Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Bảo tồn khu phố cổ Chợ Lớn: Diện mạo di sản, diện mạo cộng đồng và bài toán phát triển kinh tế

Bảo tồn khu phố cổ Chợ Lớn: Diện mạo di sản, diện mạo cộng đồng và bài toán phát triển kinh tế

Viết email In

Tuy mới chỉ là ý tưởng nhưng sự trăn trở làm thế nào để đảm bảo sự hài hoà giữa giá trị văn hoá và sự phát triển kinh tế đang được những chuyên gia, kiến trúc sư có tâm huyết lên tiếng. Kiến trúc & Đời sống xin lược ghi lại những trăn trở ấy và cũng coi đây là một thông điệp nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm kênh thông tin để tham khảo.   


Kiến trúc cổ của Đình Minh Hương Gia Thạnh được bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp xưa
(ảnh: Lam Phong)

KTS Nguyễn Trường Lưu (ảnh bên), phó Chủ tịch thường trực hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho biết, số lượng những căn nhà cổ trong khu vực này hoặc đang dần mất đi bởi quá trình đô thị hoá, hoặc đang bị xâm hại do trùng tu không đúng cách. Vì vậy, đối tượng chủ yếu được bảo tồn là kiến trúc của khu phố cổ. Khu vực này có nhiều khối nhà được xây dựng liền kề chung tường và theo kiểu nhà ống, chỉ cao từ 1 – 2 tầng, được trang trí bởi hoa văn cổ in màu nâu đậm trên trần nhà, cửa sổ được trang trí bởi hình vòm. Những căn nhà này đều được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và những năm 1920, có lối kiến trúc mang đậm bản sắc Trung Hoa nên cũng được chú trọng cải tạo và bảo tồn.   Để TP.HCM phát triển bền vững và hài hoà, không thể bỏ qua yếu tố trùng tu, bảo tồn các khu phố cổ, dấu ấn của một thời. “Bảo tồn là cần thiết, nhưng bảo tồn phải đảm bảo mục đích phát triển. Một đô thị phát triển bền vững, hài hoà phải có quá khứ, hiện tại và tương lai”, ông Lưu nói.   KTS Lưu cũng lưu ý, trong việc bảo tồn nhà cổ, di tích lịch sử trong khu vực của dự án cần phải đồng bộ, đó là bảo tồn cả những giá trị vật thể và phi vật thể. Bảo tồn làm sao để vẫn giữ được cái hồn của những con phố này, đó chính là những ngành nghề đang được người dân kinh doanh. Ví dụ như, phố đèn lồng Lương Nhữ Học, phố nghề thuốc Hải Thượng Lãn Ông… Do đó, thành phố không nên quá cứng nhắc trong việc bảo tồn. Mỗi một công trình cần có sự chủ động và cách ứng xử riêng. Nhiều di tích nằm trong diện trùng tu, bảo tồn cần bảo đảm tính chân xác của lịch sử, nhưng phát triển cũng cần sự kế thừa.  

Trong khi đó, KTS Khương Văn Mười (ảnh bên), Chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng có đồng quan điểm khi cho rằng, phát triển và bảo tồn là hai yếu tố luôn xung khắc lẫn nhau. Nếu không kiểm soát tốt thì phát triển sẽ đè bẹp bảo tồn. Bảo tồn là hướng đến sự phát triển kinh tế, chứ không phải để ngắm nhìn như những hiện vật của bảo tàng. Phát triển là phương thức tốt nhất để bảo tồn một di sản. Vừa phát triển, vừa nâng cao các giá trị kinh tế song song đó phải bảo tồn cho được một khu phố, một căn hộ, một căn nhà tuỳ theo giá trị của nó.   Một căn nhà chỉ nói lên giá trị kiến trúc nhưng một trục đường nói lên không gian, các giá trị văn hoá phi vật thể. Bảo tồn để nâng cao đời sống người dân chứ không phải kìm hãm sự phát triển để phục vụ tham quan.   Chẳng hạn khu phố mài kéo ở trong Chợ Lớn. Ngày xưa người dân sống nhờ vào đó, cuộc sống rất bấp bênh. Thu nhập mỗi ngày chỉ vài chục ngàn đồng. Nếu bắt buộc bảo tồn cái nghề đó thì người dân làm sao mà sống? Bảo tồn là phải tạo điều kiện để nâng cao nguồn thu nhập của người dân. Người dân cùng tham gia tạo ra giá trị to lớn, được san sẻ, thụ hưởng từ giá trị đó. Cho nên, biện pháp thực hiện bảo tồn rất quan trọng.   Tuỳ thuộc vào quy mô, tính chất tiêu biểu của di sản văn hoá để chọn ra những cái tiêu biểu nhất, phong phú để bảo tồn. Xác định khu vực bảo tồn là một chuyện, cụ thể hoá để bảo tồn lại là chuyện khác. Các mặt tiền căn nhà, khu phố bắt buộc phải gìn giữ kiến trúc còn bên trong ruột có thể cho người dân sửa chữa. Nói chung làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa nâng cao đời sống người dân.  

TS Võ Kim Cương (ảnh bên), hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM cũng cho rằng, “bài toán” quy hoạch, cải tạo và phát triển một khu đô thị cũ như Chợ Lớn sẽ chịu nhiều điều kiện ràng buộc. Quy hoạch không chỉ tổ chức không gian mà phải giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích giữa nhu cầu bảo tồn với phát triển; giữa lợi ích kinh tế với văn hoá, lịch sử; đặc biệt giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung. Để quy hoạch có tính khả thi cao, cần chọn lựa kỹ đối tượng bảo tồn, không tràn lan mà vẫn giữ được giá trị đặc trưng. 

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên (ảnh bên), trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam nhận định, bảo tồn, cải tạo nhằm phát huy giá trị văn hoá – lịch sử là việc rất nên làm, nhất là đối với một đô thị lớn như TP.HCM. Tuy nhiên, để đề án mang tính khả thi, cơ quan chức năng nên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, đa ngành; tiến hành điều tra xã hội học để lấy ý kiến của người dân trước khi thực hiện thí điểm, bởi mục tiêu đề án không chỉ nhằm bảo tồn giá trị của phố cổ mà còn phải bảo đảm đời sống người dân.  

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, khu vực Chợ Lớn hình thành vào khoảng thế kỷ 17 với những nhóm cư dân người Hoa làm nhiều nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Lúc đó trung tâm thương nghiệp Đàng Trong là cảng sâu Cù lao Phố trên sông Đồng Nai, cũng do người Hoa lập ra và phát triển. Sau cuộc chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh (1778), Cù lao Phố bị tàn phá, người Hoa ở đây đổ về Chợ Lớn và khu vực này trở thành một “khu phố Tàu” – trung tâm thương nghiệp, thủ công nghiệp với nghề làm gốm nổi tiếng. Trong nửa đầu thế kỷ 20, Sài Gòn – Chợ Lớn nối liền nhau, song vẫn là hai khu vực có chức năng khác nhau: Sài Gòn chủ yếu là trung tâm hành chính – chính trị, còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hoá cho thị trường đồng bằng sông Cửu Long cũng như đầu mối thu gom nông sản, nhất là lúa gạo, từ đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu. 

(KT&ĐS) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo