Nghị quyết 16 ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 cho phép TPHCM thí điểm triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Cơ cấu tổ chức mô hình chính quyền đô thị được TPHCM đề xuất lần này như thế nào? Người dân được lợi gì từ mô hình quản lý mới? TPHCM giải quyết bài toán về con người như thế nào để đáp ứng mô hình chính quyền đô thị… là những vấn đề được phóng viên đặt ra tại cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí.
Cơ chế đang “nén” TPHCM nhiều mặt
"Cơ thể quá lớn trong chiếc áo quá chật” là hình ảnh ví von về cơ chế, chính sách hiện hành không phù hợp với quy mô, đặc điểm của một đô thị đặc biệt như TPHCM. Dưới góc độ là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị cho TPHCM, ông có thể phân tích rõ hơn về những bất cập này?
Phó Chủ tịch Lê Minh Trí (ảnh bên): TPHCM hiện có hơn 10 triệu dân thực tế và khoảng 80.000 người nước ngoài thường xuyên sống, làm việc, học tập nhưng mô hình cơ chế quản lý của TPHCM cơ bản giống các tỉnh thành trong cả nước. TPHCM mỗi năm thu thuế trên 200.000 tỷ đồng với nguồn thu gấp 10-15 lần so với 1 tỉnh nhưng bộ máy thu thuế chưa bằng 1,5 lần 1 tỉnh. Có những xã như Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) dân số trên 70.000 người với tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô, tính chất địa bàn như một phường hoàn chỉnh nhưng bộ máy, nhân sự, cơ chế chính sách quản lý vẫn là một xã của 5.000 - 10.000 dân. Có trường hợp như phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) trên 100.000 dân nhưng bộ máy nhân sự quản lý cũng như một phường 20.000 hoặc 30.000 dân.
Một vấn đề nữa là các hoạt động kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân trong đô thị khác với địa bàn nông thôn nhưng chính quyền địa phương chưa được trao các công cụ quản lý phù hợp. Điểm qua một vài lĩnh vực để thấy cơ chế chính sách hiện hành đang “nén” TPHCM trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt là địa bàn ngoại thành và các quận ven.
Cơ cấu tổ chức mô hình chính quyền đô thị mà TPHCM đề xuất Trung ương lần này có gì khác biệt so với trước, thưa Phó Chủ tịch?
- Trung ương có xem xét chấp thuận cho TPHCM mở rộng thẩm quyền, phân cấp trên một số lĩnh vực, cho phép thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời Chủ tịch UBND; tăng thêm chức danh Phó Chủ tịch UBND ở một số quận - huyện, phường - xã, thị trấn có quy mô dân số đông; thành lập công ty đầu tư tài chính… đã mang lại kết quả thiết thực, phát huy được nguồn lực, thế mạnh, tăng tính chủ động hơn cho TP. Song, đây cũng chỉ là những biện pháp tình thế, chưa phải là giải pháp căn cơ mà cần tiếp tục đổi mới toàn diện cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tương ứng với tính chất và quy mô của nó.
- Ảnh bên: Một góc trung tâm TPHCM (Ảnh: Diễm Thy)
Ngày 10/8/2012, Bộ Chính trị lại có Nghị quyết số 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 cho phép TPHCM thí điểm triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho TP phát huy thế mạnh, lợi thế của mình để phát triển nhanh, bền vững. Lần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 này sẽ là cơ hội “vàng” để TPHCM kiến nghị thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Cần nói rõ hơn, TPHCM không kiến nghị mô hình quản lý riêng cho mình, mà là một trong những nơi cung cấp tư liệu cho Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Mô hình chính quyền đô thị được hiểu là có nhiều cấp đô thị khác nhau thì cấp nào mô hình tương ứng với cấp đó. Mục đích là tạo sự năng động, tăng tính tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm để phát huy tối đa thế mạnh của địa phương đó, suy cho cùng cũng để thúc đẩy sự phát triển chung cho cả nước.
Mô hình Chính quyền đô thị kiến nghị năm 2012 khác với năm 2007 ở 2 điểm: TPHCM có 2 cấp chính quyền hoàn chỉnh (có HĐND và UBND), gồm cấp TPHCM và cấp TP vệ tinh (hay TP khu vực) trực thuộc TPHCM và không tổ chức HĐND xã, thị trấn.
- Ảnh bên: Dùng dấu vân tay kiểm tra thông tin và đăng ký giao dịch sao y, nhà đất, hộ tịch... tại UBND phường Bến Thành, quận 1, TPHCM (Ảnh: Kim Ngân)
Con người: Yếu tố quyết định
Mô hình mới được phân cấp, phân quyền mạnh hơn cũng đòi hỏi bộ máy phải tương xứng, đáp ứng yêu cầu mới. Trong khi đó, còn khá phổ biến tình trạng cán bộ vô cảm với dân, nạn nhũng nhiễu, tiêu cực như đang là một thách thức lớn. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, dù là mô hình quản lý nào, cơ chế chính sách tốt đẹp đến đâu nhưng không chọn lựa được cán bộ tương ứng trong từng đơn vị, từng cấp, từng ngành mà đặc biệt là người đứng đầu, thì cũng khó đạt được mục tiêu đề ra. Con người mang yếu tố quyết định! Nếu người đứng đầu có cái tâm, trí tuệ, tài năng, chuyên môn, bản lĩnh và hơn hết là thấy trách nhiệm của mình đối với nhân dân thì chắc chắn sẽ lãnh đạo cơ quan đó tốt. Trong khi đó, cán bộ mình hiện nay tuy có những mặt tiến bộ nhưng so với yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân hiện nay thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Do vậy, với mô hình quản lý mới, vấn đề đánh giá cán bộ, đào tạo, lựa chọn cán bộ tương ứng cũng là một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra.
Vậy người dân sẽ được lợi gì từ mô hình quản lý mới?
- Mô hình chính quyền đô thị hạn chế tình trạng cắt khúc trong hệ thống chính quyền; bộ máy hành chính được tinh gọn đến mức tối đa; giảm bớt tình trạng họp hành. Người thủ trưởng đô thị có quyền quyết định nhanh và tức thì các vấn đề của một đô thị, trong đó bao gồm những vấn đề bức xúc, dân sinh. Nhà nước chỉ làm chức năng quản lý, đề ra chính sách hợp lý, còn huy động người dân tham gia phát triển thành phố. Tóm lại, mô hình mới này sẽ được phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn để phát huy tối đa lợi thế của đô thị. Sự phát triển này suy cho cùng cũng nhằm phục vụ nhân dân.
Chính quyền đô thị cấp TPHCM đề xuất xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị và có nhiều đô thị bên trong một đô thị. Về cơ cấu được tổ chức thành 2 cấp chính quyền hoàn chỉnh: cấp TPHCM và cấp đô thị trực thuộc TPHCM. Bộ máy chính quyền đô thị (TPHCM và các đô thị trực thuộc TPHCM) 1 cấp gồm có cơ quan dân cử (HĐND) và cơ quan hành chính (Ủy ban hành chính) thuộc hệ thống hành pháp, là một hình thức của chính quyền địa phương. Trong đó, TPHCM gồm 13 quận nội thành cũ (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú). 4 khu đô thị trực thuộc (hoặc gọi thành phố) gồm: Đông, Nam, Tây, Bắc. Mỗi khu là một cấp chính quyền đô thị, trực thuộc chính quyền đô thị TPHCM. Trong đó, Khu đô thị Đông (hay TP Đông) gồm: quận 2, 9, Thủ Đức. Khu đô thị Nam (hay TP Nam) gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, điều chỉnh một phần diện tích quận 8 (phần phía Nam kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh. Khu đô thị Bắc (hay TP Bắc) gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn. Khu đô thị Tây (hay TP Tây) bao gồm địa bàn chính của quận Bình Tân, cùng điều chỉnh một phần diện tích của quận 8 và một phần diện tích huyện Bình Chánh. Địa bàn nông thôn trong đô thị bao gồm 3 huyện: Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ. Vai trò của thủ trưởng cơ quan hành chính chính quyền đô thị được nâng cao, tăng quyền quản lý điều hành, thiết lập chế độ thủ trưởng rõ nét hơn. Chính quyền đô thị được tự chủ ngân sách. Tăng cường phân cấp của Chính phủ cho chính quyền đô thị. Bộ máy tổ chức được thiết kế theo đặc điểm địa bàn đô thị, đảm bảo chức năng nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của cộng đồng dân cư và lãnh thổ, không bị giới hạn về địa giới hành chính do chính mình đặt ra. |
Vân Anh (thực hiện)
- Kiểm tra các dự án nhà ở giảm giá: Làm khó thị trường
- Luật Đất đai: Khung giá đất sẽ được tăng dày các vùng giá trị
- TPHCM: Siết chặt kiểm tra sau quy hoạch
- Ông Hồ Nghĩa Dũng: "Hầm đèo Cả được thiết kế phù hợp với đường cao tốc Bắc - Nam"
- Phát triển du lịch là bảo tồn và phát huy giá trị di sản
- Tạm dừng dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM
- Nhạc sỹ Dương Thụ: "Đây là một Hà-Nội-Khác"
- Xoá quy hoạch treo sẽ giải phóng một nguồn lực lớn cho xã hội
- Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - phỏng vấn giám đốc Ban quản lý dự án
- Đầu tư PPP: Cần nhưng chưa vội