Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, đại diện Indonesia tham gia Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN, ông Amran, đã chia sẻ ba yếu tố cốt lõi để xây dựng một thành phố thông minh, đó là văn hóa tiên tiến, an ninh bền vững và nền tảng kỹ thuật số.
Những yếu tố này được xem là kim chỉ nam cho việc triển khai các khu đô thị thông minh tại Indonesia, phù hợp với Quy định số 59 năm 2022 của Chính phủ và tiêu chuẩn SNI ISO 37122.
Tổng giám đốc Phát triển hành chính khu vực của Bộ Nội vụ Indonesia, ông Amran, phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 6 của Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN-Nhật Bản ở Tokyo, ngày 29/10. (Ảnh: Antara)
Theo ông Amran, một thành phố thông minh không chỉ là nơi tập trung các công nghệ hiện đại mà còn phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh trật tự, kết nối cộng đồng và bảo vệ môi trường cũng là những yếu tố không thể thiếu.
Cuối cùng, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý đô thị sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Những ý tưởng này của Indonesia sẽ được trình bày tại Mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN (ASCN).
Ông Amran nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác quốc tế, như Nhật Bản, để cùng nhau thúc đẩy đổi mới và ứng dụng công nghệ.
Hội nghị cấp cao Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN-Nhật Bản lần thứ 6 vừa được tổ chức tại Tokyo vào cuối tháng 10 đã khẳng định cam kết hợp tác của các quốc gia trong việc xây dựng các thành phố thông minh, bền vững./.
Văn Phong
(Vietnam+)
- Bỉ xây dựng hòn đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới để khai thác năng lượng gió
- Sydney được bình chọn là "thành phố tốt nhất thế giới"
- Nước Anh giã biệt điện than
- Hàn Quốc: Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tuyệt đẹp kéo dài tới tận DMZ
- COP29 đặt trọng tâm vào mục tiêu tăng công suất trữ năng lượng toàn cầu