Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Đối thoại Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - phỏng vấn giám đốc Ban quản lý dự án

Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - phỏng vấn giám đốc Ban quản lý dự án

Viết email In

Bất chấp phản ứng của công luận, Bộ Xây dựng vẫn kiên trì triển khai dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia với kinh phí dự kiến lên tới 11.277 tỉ đồng, tuy chưa thể khởi công dự án trong năm nay. Để có cái nhìn khách quan, đa chiều về một sự kiện mà dư luận đặc biệt quan tâm, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 


Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thiết kế của Nikken Sekkei Ltd. (nguồn: Ashui.com)  

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến dự án xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Vậy ông cho biết, kế hoạch triển khai dự án đến đâu? 

Ông Nguyễn Quang Nam: - Việc triển khai dự án xây dựng bảo tàng quốc gia được quy định tại quyết định 281QĐ-TTg 2006 ngày 19/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án do Bộ Văn hóa Thông tin đệ trình. Thường, dự án bảo tàng lịch sử quốc gia do Bộ Văn hóa làm chủ đầu tư. Nhưng khi ấy, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thấy dự án lớn nên đã đề nghị giao lại cho Chính phủ, Chỉnh phủ đã giao cho Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. 

Ngày 18/1/2007, Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định phiên họp đầu tiên của ban chỉ đạo nhà nước chỉ đạo thành lập ban quản lý dự án. Theo kết luận buổi họp thứ nhất, ban quản lý dự án tổ chức thi tuyển kiến trúc lựa chọn phương án. Sau khoảng hai tháng triển khai thì có 18 phương án thiết kế dự thi và ban tổ chức đã lựa chọn phương án thiết kế của Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) để tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. 

Năm 2008, khi đất nước gặp khó khăn về kinh tế, một số dự án bị giãn, hoãn tiến độ do cắt giảm đầu tư công. Và công trình xây dựng bảo tàng quốc gia cũng nằm trong số đó; mặc dù trước đó, dự án đã từng được xác định là xây dựng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và được chính phủ cấp kinh phí để thực hiện công tác chuẩn bị đầu đầu tư. 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia có 4 hạng mục chính, xây dựng tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Hà Nội). Diện tích sử dụng đất của bảo tàng là 10 ha, trong đó diện tích xây dựng công trình khoảng 30.000 m2, diện tích trưng bày ngoài trời khoảng 30.000 m2, diện tích dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng khoảng 10.000 m2, diện tích cây xanh, sân vườn, đường giao thông nội bộ khoảng 30.000 m2. 

Mặc dù dự án bị đình hoãn và giãn tiến độ nhưng vẫn phải tiến hành đàm phán hợp đồng. Và ngày 10/10/2008, Bộ Xây dựng tham gia tổ đàm phán hợp đồng, cho tới cuối năm 2009 được sự chấp thuận của Chính phủ, Ban quản lý dự án đã ký hợp đồng với Công ty Nikken Sekki để thực hiện công tác tư vấn và thiết kế xây dựng công trình. Tháng 11/2011 dự án được công ty tư vấn hoàn chỉnh. 

Tuy nhiên, do một lần nữa do điều kiện kinh tế khó khăn và phải tiếp tục hoàn thiện thêm một số thủ tục pháp lý, vì vậy tới thời điểm này, Bộ Xây dựng mới có thể trình và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định để trình Chính phủ xem xét phê duyệt. 

Việc thẩm định dự án là một công việc bình thường trong tiến trình đầu tư xây dựng để kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Nếu được phê duyệt, do còn phải thiết kế kỹ thuật và lập tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu nên dự án chưa thể khởi công vào cuối năm nay, mà nhanh nhất cũng phải vào quí 4 năm 2013. 

Nhiều ý kiến cho rằng tại thời điểm kinh tế khó khăn, liệu có cần thiết xây dựng công trình quy mô lớn như vậy? 

- Việc xây dựng là cần thiết. Dự án được phê duyệt cũng không có nghĩa là phải xây ngay trong năm nay. Chúng ta không nên vì điều kiện khó khăn mà bàn về việc không xây, mà nên bàn kỹ để xây thế nào cho hiệu quả. Những phản hồi của người dân trên các báo vừa qua cũng cho thấy sự cần thiết phải có công trình này. 

Điều quan trọng nhất là chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt nhất, kỹ lưỡng nhất để khi tiến hành khởi công, xây dựng sẽ đạt được hiệu quả cao nhất. 

Bảo tàng hiện đại, ngoài chức năng là tổ chức lưu giữ trưng bày, phát huy giá trị thì nó còn là nơi để nghiên cứu, giám định cổ vật, tái tạo cổ vật; là nơi tuyên truyền giáo dục về lịch sử, văn hóa… Và bảo tàng lịch sử quốc gia được xây dựng để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên. 

Như vậy, chuyện xây dựng bảo tàng là cần thiết, nhưng chuyện có cấp thiết ở thời điểm này hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và chắc chắn điều kiện kinh tế xã hội cũng là một yếu tố quan trọng. 

Khi xác định là nó cần thiết, thì để đảm bảo nó đạt chất lượng tốt nhất thì nên dành cho nó một quỹ thời gian nhất định. Khi kinh tế khó khăn, chúng ta nên dành thời gian chuẩn bị kỹ hơn sâu hơn để đến khi đủ điều kiện khởi công thì chúng ta có thể xây dựng một cách nhanh nhất vừa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ xây dựng, vừa sử dụng hơp lý nguồn vốn đầu tư. 


