Ashui.com

Friday
Jan 10th
Home Tương tác Đối thoại Paul Flowers: "Thiết kế phải tạo ra sự yêu mến"

Paul Flowers: "Thiết kế phải tạo ra sự yêu mến"

Viết email In

Trong năm này, Paul Flowers đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện với các nhà thiết kế, chuyên gia trong lĩnh vực nội thất của Việt Nam. Ông từng nhận giải thưởng top 40 nhà thiết kế bậc nhất châu Âu dưới 40 tuổi. Paul Flowers và nhóm thiết kế 17 người của ông từng nhận giải thưởng Reddot, được ví như Oscar của lĩnh vực thiết kế trên thế giới.

Được biết bộ phận thiết kế gồm 17 người do ông lãnh đạo được coi là “con cưng của tập đoàn” GROHE. Xin hỏi cách ông xây dựng đội ngũ này và bí quyết để các ông làm nên những sản phẩm thành công đến thế?

Paul Flowers (ảnh bên): - Từ một người thiết kế, hay nói cách khác là một thành viên của nhóm thiết kế phát triển lên thành một người trưởng nhóm, đối với tôi đó là một quá trình logic và chính điều đó khiến tôi hiểu công việc của từng thành viên trong nhóm của mình. Tôi biết họ đang làm gì, họ có thể làm gì và tôi biết tôi cần gì ở họ. Nhưng quan trọng hơn cả theo tôi là sự hợp tác của mỗi thành viên trong nhóm. Tôi luôn cố gắng tạo ra một không khí cộng hưởng trong phòng thiết kế. Mọi người làm việc trong không gian chung và luôn luôn có sự cọ xát, trao đổi và như tôi vẫn hay nói đùa là “cập nhật” về nhau. Nhờ vậy khi làm việc chúng tôi phát huy được thế mạnh của từng cá nhân, đồng thời liên kết mạnh mẽ mọi cá nhân để ra đời được những sản phẩm tốt nhất.

Có một số nhà thiết kế đang làm việc tại các công ty Việt Nam nói rằng họ đến để hy vọng tìm kiếm được những gợi ý về một vấn đề nảy sinh trong quá trình họ bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực thiết kế thiết bị nội thất từ ông. Tuy nhiên, từ những ý tưởng rất thăng hoa trên bản vẽ nhưng thành sản phẩm thực thụ lại không được như ý thậm chí tinh thần của nhà thiết kế hoàn toàn biến mất. Ông có ý kiến gì về chuyện này?

- Đó là vấn đề của mọi nhà thiết kế trên thế giới và tôi cũng từng gặp qua rất nhiều. Trong nghề của chúng tôi, điểm gút quan trọng là khi bản thiết kế được cho là đã hoàn thiện và được sản xuất thử. Nghĩa là ý tưởng chuyển thành hiện thực. Khi mới vào nghề, tôi đã không ít lần bị thử thách cảm hứng sáng tạo vì rất nhiều mẫu sản phẩm của mình khi được làm thử ra lại không đúng ý. Cảm hứng bị “dội một gáo nước lã” và chi phí cho việc sản xuất thử có vẻ là phí phạm.

Tuy nhiên, nếu thực sự muốn cho ra đời một sản phẩm thành công thì bạn phải chấp nhận hy sinh hàng chục thậm chí hàng trăm mẫu sản phẩm chưa hoàn thiện. Chưa được thì làm lại, hoàn thiện hơn, cải tiến đi. Tôi không biết mình có may mắn không nhưng làm việc ở GROHE, tôi được quyền quyết định một số vấn đề về chính sách. Và vì thế tôi xây dựng một chính sách có lợi cho nhóm thiết kế trong quá trình biến bản vẽ thành sản phẩm. Vì tôi hiểu rằng chỉ có như vậy mới khiến họ không thui chột cảm hứng sáng tạo. Tất nhiên, cũng phải nằm trong mức ngân sách mà hội đồng quản trị chấp nhận được.


Mô hình phòng tắm spa Veris Ambiente do Paul Flowers thiết kế với các sản phẩm sang trọng của GROHE.

