Chính vì vậy, hàng trăm xe buýt tại thành phố đang bước vào giai đoạn rệu rã, chờ thay thế xe mới hàng loạt.

Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM, hàng trăm xe buýt của các xã viên trong khối liên hiệp được đầu tư trong giai đoạn 2002 - 2004 đều đang xuống cấp nghiêm trọng. Những phương tiện này nằm trong chương trình hỗ trợ cho vay lãi suất trong 10 năm của UBND TPHCM. Xác định loại hình vận tải hành khách công cộng đóng vai trò lớn cho việc đi lại của người dân thành thị, UBND TPHCM đã đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xe buýt. Tuy nhiên, kinh doanh không có lãi, thậm chí có xã viên phải bỏ nghề vì thua lỗ.

Đến nay, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thành phố có khoảng 3.000 xe buýt đang hoạt động trên 600 tuyến. Số lượng xe buýt giảm ngoài lý do phương tiện xuống cấp, các xã viên, chủ xe không cầm cự nổi buộc bán hoặc sang xe. Một chủ nhiệm HTX xe buýt cho rằng, do hoạt động không có lãi nên xã viên không có vốn tích lũy, tiền sửa chữa còn không có lấy đâu để tái đầu tư.

Quốc Hùng - ảnh: Cao Thăng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo