TS Lê Thị Minh Lý, Uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia, nguyên Cục phó Cục Di sản đã thốt lên như vậy khi được hỏi về vụ việc núp bóng trùng tu để phá dỡ ngôi chùa Trăm Gian ngàn tuổi gây chấn động dư luận những ngày qua.
PV: Bà nhìn nhận sự việc thay mới chùa Trăm Gian gây chấn động dư luận và giới di sản những ngày qua như thế nào?
TS Lê Thị Minh Lý (ảnh bên): - Đó là một tai họa, một tổn thất lớn đối với Di sản Việt Nam, không phải do thiên nhiên mà do chính con người. Thật là đáng tiếc và xấu hổ với bạn bè quốc tế khi được hỏi về việc này. Bởi vì thật khó hiểu và khó giải thích khi Việt Nam đang được coi là quốc gia tích cực trong khu vực về việc có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ di sản văn hoá khá đầy đủ. Hơn nữa có sự phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương để bảo vệ di sản. Đây là bài học rất xấu.
Cái mất đi không chỉ là giá trị vật chất mà sâu xa hơn nữa là giá trị tinh thần là di sản văn hoá phi vật thể chứa đựng, tích tụ ngàn đời trong công trình kiến trúc ấy tạo thành không gian thiêng, không gian văn hoá của ngôi chùa di sản vô cùng nổi tiếng ấy. Liệu rằng bạn có cảm xúc không khi ngôi nhà bạn đã sống cả cuộc đời chất chứa bao nhiêu kỷ niệm từ thời ấu thơ nay đã thay bằng một tòa nhà mới. Khi trở về liệu bạn có nhìn thấy ký ức tuổi thơ, hình ảnh của gia đình mình với không gian khác và đồ vật khác?
Đó là điều dư luận quốc tế chắc chắn sẽ không hiểu được, còn cá nhân bà, một người làm rất lâu trong ngành di sản có thấy sốc không khi vi phạm ở chùa Trăm Gian không phải là lần đầu tiên và lần này thì để xảy ra một lỗi trầm trọng như vậy?
- Chắc chắn rồi! Một người dân bình thường khi nghe tin này đã sốc chứ không nói gì đến những người làm nghề. Không chỉ có tôi, rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành và những người đang tâm huyết với di sản cũng rất sốc khi nghe thông tin này. Rõ ràng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và các cơ quan quản lý các cấp phải có một sự đánh giá, coi đây là một bài học rất không tốt để từ đó ứng xử và tìm cách bảo vệ các di sản khác.
Nếu chỉ đánh giá để tìm cách cứu vãn chùa Trăm Gian mà lại không có đánh giá, không có liệu pháp cho những di sản khác thì có ngăn được những chuyện tương tự xảy ra hay không? Trong ngành di sản có thuật ngữ "phòng ngừa" (Preventive Conservation). Tức là phải tiên đoán được những hiểm họa có thể đến với di sản để có biện pháp bảo vệ. Tu bổ mà không có hiểu biết về di sản là một nguy cơ cần phải phòng ngừa.
Trong thuật ngữ bảo quản có hai vế là phòng ngừa và trị liệu mà phòng ngừa hẳn nhiên là tốt hơn trị liệu (chữa bệnh) rồi. Điều đó ai cũng được học cả nhưng ứng dụng vào cuộc sống lại thuộc trách nhiệm của mỗi người, của mỗi công dân, của người làm di sản.
Tháo dỡ để bảo tồn khác với tháo dỡ để bỏ đi.
Vậy theo bà, những người phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này là cơ quan quản lý hay còn ai khác nữa?
- Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan trực tiếp quản lý di sản địa phương. Họ có trách nhiệm quản lý di sản và phải làm việc với cộng đồng để bảo vệ di sản đó. Di sản này là di tích quốc gia thuộc phường, xã quản lý đầu tiên. Nhà nước đã phân cấp rồi và họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc quản lý đối với di sản đó. Kế đến là trách nhiệm thuộc về cấp quận, huyện. Ở đây họ có cả một phòng văn hóa huyện cơ mà, có cả Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Vậy nhiệm vụ của họ là gì?
BQL di tích Hà Nội, Sở VHTTDL Hà Nội cũng phải có trách nhiệm. Và tất nhiên là cả cơ quan quản lý cấp nhà nước cũng phải có trách nhiệm. Tôi nghĩ chúng ta phải có một cuộc đánh giá xem di sản này vì sao lại bị như vậy, lỗ hổng quản lý là ở đâu, sự thiếu hụt về nhận thức khi nhận dạng giá trị di sản là ở chỗ nào. Phải khắc phục để còn bảo vệ các di sản khác.
