Sau sự việc gác khánh và nhà tổ chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị dỡ bỏ và làm mới hoàn toàn, những câu hỏi đặt ra cấp thiết là có phục hồi được nguyên trạng ngôi chùa cổ? Cơ sở cho việc phục hồi, cũng như liệu có nên đặt ra quy chế quản lý riêng cho các di sản trọng điểm quốc gia để bảo vệ các di tích?
Đó là những vấn đề chúng tôi trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phản ứng chậm
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những sự việc liên quan đến việc tu bổ chùa Trăm Gian vừa qua?
PGS.TS Đặng Văn Bài (ảnh bên): - Việc diễn ra ở chùa Trăm Gian, mà cụ thể là thái độ ứng xử của nhà chùa và xã đối với hai hạng mục là nhà tổ và gác khánh là rất đáng tiếc. Nó vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Nhưng điều tôi băn khoăn là qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy ngỡ ngàng cứ như chùa Trăm Gian mất rồi. Việc 3 hạng mục, nhà tổ, gác khánh và bậc thềm lên tam bảo làm sai sót là một bộ phận cấu thành chùa Trăm Gian thôi chứ không phải toàn bộ chùa bị vi phạm nặng nề.
Điều thứ 2 tôi ngỡ ngàng là thông tin ngôi chùa 1000 tuổi bị trẻ hóa. Tôi có thể đảm bảo rằng cấu kiện của chùa Trăm Gian hiện nay, xưa nhất cũng chỉ 300 năm, có cấu kiện có thể chỉ 100 năm hoặc 50 năm.
Tôi cũng băn khoăn là các thông tin không chỉ rõ xem các điều ấy đã vi phạm điều khoản nào của Luật. Một điều nữa là cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Sở VH,TT&DL phản ứng chậm. Nếu sau khi có thông tin báo chí, cơ quan chức năng phản ứng nhanh hơn nữa, kịp thời mời những người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bảo tồn, trùng tu di tích và những nhà nghiên cứu cùng trao đổi về biện pháp xử lý thì sẽ giảm nhẹ phản ứng của dư luận đi rất nhiều.
Những thông tin chỉ có một chiều làm cho dư luận cực kì bức xúc
Việc làm mới nhà tổ, gác khánh là sai nguyên tắc khi trùng tu di tích, tuy nhiên rõ ràng có thể thấy những cấu kiện cũ đã xuống cấp và hỏng hóc rất nhiều rồi?
- Dù xuống cấp, chúng ta vẫn có thể chống đỡ để chờ xây dựng một dự án hoàn chỉnh. Như chùa Kim Liên, các cấu kiện to hơn, nặng hơn nhiều nhưng chúng tôi chống đỡ 5 - 6 năm liền để chờ thiết kế kỹ thuật và xây dựng dự án hoàn chỉnh rồi mới tiến hành tu sửa.
Nhà chùa cho rằng thờ Phật thì phải mới và đẹp chứ chưa nhận thức được rằng chính kí ức lịch sử, yếu tố nguyên gốc, chi tiết kiến trúc có tuổi mới làm nên giá trị của chùa đó. Đó là sai lầm về nhận thức. Tôi không thể thông cảm trong trường hợp này.
Theo ông, với những cấu kiện cũ đã được dỡ bỏ và chất đống ra đó và việc đã được xây dựng mới, liệu có thể có những cách để khôi phục được hay không?
- Nếu chấp nhận “sự đã rồi” thì sẽ trở thành một tiền lệ rất xấu, gây những hậu quả không tốt.
Việc khôi phục hoàn toàn như cũ thì rất khó, nhưng phải giữ lại những cái đáng giữ. Chúng ta vẫn phải làm theo pháp luật và có khoa học. Cần có một nhóm các nhà khoa học đến tận nơi xếp lại và thẩm định các cấu kiện, xem cái gì đáng giữ lại, cái gì cần thay thế. Với các chi tiết kiến trúc có cấu kiện, có mộng, chúng ta hoàn toàn có điều kiện tái dựng. Cái phải thay thế thì đã có cấu kiện mới mà nhà chùa đã làm.
Hiện nay các ngôi chùa, ngôi đình của ta vẫn có những chi tiết kiến trúc của nhiều giai đoạn trùng tu chứng tỏ cha ông ta khi trùng tu không phải thay mới hoàn toàn như trường hợp gác khánh và nhà tổ chùa Trăm Gian.
- Ảnh bên: Gác khánh chùa Trăm Gian khi được “làm mới” (Ảnh: Lao Động)
Chữa bệnh mà tiết kiệm thuốc thì không khỏi
Việc phục dựng, tu sửa các di trích nhiều công trình dựa trên nguồn vốn xã hội hóa. Có ý kiến cho rằng điều đó dẫn đến mâu thuẫn giữa các bên, không đi được đến quan điểm thống nhất và từ đó dẫn đến di sản bị xâm hại. Quan điểm của ông như thế nào?
- Tôi chưa đồng thuận với quan điểm đó. Chúng ta có 4 vạn di tích đã được kiểm kê, mà hiện nay mới xếp hạng được gần 4.000 di tích. Ngay trong 4.000 di tích được xếp hạng ấy, vẫn buộc phải xã hội hóa công tác bảo tồn vì nguồn lực Nhà nước có hạn. Vấn đề là trong quá trình xã hội hóa ấy vẫn phải tuân thủ theo luật pháp. Chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa, đã có Nghị định hướng dẫn thi hành, đã có Quy chế hướng dẫn tu bổ… Thực hiện những quy định đã có đã giữ được di tích rồi. Khi tu bổ phải khảo sát lập dự án nhưng hiện nay quy trình khảo sát ấy chưa làm thực sự nghiêm túc.
Ở nhiều nước, khi trùng tu di tích, sau khi hạ giải người ta mới xác định cấu kiện nào cần phải gia cố, cấu kiện nào phải thay thế, cấu kiện nào phải giữ lại và từ đó mới lập ra dự án. Cần bao nhiêu tiền người ta bỏ bấy nhiêu tiền để chữa di tích. Chữa bệnh mà lại tiết kiệm thuốc thì không bao giờ chữa khỏi bệnh.
Theo ông, qua việc này có nên đặt ra quy chế quản lý riêng cho các di sản quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng?
- Việc tuyên truyền pháp luật của chúng ta về di sản đi theo từng đợt sóng, không được liên tục. Đối với chùa chiền, trong các “khóa hạ” mà bên Phật giáo tổ chức, ngoài nội dung tu tập về kinh phật phải có nội dung về giáo dục di sản. Bởi các vị trụ trì chính là những người “gác cổng” số một cho di sản.
Phải tăng cường thanh tra, hàng năm với các di tích quốc gia đặc biệt thì Cục Di sản văn hóa phải có người đến ít nhất một lần, các Sở Văn hóa cũng thực hiện như vậy.
Cục di sản văn hóa phải có hướng dẫn về phương thức duy tu bảo dưỡng thường xuyên di sản, như trước mùa mưa phải quét lá trên mái, kiểm tra hệ thống thoát nước, diệt mối mọt… Phải phòng ngừa các nguy cơ mới có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ di tích. Đối với các di tích quốc gia đặc biệt, kế hoạch quản lý, bảo tồn tôn tạo càng phải chi tiết hơn.
Tôi ví dụ các di sản thế giới của Việt Nam, các quan chức UNESCO và Ủy ban Di sản thế giới thường xuyên đi kiểm tra, nhưng họ cũng nhờ các nhà khoa học đi kiểm tra không chính thức bằng con đường du lịch. Hàng năm họ vẫn nhắc nhở, cảnh báo cho các cơ quan quản lý di sản của nước đó. Sau 3 lần cảnh báo, họ sẽ cho di sản vào danh sách “báo động đỏ” và không loại trừ trường hợp loại di sản đó ra khỏi danh sách di sản thế giới được công nhận. Chúng ta phải tăng cường kiểm tra thường xuyên theo hướng đó.
Yên Khương – Mạnh Cường (thực hiện)
- Nhạc sỹ Dương Thụ: "Đây là một Hà-Nội-Khác"
- Xoá quy hoạch treo sẽ giải phóng một nguồn lực lớn cho xã hội
- Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - phỏng vấn giám đốc Ban quản lý dự án
- Đầu tư PPP: Cần nhưng chưa vội
- Từ 2016 các cơ sở gây ô nhiễm mới bị cấm, đình chỉ hoạt động
- Thay đổi cách làm quy hoạch để phát triển đô thị bền vững
- Hình thành đô thị nông thôn từ vùng ngập
- Chấm dứt quy hoạch "treo" đất lúa
- Quy hoạch sử dụng đất thiếu sức sống
- Paul Flowers: "Thiết kế phải tạo ra sự yêu mến"
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này