Từ nay tới năm 2020, quá trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ được giao trách nhiệm trực tiếp cho các chủ tịch tỉnh, gắn kèm thời hạn phải hoàn thành. Danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường sẽ được công bố công khai cho cộng đồng dân cư để phối hợp giám sát, các cơ sở không xử lý triệt để sẽ bị đình chỉ hoạt động. Mức phạt cao nhất cho các cơ sở này lên tới 2 tỉ đồng.
Đây là những thông tin thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị Triển khai xây dựng Dự thảo khung kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 ngày 13/9, tại Hà Nội.
Thứ trưởng cho biết tính cấp thiết của dự thảo lần này? Chúng ta đã hoàn thành giai đoạn 1 (2003 – nay) với 84% cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoàn thành việc thực hiện. Có những vấn đề gì phải rút kinh nghiệm từ giai đoạn này cho giai đoạn tiếp theo?
Ông Bùi Cách Tuyến (ảnh bên): - Danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã thống kê đi kèm phụ lục văn bản 64 do Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2000 – 2002 đến nay đã mười mấy năm. Ô nhiễm môi trường cũng gia tăng theo đà phát triển nhanh của nền kinh tế và đầu tư của doanh nghiệp nên cần thiết có những rà soát, thống kê và xử lý tiếp.
Qua hơn chín năm triển khai thực hiện, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (2003 – 2007), có 370 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý (chiếm 84,3%). Trong 3.856 cơ sở (2008 – 2012) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến nay chỉ còn 372 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
Ở giai đoạn vừa qua chúng ta chưa có sự phối hợp hoàn hảo giữa các địa phương. Thứ hai là ý thức của các chủ doanh nghiệp chưa cao, kể cả các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và các cơ sở công ích. Thứ ba là có vướng mắc về mặt thể chế, nguồn lực tài chính. Thứ tư là khó khăn về kinh phí để đưa vào duy tu, bảo dưỡng hệ thống tránh ô nhiễm…
Thứ trưởng có thể cho biết nội dung cụ thể của kế hoạch lần này?
Sẽ có trợ cấp với người lao động mất việc: với cơ sở thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất hay dừng hoạt động người lao động sẽ được trợ cấp mất việc, đào tạo lại nghề. – Chủ cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư vốn để xử lý ô nhiễm do mình gây ra, sẽ được xem xét vay vốn từ quỹ Bảo vệ môi trường. – Có chính sách ưu đãi, miễn thuế thu nhập cho các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tiếp cận công nghệ sạch, thân thiện môi trường. (Dự thảo khung Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020) |
- Ở giai đoạn từ nay tới 2015, chúng tôi sẽ phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được rà soát tới năm 2012 và lộ trình xử lý dựa trên báo cáo của các địa phương. Hiện đã có 25 địa phương báo cáo. Trong quá trình xử lý sẽ giao trực tiếp nhiệm vụ cho chủ tịch UBND các tỉnh, gắn liền với các biện pháp và thời gian để hoàn thành việc xử lý cơ sở đó. Buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải áp dụng các biện pháp tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương để kiểm tra, theo dõi, công bố công khai cho cộng đồng dân cư cùng phối hợp giám sát; định kỳ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương tiến độ xử lý.
Giai đoạn 2016 – 2020, sẽ kiểm soát, ngăn chặn việc phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các bộ, ngành và địa phương, thanh tra, kiểm tra, quyết định tạm đình chỉ, cấm hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành tiến độ xử lý triệt để. Tổ chức cưỡng chế thực hiện đối với các trường hợp không nghiêm chỉnh thực hiện các quyết định tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động.
Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (TP.HCM) thường xuyên thải lén chất thải ra sông Đồng Điền.
Trong dự thảo khung thì từ năm 2016 – 2020 trở đi chúng ta mới ra các biện pháp cấm hoạt động, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, tại sao không áp dụng ngay từ bây giờ?
- Việc chấp hành các bộ luật khác nhau để giải quyết một trường hợp cụ thể tại địa phương có nhiều cái phải quan tâm cân nhắc. Ví dụ, nếu xử lý triệt để một xí nghiệp hàng ngàn người, ngàn người này sẽ thất nghiệp ảnh hưởng tới gia đình họ. Việc giải hàm đa biến phải cân nhắc trên từng biến số để ra quyết định. Ngoài ra, đây là việc liên quan tới nhiều bộ luật khác nhau, khi áp dụng luật Môi trường còn liên quan tới luật Đầu tư, luật Thương mại, luật Điện lực, bởi vậy cho nên phải giải quyết cho thoả đáng các yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường.
Đối với những doanh nghiệp không thực hiện triệt để việc xử lý sẽ có chế tài gì để tăng cường tính răn đe, thưa thứ trưởng?
- Sau khi nghị định 117 về xử phạt trong lĩnh vực môi trường ra đời, mức phạt đã cao hơn gấp bảy lần so với trước đây, góp phần trong việc giải quyết các cơ sở chây ỳ, không có giải quyết ô nhiễm do họ gây ra. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua luật Xử lý vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mức phạt trong thời gian tới với lĩnh vực môi trường lên tới 2 tỉ đồng. Các địa phương cho rằng đây là mức phạt phù hợp để tránh tình trạng nhiều cơ sở thấy kinh phí phải bỏ ra để xử lý ô nhiễm quá lớn trong khi mức phạt quá thấp nên họ đồng ý chấp nhận chịu phạt, việc phạt không có ý nghĩa gì với họ.
Dư luận lo ngại mức phạt cao là nguyên nhân gây ra tiêu cực trong thanh, kiểm tra ngành môi trường. Trong quá trình thanh kiểm tra đã bao giờ bộ nhận được phản hồi tiêu cực của doanh nghiệp hay không?
- Vấn đề này bao giờ cũng có hai mặt, thanh tra của tổng cục Môi trường không có xử phạt trực tiếp. Chúng tôi đi những đoàn phối hợp với Cảnh sát môi trường, sở tài nguyên và môi trường các địa phương, khi phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản và quy định mức phạt, chuyển giao cho UBND các địa phương giải quyết. Về phía quản lý nhà nước chúng tôi chỉ chấp nhận khiếu nại các trường hợp có văn bản, chữ ký, đóng dấu còn bên ngoài thì không xử lý. Việc thanh kiểm tra ở các địa phương nếu doanh nghiệp không đồng ý có thể khiếu kiện tại hệ thống toà án.
Thanh Tuyền (ghi)
- Tạm dừng dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM
- Nhạc sỹ Dương Thụ: "Đây là một Hà-Nội-Khác"
- Xoá quy hoạch treo sẽ giải phóng một nguồn lực lớn cho xã hội
- Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - phỏng vấn giám đốc Ban quản lý dự án
- Đầu tư PPP: Cần nhưng chưa vội
- Việc trùng tu chùa Trăm Gian: Làm sao để tránh “vết xe đổ”?
- Thay đổi cách làm quy hoạch để phát triển đô thị bền vững
- Tai họa lớn đối với Di sản Việt Nam!
- Hình thành đô thị nông thôn từ vùng ngập
- Chấm dứt quy hoạch "treo" đất lúa