Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Đối thoại Hình thành đô thị nông thôn từ vùng ngập

Hình thành đô thị nông thôn từ vùng ngập

Viết email In

Hiện nay nước lũ đang đổ về vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đây cũng là thời điểm các ngành chức năng triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, di dời dân vào cụm tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ. Những năm trước, mỗi khi lũ về kéo theo nhiều thiệt hại về người và của, nay nhờ chương trình CTDC phát huy tác dụng, đã giúp người dân chủ động sống chung với lũ. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan về hiệu quả của CTDC vượt lũ gắn với mô hình xây dựng nông thôn mới. 

PV: Thưa ông, Đồng Tháp là địa phương được Chính phủ đầu tư xây dựng nhiều CTDC vượt lũ. Chương trình này ra đời đã giải quyết được những gì đối với người dân vùng lũ Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung?

Ông Lê Minh Hoan (ảnh bên): - CTDC vượt lũ là chương trình lớn mà Chính phủ đầu tư nhằm giải quyết chỗ ở cho người dân vùng lũ ĐBSCL có cuộc sống ổn định, an toàn, không phải di dời mỗi khi lũ về; từng bước tiến tới phát triển bền vững trong điều kiện ngập lũ. Từ khi triển khai giai đoạn 1 (năm 2001) đông đảo người dân và các ngành chức năng đã đồng tình ủng hộ, bởi đáp ứng được nguyện vọng của dân, đồng thời chủ động triển khai phương án “sống chung với lũ”, khai thác lợi thế của lũ để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

Tôi đơn cử, như trận lũ lịch sử năm 2000 làm tê liệt cuộc sống bình thường của người dân. Tình hình dịch bệnh, cuộc sống mất an toàn, môi trường ô nhiễm… hết sức phức tạp. Tỉnh phải cho học sinh nghỉ học dài ngày bởi nhiều tuyến giao thông bị lũ chia cắt, rồi chợ ngưng hoạt động, cơ quan nhà nước đóng cửa để chống lũ… thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đau lòng nhất là hàng trăm người chết đuối do lũ, chủ yếu là trẻ em. Trong khi đó, trận lũ lớn năm 2011 vừa qua tình hình diễn biến rất khác. Cuộc sống người dân không xáo trộn, không còn cảnh dỡ nhà chạy lũ ra bờ đê như trước. Ngoài việc sinh hoạt diễn ra bình thường thì người dân còn chủ động sản xuất gần 100.000ha lúa vụ 3 và rau màu mùa lũ, thắng lớn về năng suất lẫn giá cả. Thiệt hại về tài sản giảm mạnh, số người chết đuối do lũ giảm hẳn… Tất cả là nhờ chương trình CTDC vượt lũ phát huy tác dụng, giúp người dân từ chỗ chạy lũ sang thế chủ động chung sống hòa bình với lũ. 

Đồng Tháp đang bố trí dân vào sinh sống thế nào ở các CTDC vượt lũ?

- Đồng Tháp là một trong những địa phương được Trung ương đánh giá cao về kết quả thực hiện chương trình CTDC vượt lũ. Lãnh đạo tỉnh luôn xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên chỉ đạo rất sâu sát. Cụ thể, giai đoạn 1, toàn tỉnh xây dựng xong 204 CTDC đã bố trí hơn 37.000 hộ dân vùng lũ vào sinh sống ổn định. Hiện tại, tỉnh gấp rút thực hiện giai đoạn 2 với 46 CTDC, bố trí hơn 14.000 hộ dân vùng ngập lũ, sạt lở cần phải di dời. Đến nay, có 32 CTDC san lấp mặt bằng trên 92%, cấp điện xong 25 CTDC, 16 CTDC làm xong hệ thống cấp nước và đường giao thông… các địa phương tiến hành xét duyệt cho khoảng 50% tổng số hộ dân vào ở. 

Có thể nói, sau 10 năm triển khai đã hình thành nên những CTDC có điều kiện sống gần như đô thị. Ở Đồng Tháp xuất hiện nhiều thị tứ từ chương trình này ở ngay các vùng thường xuyên bị ngập sâu như cụm dân cư xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh); xã Phú Cường (huyện Tam Nông); xã Định Yên (huyện Lấp Vò); xã Hòa Long và xã Định Hòa (huyện Lai Vung)… Nhiều CTDC ở huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự được quy hoạch bố trí dân ra biên giới như cụm dân cư Giồng Bàn, Giồng Dúi, Gò Cát, Thông Bình… Đặc biệt, Đồng Tháp còn chủ động xây dựng những tuyến dân cư khép kín tạo điều kiện thuận lợi để hình thành nhiều “cánh đồng mẫu lớn” rất hiệu quả. 

  • Ảnh bên: Người dân xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, Đồng Tháp vào ở cụm tuyến dân cư vượt lũ. 

Vấn đề trăn trở hiện nay là việc làm cho người dân để họ ổn định cuộc sống, tránh tình trạng bỏ nhà hoặc sang bán trái quy định. Đồng Tháp đã và đang giải quyết thế nào, đồng thời gắn với phát triển nông thôn mới. 

- Nhìn chung mục tiêu an toàn cho dân vùng lũ đã đạt được, tuy nhiên mục tiêu ổn định và phát triển phải tiếp tục thực hiện. Cần thấy rằng, thói quen của người dân nông thôn là xây nhà trước ruộng, dọc theo sông, kênh… để tiện việc chăm sóc, chăn nuôi, làm thuê… Cũng có hộ làm nhà giữa đồng, sống không tập trung. Từ chỗ người dân tứ xứ với cách sống khác nhau, nay chúng ta bố trí họ vào CTDC với mô hình sống mới nên bước đầu không thể tránh khỏi những bất cập. Do đó, thời gian qua các ngành chức năng trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân từng bước thay đổi tập quán sống từ riêng lẻ sang tập trung, thích ứng với môi trường mới có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Phần lớn người dân đã quen dần và hài lòng với chương trình. 

Tuy nhiên, vấn đề khá quan trọng là tạo việc làm để người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống và phát triển tương lai. Việc này tỉnh đã triển khai nhiều mô hình đào tạo nghề về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích phát triển làng nghề, hoạt động buôn bán, dịch vụ… qua đó hàng ngàn người có việc làm và tới đây cần nỗ lực giải quyết việc làm nhiều hơn nữa. Đồng Tháp sẽ kết hợp CTDC với chương trình xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư cho CTDC toàn diện hơn về hạ tầng, trường, trạm, chợ, dịch vụ, khu vui chơi… biến CTDC thành những điểm đô thị nông thôn khang trang, nhộn nhịp. 

Chương trình CTDC vượt lũ giai đoạn 1 xây dựng khoảng 1.000 CTDC, diện tích 3.000ha, bố trí khoảng 150.000 hộ thuộc 8 tỉnh, thành vùng ngập lũ ĐBSCL có nơi ở ổn định; trong đó Đồng Tháp và An Giang bố trí gần 100% hộ dân vào ở. Giai đoạn 2, đang triển khai xây 178 CTDC, đảm bảo chỗ ở cho 52.000 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở. Hiện giai đoạn 2 đang được các tỉnh, thành ĐBSCL gấp rút thực hiện, cố gắng hoàn thành trong năm 2013. 

Huỳnh Lợi (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1474 khách Trực tuyến

Quảng cáo