Đúng thời điểm Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), vụ việc ở trạm BOT Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) lại nóng lên(1).
Theo thông tin từ báo chí, Công ty cổ phần Xây dựng công trình 545 là chủ đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km947 – Km987 tỉnh Quảng Nam theo hợp đồng BOT. Trạm thu phí đặt tại Km943 + 975, thu phí hoàn vốn từ năm 2016. Thời gian đầu, nguồn thu tương đối ổn định, bảo đảm thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay theo đúng phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Việc ký kết hợp đồng PPP hiện nay còn bất cập với các điều khoản chưa công bằng cho khu vực tư nhân. (Ảnh: H.P)
Trước lúc triển khai dự án, nhà đầu tư đã làm việc với địa phương về vị trí đặt trạm thu phí và địa phương đã thống nhất đặt trạm xa khu dân cư. Tuy nhiên, từ năm 2017, địa phương cho phép xây dựng các khu dân cư mới quanh trạm dẫn đến việc các phương tiện giao thông rẽ vào đường ngang dân sinh trong các khu dân cư để tránh trạm thu phí. Lưu lượng xe qua trạm sụt giảm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án, không đủ để trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng. Lo ngại “vỡ” phương án tài chính, chủ đầu tư nhiều lần đề xuất đóng dải phân cách ở hai đầu trạm thu phí BOT nhưng không được giải quyết do người dân sống ở hai bên trạm không đồng tình.
Mới đây, doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng đặt biển cấm xe con, xe khách và xe tải đi vào khu dân cư… Chưa biết sự việc khi nào mới được xử lý dứt điểm một cách hợp tình hợp lý, nhưng có thể đoán rằng chủ đầu tư sẽ không còn mặn mà, hào hứng với BOT nữa.
Câu chuyện của BOT Điện Thắng Trung gợi nhớ đến chia sẻ của PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, trường Đại học Fulbright Việt Nam. Ông cho biết, có 12 tình huống có thể phát sinh rủi ro khi nhà đầu tư tham gia dự án hợp tác công – tư (PPP).
Trong đó, 10 tình huống chưa có phương án xử lý hoặc cách giải quyết chưa triệt để. Hiện cũng có tám dự án BOT thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT gặp vướng mắc, nhiều năm trôi qua vẫn chưa chốt được giải pháp tháo gỡ, khiến chủ đầu tư điêu đứng.
Chính những rủi ro không được chia sẻ hoặc chậm được chia sẻ này đã làm mất đi tính hấp dẫn của PPP. Bằng chứng là những năm gần đây, có rất ít dự án giao thông thu hút được vốn đầu tư tư nhân.
Quay trở lại với dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đang được Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư(2). Dự án này cũng được đề xuất triển khai theo hình thức BOT và có hướng tuyến song hành với quốc lộ 14. Như vậy, dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ ảnh hưởng đến hai dự án đang khai thác theo hình thức hợp đồng BOT trên quốc lộ 14. Đó là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn Cầu 38 – thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn Km817 – Km887, tỉnh Đắk Nông.
Khi cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành được đưa vào khai thác thì sẽ có thêm sự lựa chọn cho người sử dụng, dẫn đến phân lưu lưu lượng phương tiện giao thông, làm giảm doanh thu thu phí của hai dự án BOT nêu trên. Nội dung này trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã đánh giá khá cụ thể; tuy nhiên, việc định lượng mức độ ảnh hưởng chỉ có thể xác định chính xác khi cao tốc này được đưa vào khai thác.
Vì vậy, sau khi cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành được đưa vào sử dụng, cơ quan có thẩm quyền (Bộ GTVT, UBND tỉnh Đắk Nông) sẽ đánh giá cụ thể mức độ phân lưu lưu lượng phương tiện giao thông (tổ chức đếm xe thực tế tại các trạm thu phí) và đề xuất các giải pháp phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên theo hai hướng.
Hướng thứ nhất, kéo dài thời gian thu phí của các dự án BOT nhằm bảo đảm hoàn vốn và lợi nhuận theo hợp đồng đã ký. Hướng thứ hai là báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung vốn nhà nước tham gia dự án BOT nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng. Đây cũng là một trong những giải pháp tổng thể đã được Bộ GTVT hoàn thiện trong Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, đang trình Chính phủ xem xét thông qua để trình Bộ Chính trị cho chủ trương và Quốc hội quyết định.
Những vướng mắc tại các dự án BOT giao thông đã và đang diễn ra là “dữ liệu” quan trọng để các cơ quan chức năng tham khảo nhằm hạn chế tối đa các vướng mắc trong tương lai. Lựa chọn phương án nào cho hai trạm thu phí BOT bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành cũng phải dựa trên nguyên tắc: các bên ngồi lại với nhau để đàm phán, thỏa thuận lại những điều khoản trong hợp đồng nhằm hài hòa giữa việc kinh doanh của các chủ đầu tư và bảo đảm quyền cơ bản của người dân. Chỉ như vậy mới giúp cho PPP hấp dẫn trở lại.
Cẩm Hà
Tham khảo:
(1) https://tuoitre.vn/chu-bot-quang-nam-doi-lap-bien-cam-buoc-tat-ca-xe-phai-vao-tram-thu-phi-20240528165158611.htm
(2) https://thesaigontimes.vn/tinh-kha-thi-cua-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh/
(KTSG Online)
- Ai xây nhà ở xã hội?
- Nỗi lòng thầu phụ
- Giải phóng nguồn lực đất đai
- Hình hài Khu thương mại tự do Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua
- “Bức tử” cây xanh đô thị, giải pháp nào khả dĩ dung hòa các lợi ích?
- Khát vọng đảo sinh thái không khí thải: Chuyện không của riêng chính quyền
- Thách thức trong phát triển đường sắt đô thị ở TP Hồ Chí Minh
- Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
- Kênh đào Funan Techo và vấn đề thay đổi cấu trúc kinh tế ĐBSCL
- Cần thêm nhân sự đa năng giúp phát triển giao thông thông minh