Ông Nguyễn Quang Nam (bìa trái) - giám đốc Ban QLDA trao đổi với các tư vấn tại Lễ khai mạc cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Bảo tàng lịch sử Quốc gia, ngày 05/6/2007
(nguồn: PMUNMH) 

Dư luận cho rằng, chi phí đầu tư cho công trình này là quá lớn, thưa ông? 

- Tổng mức đầu tư 11.277 tỉ đồng là bình thường so với quy mô công trình do yêu cầu cả về mặt công năng sử dụng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước hết, bảo tàng lịch sử không phải là công trình xây lên rồi đập đi xây lại nên phải tính đến điều kiện tồn tại lâu dài hơn các công trình thông thường khác, thậm chí nó có thể tồn tại hàng trăm năm để trở thành một di sản văn hóa của dân tộc. Thứ hai, nếu tính trên suất đầu tư thì công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng là bình thường nếu so sánh với các dự án Bảo tàng xây mới của các quốc gia trên thế giới. 

Làm thế nào để có một con số tổng mức đầu tư như trên? 

- Tại tờ trình Bộ Xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tổng mức đầu tư dự án được xác định là 11.277 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư này được lập căn cứ trên thiết kế cơ sở và dự án đầu tư, trong đó đã bao gồm cả khoản dự phòng phí tính đến khả năng trượt giá cho đến khi kết thúc đầu tư. Tuy nhiên, con số đó đã gần với thực tế nhất.

Quá trình thực hiện dự án có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, khi mới nói chuyện công trình xây dựng thì nói dự án ước khoảng chừng bằng này bởi chưa biết quy mô cụ thể và thời giá ra làm sao. Đến giai đoạn có được thiết kế cơ sở, cụ thể là đưa ra giải pháp chủ yếu về kỹ thuật như công nghệ, diện tích sàn … trên cơ sở đó đưa ra tổng mức đầu tư. Giai đoạn tới, tức là khi có thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công chi tiết, chúng ta sẽ đưa ra con số chính xác hơn. Con số ấy được gọi là dự toán, với điều kiện nó phải ở dưới mức của tổng mức đầu tư.

Hiện tại, một số bảo tàng của ta được xây dựng xong nhưng lại không có hiện vật trưng bày đồng nghĩa với việc để trống, gây lãng phí. Một số người cho rằng, nguyên do đó phải chăng là hiện vật của ta còn nghèo nàn, cộng với sự thiếu kết hợp giữa bộ phận xây dựng bảo tàng và bô phận lo nội dung? Vậy, khi hình thành bảo tàng, liệu có e ngại rơi vào tình trạng trên? 

- Theo tôi biết, hiện tại hiện vật của bảo tàng lịch sử Quốc gia vẫn phải mang đi gửi các cơ quan khác, nước khác. Số hiện vật đang trưng bày của chúng ta là rất ít, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số hiện vật ta có. 

Thứ hai, nếu nói chúng ta thiếu sự phối kết hợp giữa Ban quản lý xây dựng bảo tàng với Ban quản lý xây dựng nội dung là không đúng. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang kết hợp để thực hiện cùng một lúc việc xây dựng phần “vỏ” và cả phần “ruột”. 

"Việc xây dựng là cần thiết. Dự án được phê duyệt cũng không có nghĩa là phải xây ngay trong năm nay. Chúng ta không nên vì điều kiện khó khăn mà bàn về việc không xây, mà nên bàn kỹ để xây thế nào cho hiệu quả". 

- Ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia 

Cụ thể lý do vì sao tiến độ dự án tới thời điểm này mới đang ở mức thiết kế cơ sở cũng bởi chúng tôi sau khi có phương án thiết kế kiến trúc phải bàn giao đển Ban xây dựng nội dung và hình thức trưng bày sử dụng làm cơ sở để lập đề cương trưng bày tổng quát. Khi đề cương này được phê duyệt thì ban nội dung và hình thức trưng bày lại giao lại để chúng tôi đưa Nikken Sekkei nghiên cứu làm cơ sở thiết kế kỹ thuật. sắp tới đây nếu được phê duyệt thì chính tôi lại bàn giao thiết kế cơ sở để ban xây dựng nội dung và hình thức trưng bày giao cho nhà thầu tư vấn thiết kế trưng bày triển khai và phối hợp với chúng tôi trong quá trình thiết kế kỹ thuật. Thi tuyển lựa chọn phương án kiến trúc và nhiệm vụ thiết kế công trình; đấy là chưa kể chúng tôi phải thường xuyên phối hợp và hội thảo trong quá trình xây dựng.

Ngay kinh phí được bố trí cũng phải phân bổ để hai bên thực hiện nhiệm vụ của mình. Ví dự như năm 2011, cuối tháng 11 dự án được bố trí 46 tỉ đồng. mặc dù trước đó trong suốt năm 2010 dự án không được bố trí vốn nhưng khi được cấp vốn ban quản lý cũng đã chia một phần khoản vốn đó để ban nội dung trưng bày dùng để chi trả cho các công việc đã làm trước đó. Đến năm 2012, dự án được cấp 30 tỉ đồng, thì đã phân bổ cho Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch 14 tỉ đồng để lo việc nội dung trưng bày.

Như vậy, không thể nói, không có sự phối kết hợp giữa Ban quản lý dự án với phía phụ trách nội dung trưng bày. 

Thoa Nguyễn (TBKTSG / thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2336 khách Trực tuyến

Quảng cáo