Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại Đầu tư PPP: Cần nhưng chưa vội

Đầu tư PPP: Cần nhưng chưa vội

Viết email In

TP HCM vừa đề xuất thí điểm 4 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP nhưng không được Bộ Kế hoạch - Đầu tư chấp thuận vì nhiều lý do. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Xuân Cường - Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng, Bộ cần mạnh dạn cho các cho địa phương quyền chủ động triển khai thí điểm các dự án đầu tư PPP. 

PPP từng được kỳ vọng là hình thức đầu tư thu hút tư nhân tham gia, song do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện nên 20 dự án đề xuất đầu tư theo hình thức này triển khai rất chậm. Thậm chí nhiều dự án vẫn giậm chân tại chỗ dù Thủ tướng đã có Quyết định (QĐ) 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP gần 2 năm nay.  

Trong những năm gần đây, có một số dự án lớn tại TP đã nhận được sự hợp tác hỗ trợ rất tích cực từ phía TP theo các hình thức BOT, BT... Tuy nhiên, DN khối tư nhân vẫn cho rằng họ luôn bị đối xử thiếu công bằng, quan điểm của ông về vấn đề này ? 

Ông Bùi Xuân Cường (ảnh bên): - Tôi cho rằng các DN khối tư nhân hoàn toàn được đối xử công bằng khi tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT trên địa bàn TP HCM. Thực tế, triển khai các hợp đồng BOT, BT trong những năm vừa qua, cũng như các hợp đồng đang triển khai hiện nay thì đa số các nhà đầu tư không phải là DNNN. Mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền của TP và các DN trong quá trình thực hiện dự án đều thông qua quá trình ký kết và quản lý, thực hiện hợp đồng BOT, BT rất công bằng, minh bạch. 

Được biết TP HCM là một trong hai địa phương của cả nước được chọn thí điểm dự án PPP, vậy ông có thể cho biết TP sẽ chọn thí điểm bao nhiêu dự án? Hình thức để DN tham gia các dự án này như thế nào ? 

- Triển khai Quyết định (QĐ) 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP HCM và một số địa phương khác trong cả nước đã đề xuất thực hiện thí điểm một số dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để Bộ KH - ĐT xem xét. Một trong các tiêu chí quan trọng để lựa chọn dự án thí điểm là dự án có khả năng hoàn trả vốn cho nhà đầu tư từ nguồn thu hợp lý từ người sử dụng. Vì vậy, về lĩnh vực hạ tầng giao thông, TP đã đề xuất có 4 dự án là: mở rộng QL 22 (đường Xuyên Á), xây dựng các tuyến đường bộ trên cao số 1, 2, 4. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư các dự án này đều rất lớn, trong khi nguồn hoàn vốn từ thu phí người sử dụng chỉ chiếm tỉ trọng từ 10-20% chi phí xây lắp nên cả 4 dự án này không được đưa vào danh mục thí điểm PPP. 

Hiện nay, theo sự thống nhất của Bộ KH - ĐT, UBND TP HCM đang cho thành lập Tổ công tác nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định thu hút đầu tư theo hình thức PPP. Trong đó, trọng tâm gồm: thu hút đầu tư về lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, chống ngập nước, phát triển đô thị, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Tổ công tác này sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng các đề án về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn TP theo hình thức PPP, đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách mới, trình UBND TP trong thời gian tới. 

Trong bối cảnh khó khăn chung của các DN hiện nay, TP sẽ có những cơ chế ưu đãi nào dành cho DN trong quá trình thực hiện dự án PPP ? 

- Hiện cả nước nói chung và TP HCM nói riêng chưa có một dự án PPP đúng nghĩa thuộc lĩnh vực GTVT. Vì vậy, các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo hình thức này chắc chắn sẽ được nghiên cứu, ban hành trong thời gian tới. Theo tôi, các nghiên cứu tháo gỡ khó khăn vướng mắc chủ yếu theo hướng cơ quan nhà nước sẽ tham gia đầu tư một phần kinh phí trong tổng mức đầu tư của dự án, nhất là về giải phóng mặt bằng, tháo gỡ một số thủ tục hành chính làm chậm quá trình đầu tư; Hỗ trợ nhà đầu tư (NĐT) tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; Hỗ trợ NĐT một phần lãi suất vay… 

Đã có một số dự án triển khai na ná PPP tại TP HCM như cầu Phú Mỹ, cao tốc TP HCM - Trung Lương... nhưng trong quá trình triển khai cũng gặp không ít vướng mắc, chẳng hạn như cao tốc TP HCM - Trung Lương có nguy cơ ế ẩm vì xe tải, container đi quốc lộ 1A, cầu Phú Mỹ thì bị DN dọa trả lại... Theo ông, làm thế nào để các dự án PPP hạn chế những vướng mắc trên ? 

Cần mạnh dạn giao cho UBND các tỉnh, thành chủ động triển khai thí điểm các dự án đầu tư PPP. Từ đó, sẽ có cơ sở để xây dựng, ban hành đạo luật về PPP. 

- Qua quá trình tham gia đàm phán theo dõi, quản lý các hợp đồng BOT, BT, tôi thấy rằng trong điều kiện hiện nay không tránh khỏi các vướng mắc trong quá trình triển khai các hợp đồng này. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng, cả khách quan và chủ quan, nhất là trong điều kiện các văn bản pháp luật về BOT, BT, PPP chưa phù hợp với thực tiễn. Theo tôi có một số yếu tố cần quan tâm và có vai trò quan trọng. 

Trước hết, dự án phải được nghiên cứu, chuẩn bị thật đầy đủ, toàn diện để có một dự án thực sự khả thi, nhất là về kỹ thuật, phương án tài chính để đảm bảo huy động được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, nhất là vốn từ người dân và hoàn vốn hiệu quả. Tiếp theo là phải lựa chọn được NĐT thực sự có năng lực, đặc biệt là năng lực tài chính. Hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và NĐT phải được đàm phán rất chi tiết, đầy đủ, dự trù được các tình huống phát sinh và cách thức giải quyết, chế tài sau này. Các bên phải có trách nhiệm cao trong quản ly.  

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Để có sự công bằng trong đầu tư PPP cần phải có Luật đối tác công - tư. Ông nghĩ gì về điều này? 

- Tôi rất tán thành với ý kiến này. Bởi theo tôi, Luật công tư đối tác công tư là vô cùng cần thiết. PPP là một hình thức xã hội hóa đầu tư, nguồn lực này chỉ có thể huy động bằng chính sách và cơ chế mang tính đột phá đủ sức hấp dẫn tư nhân đầu tư, xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho quá trình xây dựng, triển khai thực hiện và sự vận hành của dự án đầu tư.Trong điều kiện chưa có khung pháp lý đầy đủ về mô hình PPP như hiện nay, trong khi QĐ 71/2010/QĐ-TTg đã có gần 2 năm nay nhưng thực sự chưa phát huy được. Tôi cho rằng cần phải mạnh dạn giao cho UBND các tỉnh, thành đặc biệt là TP HCM chủ động triển khai thí điểm các dự án đầu tư PPP. Từ đó, sẽ có cơ sở để xây dựng, ban hành đạo luật về PPP, đảm bảo luật này thực sự đi vào cuộc sống. 

Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở GTVT đã chuẩn bị bộ máy, nhân lực phù hợp để từng bước triển khai thí điểm mô hình PPP cũng như triển khai rộng rãi sau này. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với UBND TP các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án giao thông đô thị, đảm bảo hài hòa lợi ích DN, người dân và nhà nước. 

Nguyễn Thành (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3493 khách Trực tuyến

Quảng cáo