Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Làm thế nào để xe buýt hấp dẫn hơn?

Làm thế nào để xe buýt hấp dẫn hơn?

Viết email In

Để giải quyết việc đi lại của gần một chục triệu dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều tiền của và công sức phát triển mạng xe buýt. Thế nhưng, hàng chục năm qua, xe buýt vẫn chưa thu hút được hành khách, chỉ đáp ứng khoảng 5% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Dưới đây là những ý kiến rất đáng suy ngẫm của bạn đọc Đỗ Thái Bình, góp phần cải thiện tình hình trên, xin chia sẻ để cùng thảo luận.

Nhìn thấy những tựa ghế có thêm lớp bọc nhựa trắng toát trang điểm cho xe buýt tuyến 34, anh bạn nước ngoài cùng tôi lên xe tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên. Đó là anh chưa biết các trạm chờ dọc đường Pasteur còn có đồng hồ điện tử, xe tuyến 59 mà có lần tôi không dám bước lên để đi từ công viên Lê Văn Tám về Bến Thành vì thấy nó sang quá, hơn tất cả các xe du lịch đường dài… Chỉ cần đứng nhìn các đoàn xe buýt lũ lượt, các trạm xe mới xây tại Phú Mỹ Hưng còn đẹp hơn tất cả các trạm xe buýt mà tôi đã thấy tại nhiều nước Âu Mỹ, có thể thấy rằng chúng ta cố gắng hấp dẫn khách đi xe buýt như thế nào! Nhưng có ai suy nghĩ những vấn đề đơn giản này không ?

1. Làm thế nào nhận ra trạm xe buýt?

Cũng vẫn anh bạn đó đặt vấn đề với tôi, làm thế nào nhận ra một trạm xe buýt tại thành phố này? Nghe tưởng đơn giản, nhưng ta thử tính xem hiện nay có bao nhiêu biểu tượng để người dân nhận ra một trạm xe buýt? Nhẩm tính có tới 5 biểu tượng: cái hình chợ Bến Thành màu vàng, bên trong có hình xe buýt; hình vẽ xe buýt màu xanh lá cây kèm theo một câu rất văn nghệ: “nào ta cùng buýt”, hình xe buýt vẽ đúng kiểu quốc tế chặn trước hình biểu tượng xe buýt tại đường Võ Văn Kiệt…

Một nguyên tắc trong thông tin công cộng là đơn giản, dễ nhận biết, thống nhất, không gây nhầm lẫn, và không nên thay đổi nhiều. Chúng ta đang xây metro, tại sao không dùng một chữ M chung, thống nhất một kiểu chữ, để tạo cho người dân thói quen nhận biết nơi giao thông công cộng, hoặc dùng một biểu tượng thống nhất để chỉ xe buýt thay cho tình trạng lộn xộn đủ kiểu hiện nay? Có nhà quản lý nào để ý các xe buýt treo đèn ban đêm ra sao không? Có xe dùng đèn sau kính rọi sáng chữ số, thí dụ tuyến 20. Có xe cao hứng trang trí đèn LED xanh đỏ nhấp nháy quanh số tuyến 31 hay 34!!! Họ tưởng rằng làm như thế sẽ thêm đẹp, thêm hấp dẫn nhưng có nghĩ tới việc người đi chỉ mong lên đúng tuyến, an toàn, không bị móc túi…?

Lại nữa, trang thông tin điện tử của xe buýt thành phố (http://www.buyttphcm.com.vn/) trình bày khá cầu kỳ nhưng vào trang này ta được thông tin ra sao? Các tuyến xe “ra vẻ” rất kỹ lưỡng, trong một file excel có ghi thời gian chính xác tới từng phút tới và đi qua từng trạm, nhưng thử hỏi có bao giờ xe đúng giờ như ở các nước khác đâu mà viết ra thế. Trong khi đó, cái cần hướng dẫn thì không có. Ví dụ tôi muốn đi từ Đại học Nguyễn Tất Thành sang đường Trần Não thì đi xe nào, hoàn toàn không có chỉ dẫn! Hoặc là tuyến 52 dịp nghỉ hè hình như có bớt một số chuyến do sinh viên nghỉ hè. Những việc này có thể thông báo trên trang, thay vì í ới hỏi nhau tại Trung tâm Bến Thành. Có như thế trang web của xe buýt mới thật sự sống động còn như hiện nay chỉ là một trang thông tin “thiu” vì người dân không được thông báo những gì mình cần hàng ngày!