Ông có nói rằng khâu tìm hiểu khách hàng và thị trường rất quan trọng trong quá trình các ông thiết kế một sản phẩm. Vậy ông có thể cho biết có sự khác nhau nào không giữa khách hàng châu Á, châu Âu và Mỹ?

- Về cơ bản thì không đâu. Nhưng tiêu chí chung của mọi khách hàng đều hướng tới những điều mà chúng tôi đưa ra như tính thẩm mỹ, sự tiện dụng và thân thiện… Tuy nhiên cũng vẫn có những yếu tố mang tính chất phong tục, văn hoá khác biệt giữa các châu lục. Ví dụ chúng tôi đã xây dựng một hệ thống khảo sát rất chi tiết về tâm lý và cách thức sử dụng phòng tắm và cách tắm của người dân các châu lục khác nhau. Như người Mỹ thường thích phòng tắm rộng trong khi người dân một số nước châu Á chẳng hạn như Nhật Bản lại thường sử dụng phòng tắm khá nhỏ. Hay thói quen khi tắm như nhiệt độ, thời gian, màu sắc v.v. Tất cả đều được khảo sát kỹ để các sản phẩm tìm được chỗ đứng trong những thị trường cụ thể.


Mẫu thiết kế vòi hoa sen này đã đem lại cho Paul Flowers và các cộng sự giải thưởng Reddot danh giá.

Nghe ông trình bày về mẫu vòi hoa sen tôi cảm thấy hơi bất ngờ vì tôi luôn nghĩ chiếc vòi nước thì đơn giản là một thiết bị phun nước chứ làm gì mà phức tạp đến vậy nhỉ?

- À suy nghĩ đó thì đôi khi chính những đồng nghiệp của tôi cũng nói với tôi. Nhưng chúng tôi lại nghĩ khác. Thứ nhất, anh có thấy rằng đi cùng với chiếc vòi hoa sen là những thứ khác như vòi bồn rửa, rồi giá cắm vòi, thiết bị điều khiển nhiệt độ nước, mở rộng ra nữa là các thiết bị được sử dụng trong phòng tắm. Rồi nếu là thiết kế spa tại gia thì có bồn tắm, hệ thống thư giãn v.v. Như vậy chiếc vòi sen này là một sản phẩm cơ bản, nó giống như chủ đề của một căn phòng tắm được thiết kế đẹp mắt vậy.

Điều thứ hai, quan trọng hơn, là bên trong cái vẻ ngoài được chăm chút đẹp đẽ, nó phải có công năng sử dụng vượt trội để người ta phải lựa chọn nó thay vì những chiếc vòi cũng có vẻ ngoài đẹp mắt khác. Chúng tôi có những kỹ sư, chuyên gia phân tích vật lý về chuyển động của dòng nước. Họ tính toán và kết hợp chuyển động tự nhiên của dòng nước với những công nghệ ứng dụng mới nhất nhằm tạo ra cho người sử dụng những dòng nước có hiệu ứng dễ chịu khi tắm. Đó là cả một quá trình nghiên cứu ứng dụng rất kỹ lưỡng. Chính vì thế trước kia slogan của chúng tôi là Water technology – Công nghệ nước, còn nay chúng tôi đổi thành Enjoy water – Hưởng thụ nước.

Và cuối cùng, triết lý thiết kế của chúng tôi là tạo nên những sản phẩm được người sử dụng ưa dùng chứ không phải tạo ra những thứ mình muốn người ta dùng. Đó là những sản phẩm khiến khách hàng yêu chứ không chỉ là thích.

  • Ảnh bên: Biểu tượng triết lý thiết kế của Paul Flowers và cộng sự: hình tròn – sự tiếp xúc giữa các bộ phận, góc nghiêng 7 độ điển hình của mọi sản phẩm mà họ tạo ra cùng với hình ovan mang cảm hứng của mỏng, phẳng và mềm mại. Tất cả các sản phẩm của Paul Flowers thiết kế đều có đầy đủ ba biểu tượng này. 

Dung P.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2876 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  


Loading...