Chùa Trăm Gian gần ngàn năm tuổi là một di tích tuyệt đẹp nay thuộc Chương Mỹ, TP Hà Nội. Không hiểu vì lý do gì mà người ta đang tay phá dỡ công trình đặc biệt được xếp hạng là di tích quốc gia từ lâu này để làm mới. Điều đáng tiếc là suốt nhiều tháng thi công ầm ĩ vừa qua mà khi hỏi đến các cơ quan chức năng đều không hay biết ?! Điều đáng nói là ngôi chùa cổ này đã "bị" trùng tu kiểu phá di tích nhiều lần. Tuy nhiên chưa lần nào chùa Trăm Gian bị làm hỏng nghiêm trọng như lần này. Khi hay tin và về thị sát công trình trái phép vào ngày 24/8, Bộ VHTTDL đã cấp tốc ký văn bản đình chỉ thi công khi sự việc đã rồi. Sự việc bị phanh phui khiến dư luận và đặc biệt là các nhà văn hóa, những người làm trong lĩnh vực di sản bàng hoàng. Câu hỏi đặt ra lúc này là nhanh chóng xác định trách nhiệm thuộc về ai? xử lý thế nào? và làm sao để Chùa Trăm Gian bị tổn thất ít nhất. |
Nhiều người đang bàn tới việc cần đánh giá xem cái gì có thể cứu vãn được thì phục hồi nhưng theo cá nhân tôi thì với những di sản cấp quốc gia có giá trị đặc biệt như chùa Trăm Gian thì cái gì đã phá đi rồi, đã thay mới rồi thì không thể vãn hồi được nữa. Cá nhân bà có nghĩ rằng chúng ta có thể "cứu" được một phần chùa Trăm Gian không?
- Tôi không tin nó sẽ được phục hồi nguyên trạng như những gì tôi vừa được nghe thấy trên tivi sáng nay bởi bất cứ cái gì đã dỡ ra rồi thì không thể trở lại nguyên trạng được nữa. Tháo dỡ để bảo tồn khác với tháo dỡ để bỏ đi, xây mới. Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Khi tháo dỡ để bảo tồn người ta phải tư liệu hoá, lập hồ sơ khoa học chi tiết. Người ta sẽ trân trọng từng cái cột, từng viên ngói, từng viên đá một. Người ta đánh số, phân loại, bảo quản và sắp xếp để còn lắp lại. Còn trong một xu thế phá bỏ nó đi để làm cái mới thì chắc chắn không có tư liệu hóa. Như thế thì làm sao phục hồi nguyên trạng được?
Vậy là tình hình đã thực sự vô vọng....?
- Tôi không hiểu họ sẽ đưa ra giải pháp như thế nào nhưng chắc chắn sẽ rất khó khăn khi phục hồi lại chùa Trăm Gian như cũ, chưa kể đến việc cộng đồng đó có tự giác tháo dỡ cái mới vừa dựng không.
Không biết những người làm di sản, các nhà văn hóa có định tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nào đó để tháo gỡ sự việc đau lòng này?
Đã nhiều nhà khoa học lên tiếng. Báo chí nên tiếp tục tham vấn họ vừa để tìm ra giải pháp vừa để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, của công luận trên các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang góp phần bảo vệ di sản.
Mặt khác, các nhà khoa học cũng sẽ có trách nhiệm nói đến vấn đề này đối với các di sản khác trong những diễn đàn khác nhau. Dù rằng câu chuyện chùa Trăm gian là một sự việc đã rồi, dù rằng đôi khi ý kiến của nhà khoa học cũng còn đang được “nghiên cứu” song vẫn phải nói, phải thảo luận và phải phản biện.
Hạnh Phương (thực hiện) - Ảnh: Tuổi Trẻ
- Xoá quy hoạch treo sẽ giải phóng một nguồn lực lớn cho xã hội
- Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - phỏng vấn giám đốc Ban quản lý dự án
- Đầu tư PPP: Cần nhưng chưa vội
- Từ 2016 các cơ sở gây ô nhiễm mới bị cấm, đình chỉ hoạt động
- Thay đổi cách làm quy hoạch để phát triển đô thị bền vững
- Hình thành đô thị nông thôn từ vùng ngập
- Chấm dứt quy hoạch "treo" đất lúa
- Quy hoạch sử dụng đất thiếu sức sống
- Paul Flowers: "Thiết kế phải tạo ra sự yêu mến"
- Không gian ngầm không còn là nơi chứa ống nước!