2. Ghế cứng hay ghế mềm?  

Xu hướng công cộng là người ta dùng ghế nhựa cứng, dễ lau rửa. Hình như chúng ta cố chiều lòng khách đi xe buýt không kém gì khách đi taxi nên cố trang bị máy lạnh hai giàn, ghế mềm có cả vải bọc lưng, nhạc stereo… Thế nhưng cái cần nhất là vệ sinh, là an toàn. Xin mời các bạn nhìn các ghế mềm rách rã rượi vì không chịu nổi cung cách của người đi xe, các cột trong xe hoen gỉ không được bảo quản thường xuyên trong khi ta cố choàng lên ghế vài cái bọc nhựa trắng! Tại sao không là ghế cứng để sau mỗi ngày dễ phun nước rửa sạch xe? Tại sao không chú ý tới khu vực người lái xe, nhân vật quyết định sự an toàn của hàng chục con người? Có ai xem xét kỹ khu vực của người lái? Cái quan trọng nhất là gương kính cầu giúp cho tài xế quan sát toàn bộ xe thì mỗi xe một kiểu, phần lớn không đạt tiêu chuẩn của kính cầu xe buýt. Có xe dùng hai tấm kính phẳng để phản chiếu. Và xung quanh chỗ ngồi của người lái thì lủng củng nào khăn mặt, kem đánh răng, lọ hoa, nào ảnh Phật, Chúa, thùng nước... có khi buộc bằng một sợi dây tạm bợ! Đó là những yêu cầu có thật của người lái xe, mà nếu là yêu cầu có thật thì phải lo bố trí ngay từ khi thiết kế, chọn mua xe chứ không nên để người lái xe tự trang bị theo kiểu “trăm hoa đua nở” như vậy vì an toàn xuất phát từ những việc nhỏ, từ trật tự ở nơi làm việc của người lái xe! Không thể chấp nhận những việc tùy tiện trong một hệ thống công cộng ,tất cả phải theo một quy trình chặt chẽ.

3. Lên cửa trước xuống cửa sau!  

Tất cả các xe buýt đều tốn tiền kẻ vẽ các hàng chữ nhắc nhở như vậy nhưng cũng chính các xe buýt vi phạm các quy định đã đặt ra. Chỉ có một vài tuyến, ví như tuyến 31, không có người phụ xe nên bắt buộc phải thực hiện quy định này, còn hầu hết các tuyến mà tôi đã đi đều hết sức tùy tiện. Và chúng ta tốn rất nhiều tiền để kẻ vẽ các dấu trạm xe buýt trên nền đường nhưng thử hỏi xe buýt có đỗ đúng chỗ mà nó phải đỗ hay không? Có lẽ tùy tiện nhất là tuyến 102 trên đường Nguyễn Văn Linh, tại khu vực giao với Nguyễn Đức Cảnh. Đó là con đường lớn có nhiều làn xe, trên đó có hai làn cùng một chiều nhưng có giải phân cách ở giữa. Thay vì xe buýt phải đi làn trong, sát với vỉa hè để đón khách, thì xe tuyến 102 thường đi làn ngoài với lý do là làn trong đông xe quá! Thử tưởng tượng, khi vừa có đèn xanh, hàng trăm xe máy, ô tô bắt đầu nhả thắng lao tới trong lúc các ông già bà cả phải vượt qua một làn xe để sang đón xe buýt đỗ bên kia đường thì điều gì có thể xảy ra?!!!Việc này lặp đi lặp lại đã hơn một năm nay, có góp ý cho tài xế nhưng chẳng thay đổi, đôi khi lại nhận được lời nói khiếm nhã !!         

