Việc quy hoạch và phát triển không gian ngầm là một đòi hỏi cấp bách từ thực tế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đến nay vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể và một khung pháp lý cần thiết để phát triển không gian ngầm. Bên lề buổi hội thảo “Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm” vừa được tổ chức tại TP.HCM, chúng tôi đã trao đổi với TS Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, đơn vị tổ chức hội thảo, về nội dung này.
Ông có thể nói rõ hơn về tính bức thiết của việc quy hoạch không gian ngầm?
TS Phạm Sĩ Liêm (ảnh bên): - Không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý báu cần được tích cực khai thác để trở thành không gian thứ hai của đô thị hiện đại. Để đạt được mục đích đó, song song với áp dụng và phát triển công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình ngầm phải đồng thời bổ sung chủ đề không gian ngầm vào chiến lược, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, xây dựng cho nó một khung pháp lý và thể chế tương ứng. Bây giờ chính là thời điểm thích hợp nhất mà chính quyền các đô thị, trước hết là các đô thị lớn, phải xúc tiến những việc nói trên.
Chúng ta đang phát triển đô thị theo xu hướng đô thị hoá, phát triển mật độ dân cư trên diện tích hiện có. Tiết kiệm đất, không mở rộng diện tích đô thị là xu hướng tăng trưởng thông minh. Những đô thị phát triển theo mô hình này gọi là đô thị nén. Theo quy hoạch, đến năm 2025 dân số ở đô thị Việt Nam tăng hai lần và diện tích đô thị tăng bốn lần, tức đến thời điểm đó toàn lãnh thổ Việt Nam mất thêm 300.000ha đất ruộng để phát triển đô thị.
Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã mất đi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp nên cần thiết phải hạn chế diện tích đô thị hoá để giữ đất nông nghiệp. Muốn vậy, các đô thị Việt Nam phải khai thác hiệu quả không gian ngầm để tăng diện tích sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
Việc khai thác và sử dụng không gian ngầm của chúng ta hiện nay ra sao, thưa ông?
- Trước đây, không gian ngầm đô thị chỉ được quan tâm như là nơi chứa nước ngầm, là nơi đặt hệ thống đường ống nước và là nơi chôn một số tuyến cáp. Nó được quan tâm nhiều hơn khi có dự án hầm vượt cho người đi bộ, hầm đỗ xe, hầm vượt cho xe cơ giới qua nút giao cắt, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Tuy nhiên, về mặt cơ sở pháp lý, chủ đề này vẫn còn quá mới nên mỗi khi gặp những dự án ngầm thì các chuyên gia quy hoạch và chính quyền đô thị lúng túng, thậm chí còn nghi kỵ, lo ngại vì tính phức tạp của nó.
Phối cảnh không gian ngầm tại bãi xe công viên Lê Văn Tám (Ảnh: TL)
Vậy theo ông, để không gian ngầm thành không gian đô thị thứ hai, chúng ta cần những yếu tố gì?
- Rất nhiều yếu tố, nhưng trong hoàn cảnh như chúng ta hiện nay thì cần xây dựng ngay quy hoạch, khung pháp lý và thể chế phát triển không gian ngầm. Trong đó, khi quy hoạch không gian ngầm phải hướng đến mục đích phát triển khu đô thị đã xây dựng ổn định mà vẫn bảo tồn được cảnh quan đô thị vốn có; cải tạo được khu đô thị cũ nhằm nâng cao mật độ đô thị nhưng phải đảm bảo được không gian xanh và không gian công cộng; đồng thời cũng phải tính tới yếu tố một số công trình cần đưa xuống ngầm vì tiện lợi hoặc để không ảnh hưởng đến mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Còn khung pháp lý?
- Chúng ta phải hoàn thiện ba khung pháp lý: về đất đai, quy hoạch và tài chính. Phải có khung pháp lý về quy hoạch vì hiện nay việc tổ chức quản lý đô thị theo quy hoạch đang là khâu yếu kém, tình trạng đào lên lấp xuống nhiều lần gây nhiều hệ luỵ. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là tư duy vừa phân tán vừa cục bộ, ngành nào biết ngành đó, khu vực nào biết khu vực đó mà không có một khu hoạch, quản lý chung. Còn về khung pháp lý tài chính, chúng ta đều biết khi đầu tư vào công trình ngầm thường rất tốn kém, ngân sách nhà nước khó có thể đảm đương nổi. Do vậy theo tôi, cần có những khung pháp lý rõ ràng nhằm vừa đảm bảo tính minh bạch đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Tôi đề xuất không nên thu tiền sử dụng đất và thuế tài sản đối với các công trình ngầm.
Tùng Quang (thực hiện)
- Tai họa lớn đối với Di sản Việt Nam!
- Hình thành đô thị nông thôn từ vùng ngập
- Chấm dứt quy hoạch "treo" đất lúa
- Quy hoạch sử dụng đất thiếu sức sống
- Paul Flowers: "Thiết kế phải tạo ra sự yêu mến"
- Đưa vật liệu xây dựng “xanh” vào công trình xây dựng: Cần cơ chế đồng bộ
- "Cần cải thiện cơ chế để hút đầu tư giao thông", ông Tsuno Motonori, JICA
- Bãi đỗ xe cao tầng và nút thắt cơ chế
- Phát huy các giá trị của hệ thống di tích Cố đô Huế
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đối thoại trực tuyến với nhân dân