Dự kiến, trong quí 1-2017, Sở GTVT TPHCM sẽ có phương án cho xe buýt đi vào một làn đường riêng trên một số tuyến đường nhằm tăng tốc độ cho loại xe này.
Theo kế hoạch của Sở GTVT, trong quí 1-2017 sẽ dành làn đường ưu tiên cho xe buýt trên các tuyến đường Trường Chinh, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng…
Đường Phạm Văn Đồng với 4 làn xe ô tô mỗi bên nên có thể dành một làn cho xe buýt mà không lo các xe khác đi chen vào (Ảnh: Anh Quân)
Theo Sở GTVT TPHCM, việc thí điểm dành làn đường riêng cho xe buýt hoạt động được triển khai với 3 phương án.
Phương án 1, cho xe buýt đi chung làn đường với xe máy, bởi vì xe buýt chạy ra làn ô tô rồi lại chạy vào làn xe máy để hành khách lên xuống rất bất tiện và làm trễ giờ nên việc cho xe buýt chạy chung làn với xe máy thì xe buýt sẽ chạy nhanh hơn.
Phương án 2, chọn một số tuyến đường như Điện Biên Phủ, Mai Chí Thọ... để dành một làn đường ô tô ưu tiên cho xe buýt.
Phương án 3 dành một làn đường phía bên trái trên đường một chiều cho xe buýt lưu thông và đón khách, thay vì phải tấp vào phía bên phải để đón khách.
Sở GTVT TPHCM cho rằng, việc dành làn đường riêng cho xe buýt sẽ góp phần nâng tốc độ, giúp xe buýt chạy đúng giờ hơn. Đây là một trong những giải pháp nhằm tăng lượng hành khách sử dụng xe buýt vốn đang suy giảm nghiêm trọng tại TPHCM. Theo thống kê của Trung tâm Điều hành và quản lý vận tải hành khách công cộng TPHCM, năm 2016 đã giảm 84.000 chuyến xe buýt với khoảng 3,4 triệu lượt hành khách.
Ông Phạm Sanh – một chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc dành làn đường riêng cho xe buýt ở những tuyến đường có đủ chiều rộng như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ hoặc xa lộ Hà Nội là hợp lý.
Tuy nhiên, những tuyến đường trong nội đô hiện nay rất khó để làm đường riêng cho xe buýt. Theo vị chuyên gia này, trước tiên phải tổ chức tốt việc vận hành làn đường riêng cho xe buýt ở những tuyến đường mới mở này. Sau này khi hạn chế dần xe cá nhân thì sẽ tính tới việc dành làn đường riêng cho xe buýt ở trong nội đô.
Để khắc phục nhược điểm của xe buýt nhanh mà Hà Nội đang mắc phải, ông Sanh cho rằng, đối với những tuyến đường ở nội thành nếu làm xe buýt nhanh thì bắt buộc phải làm dải phân cách cứng để tách các dòng xe khác ra thì mới có hiệu quả.
Còn đối với những tuyến đường mới như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, hiện nay làn xe máy đã được tách riêng thì không cần phải làm dải phân cách vì làn đường ô tô hiện nay còn rộng.
“Vấn đề quan trọng nhất trước khi làm xe buýt nhanh là phải khảo sát xem lưu lượng xe trên các tuyến đường đó như thế nào, và khi dành một làn cho xe buýt thì phải tính toán cho các xe khác có đủ chỗ đi để lưu thông”, ông nói.
Lê Anh
(TBKTSG)
- TPHCM ra mắt ứng dụng tra cứu thông tin giao thông thực tế trực tuyến
- Trang trí bờ kè trên bãi biển Mỹ Khê bằng tranh gốm nghệ thuật
- TPHCM: Dời bến xe miền Đông nhưng không xây trung tâm thương mại
- Savills: ùn tắc giao thông ở Hà Nội cao hơn TPHCM
- TP.HCM ứng dụng hệ thống thông tin địa lý để chống ngập
- Đồng Nai muốn xây dựng thành phố sân bay ở Long Thành
- TP HCM muốn quy hoạch 3 huyện thành quận
- Ngành Xây dựng triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017
- Đà Nẵng chốt phương án làm hầm vượt sông Hàn gần 5.000 tỷ
- Phát hiện làm thay đổi nhận thức về Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long