4. Vẽ sơ đồ tuyến để làm gì?

Các trạm xe buýt mới xây ở TPHCM đều rất tốn kém, vượt xa các trạm xe mà tôi vừa đi tại Marseilles, Pháp hay Stockholm, Thụy Điển, với các khung bằng thép không gỉ, với các tay bám cho người khuyết tật (trong khi chưa có loại xe buýt này). Các bảng nê ông rực sáng của trạm chờ xe buýt hiện có vẽ sơ đồ tuyến với hình ảnh đường ngoằn nghèo ghi tên vài trạm dọc đường. Nhưng thử hỏi xem nó có ích lợi gì? Là một người chuyên đi xe buýt trong nước và cả khi ra nước ngoài, tôi có thể nói ngay là chẳng có ích gì khi trưng ra cái bản đồ toàn bộ mạng lưới xe buýt thành phố và sơ đồ một tuyến. Hàng ngày tôi phải dùng rất nhiều loại bản đồ nhưng tôi nhức mắt không hiểu bản đồ xe buýt đó ai sẽ đọc? Thay vì vậy, nên có các bảng hướng dẫn từng tuyến rất cụ thể. Nếu một trạm có ba bốn tuyến thì làm ba bốn bảng quay quanh một trụ. Và cũng chẳng cần “minh bạch” ghi thêm trên bảng đó giá tiền, rồi điện thoại liên hệ, trang web như hiện nay đang treo trên một số trạm ở đường như đường Nguyễn Văn Linh, chỉ tổ  rối mắt.

5. Loa phát thanh để làm gì?

Đó là phương tiện thông tin cho vài chục người trên xe, nhưng trên thực tế hiện nay loa đã được sử dụng sai mục đích. Chỉ có một vài tuyến dùng hệ phát thanh tự động kèm theo những dòng chữ chạy để nhắc nhở cho người đi đường biết các bến sắp tới còn đa phần dùng để nghe ca nhạc, các buổi phát thanh... Có xe ngang nhiên bắt người đi đường phải nghe những bài hát lính trước 1975! Tôi tự hỏi việc phát thanh theo ghi âm nhắc nhở các bến có khó khăn kỹ thuật gì mà không tổ chức quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các xe mà lại để việc này phụ thuộc vào ngẫu hứng của người lái, phụ xe? Và các hàng chữ ghi các bến treo xiên xẹo trong xe, bảng nội quy dầy đặc chữ có lẽ chẳng ai ngó tới, để làm gì?

Có lẽ cần phải làm nhiều việc hơn nữa để xe buýt thực sự là một phương tiện mà mọi người dân thấy cần thiết. Với cách làm xe buýt của chúng ta hiện nay, có vẻ như chúng ta chú ý nhiều tới phần cứng mà chưa chú ý tới phần mềm, chú ý mua sắm hơn là chú ý tới con người – người lái xe và người đi xe.

Phát triển xe buýt hình như mang tính tình thế, đối phó với giao thông chật chội chứ không mang tính chiến lược của bất kỳ một đô thị văn minh nào. Việc chiều chuộng người đi xe buýt với các “chiêu trò” ghế mềm, ca nhạc... phỏng có ích gì trong khi lên xuống xe vội vàng như ăn cướp? Người ta hay nói tới triết lý, triết lý giáo dục, triết lý phát triển công nghệ…, cho nên ở đây hình như còn thiếu “triết lý phát triển xe buýt”: người ta vội vàng mua sắm xe buýt, đầu tư, trợ giá cước... nhưng hình như chưa lúc nào bình tĩnh ngồi lại để tự hỏi phát triển xe buýt để làm gì?

Đỗ Thái Bình


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo