Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Tiền nhân... hậu thế, công và tội!

Tiền nhân... hậu thế, công và tội!

Viết email In

Hai sự kiện, Chùa Trăm Gian và Đền Huyền Trân …, 2 bài học nhớ đời. Một bài học về ứng xử với di sản tiền nhân để lại, 1 bài học về trách nhiệm bồi đắp phát triển kho tàng tài sản vô giá cho hậu thế mai sau. 

Xã hội ta vừa có may mắn lớn, nhưng cũng đang "phải tội" với các bậc tiền nhân, trong việc giữ gìn và tôn tạo các di sản văn hoá lịch sử. Cái dở, cái hay, cái xấu, cái tốt cứ đan xen như cuộc sống vốn thế... 

Người viết bài này, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã được chứng kiến 2 sự kiện, trải qua 2 trạng thái tinh thần trái ngược nhau. Nơi này, là niềm đau bất ngờ, nơi kia, là niềm vui lớn cũng... bất ngờ không kém.  

Nơi này là cách ứng xử với tiền nhân. Nơi kia là việc làm cho hậu thế. 


Chùa Trăm Gian bị xâm hại 

Chùa Trăm Gian: "Phải tội" với tiền nhân 

Ngôi Chùa Trăm Gian nổi tiếng tạo lập từ đời Lý Cao Tông, năm 1185, nay đã gần 1000 năm tuổi. Là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng là di tích quốc gia từ hơn 40 năm nay, nằm ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. 

Một di tích văn hoá lịch sử quý hiếm đến thế, bỗng chốc bị xâm hại dưới chiêu bài mỹ miều là "trùng tu", "bảo tồn"... bằng những cách làm thô thiển, tuỳ tiện, bất chấp các tiêu chuẩn và quy định tối thiểu đã có, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. 

Đặc biệt, một số hạng mục quan trọng, đặc sắc của Chùa Trăm Gian như nhà Tổ, gác Khánh đã bị phá đi xây mới hoàn toàn. Các cấu kiện gạch ngói dù xưa cũ nhưng chứa đựng những thông điệp của thời gian, của lịch sử đã bị đập phá, chất thành đống, chực chuyển ra ngoài, bỏ đi. 

Tình trạng này kéo dài hàng tháng, khi dư luận báo chí làm "nóng" lên, nhưng các cấp liên quan vẫn bảo chưa biết, không nghe thấy. Vậy, ở đây, trách nhiệm của các cơ quan, các cấp quản lý, của những người có chức, có quyền, có trách nhiệm nằm nơi nào?

Chỉ đến vài ngày gần đây mới có công văn chỉ đạo của UBNDTP Hà Nội, lệnh phải nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa cấu kiện cũ của công trình. Đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân và tập thể có liên quan vì có những hành vi xâm phạm di tích lịch sử quốc gia.

Nhưng điều nhức nhối, theo các chuyên gia như Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, là "dựa trên những hình ảnh, những cấu kiện cũ thì cũng chỉ có thể phục dựng lại được ở 1 mức độ nào đấy, chứ không thể phục dựng lại một cách nguyên vẹn nhà Tổ, gác Khánh được... Như vậy, cho dù có cố gắng đến mấy, thì di tích chùa Trăm Gian khó có thể phục hồi nguyên trạng được.

Đến nước này, không thể nói gì khác là thế hệ đương thời không chỉ phải chịu xấu hổ mà đã làm điều "phải tội" với "tiền nhân".

Vụ việc "Chùa Trăm Gian" bị lên án nặng hẳn vì ngôi chùa này là di sản quá đặc biệt, lại ở ngay Thủ đô. Phải chăng đây chỉ là 1 trường hợp "bị phát hiện", trong số những trường hợp chưa "bị phát hiện" khác ở các cấp độ khác nhau, trên xứ sở chúng ta, trong thời đại văn minh giữa thế kỷ 21 này?

Vụ "Chùa Trăm Gian" đã đủ là lời cảnh tỉnh chung, đặc biệt với những cấp, những ngành có trọng trách bảo tồn các giá trị tinh thần vật thể và phi vật thể của đất nước chưa? Để có thể giảm bớt ngay và tiến đến không còn bao giờ diễn ra, không chỉ ở Thủ đô mà ở khắp mọi miền đất nước, những "tội lỗi" kiểu này trước tổ tiên con Lạc cháu Hồng.

Đền Huyền Trân: Món quà tặng cho hậu thế

Chính trong thời gian diễn ra vụ việc buồn với Chùa Trăm gian, người viết bài này đã may mắn được đặt chân tới, được nhìn tận mắt và chiêm ngưỡng 1 công trình văn hoá lịch sử khác, vừa mới hình thành trên đất cố đô Huế. 


Trụ biểu trước đền thờ Huyền Trân công chúa
(Ảnh: TTM) 

Công trình chỉ mới khánh thành những hạng mục cơ bản vào năm 2008 để kịp dịp nhân dân Thừa Thiên- Huế thể hiện sự tri ân đối với Huyền Trân Công Chúa, người 700 năm trước đã có công lớn, mang về cho nước Việt 2 châu Ô - Lý, món quà tặng của vua nước Chiêm Thành dâng vua nước Việt, trong đó có mảnh đất Thừa Thiên- Huế ngày nay. 

Và để tri ân cả với Phụ hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh, văn võ song toàn có công lớn giữ nước. Hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, rồi mở mang, kéo dài bờ cõi về phía Nam từ sông Hiếu (Quảng Trị) đến sông Trà Bồng (Quảng Nam), và tạo dựng nên Thiền phái Trúc Lâm của nền Phật giáo Việt Nam. 

Công trình mới này nằm cách xa thành phố Huế 7km về phía Tây, trong vùng núi Ngũ Phong, 1 khu vực có đồi núi thoai thoải, trùng điệp, rừng thông xanh tươi bốn mùa. Không xa là những ngôi chùa, lăng tẩm, di tích, công trình văn hóa mang tính tâm linh. Gần nhất là khu di tích Chín Hầm, Đàn Nam Giao, xa hơn một chút là Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức, mộ các nhà vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân v.v...

Thật đáng cảm phục những ý tưởng lớn xây dựng 1 công trình như vậy. Rất đáng hoan nghênh sáng kiến chọn hình thức đầu tư "Nhà nước và xã hội", chính quyền và doanh nghiệp cùng bắt tay trong đó doanh nghiệm được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện và khai thác, duy tu, phục vụ người dân tham quan kết hợp dịch vụ du lịch. 


Một con đường dốc 108 bậc cấp, hai bên là đôi rồng chầu dài 108 mét, dài nhất Việt Nam
(Ảnh: TTM)

Ấn tượng sâu đậm lưu lại cho nhiều người đến với nơi này là sự tôn kính, lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, với Đức vua Trần Nhân Tông, với Huyền Trân Công chúa v.v...đã có công lớn để lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau 1 giang sơn rộng lớn, 1 truyền thống rực rỡ giữ nước và xây dựng đất nước, những giá trị tinh thần nhân văn và văn hóa Việt.
Điều này thực sự có ý nghĩa trong thời kỳ gian khó hiện nay, khi đất nước đang trải qua sự chuyển mình để vượt qua sự tụt hậu. Khi dân tộc Việt Nam đang vươn lên để thoát khỏi cảnh hèn kém, đặc biệt khi đang đứng trước sự thách thức nghiêm trọng trong sự nghiệp giữ gìn biên giới hải đảo Tổ quốc.

Và vì vậy, công trình mới - "Trung tâm Văn hoá Huyền Trân" ở thành phố Huế đang và sẽ là di sản văn hoá, di sản lịch sử, thể hiện đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn", tinh thần yêu nước thương nòi của dân tộc Việt. Nó nhắc nhớđương thời và hậu thế không bao giờ lơ là giữ gìn bờ cõi, đất trời, biển đảo tổ tiên bao đời để lại. 

Hai sự kiện, Chùa Trăm Gian và Đền Huyền Trân ..., 2 bài học nhớ đời. Một bài về ứng xử với di sản tiền nhân để lại, một bài học về trách nhiệm bồi đắp phát triển kho tàng tài sản cho hậu thế mai sau. 

Hai bài học đó dành cho ai đây, nếu không phải trước hết dành cho thế hệ những người đang sống hiện nay? 

Trần Minh 

Tham khảo: 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo