Dự kiến ngày 4/10/2012, HĐND TP.HCM sẽ mở phiên họp chuyên đề về “Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị”. Trước đó, tại các buổi giám sát của HĐND, MTTQ TP.HCM, hàng loạt bức xúc, bất hợp lý trước vấn nạn quy hoạch treo đã được đặt ra.
Là một trong những người quan tâm và nghiên cứu về thực trạng này, ông Trần Quang Thắng, viện trưởng viện Quản lý và kinh tế TP.HCM – IEM, đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng đã đến lúc phải dứt khoát với quy hoạch treo. Theo ông, việc xoá các quy hoạch treo không cần thiết sẽ giúp giải phóng một nguồn lực to lớn về tài chính – kinh tế – xã hội, giúp sức đáng kể cho việc vượt qua các thách thức suy thoái kinh tế hiện nay của nước nhà.
Việc xoá đi các quy hoạch treo không cần thiết sẽ giúp giải phóng một nguồn lực to lớn về tài chính – kinh tế – xã hội (Ảnh: L.H.T)
Ông thắng phân tích, hiện nay có bốn dạng “quy hoạch treo” chủ yếu. Cụ thể là dự án đã được địa phương công bố quy hoạch nhưng sau đó không làm gì để thực hiện quy hoạch, trong khi đó người dân sống trong khu quy hoạch muốn xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng lại gặp khó khăn. Thứ hai, dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng việc thu hồi không dứt điểm, kéo dài từ năm này sang năm khác, có khi chỉ vướng một vài thửa. Thứ ba, tình trạng đất đã giao nhưng lại gặp phải chủ đầu tư muốn xí phần để sau đó sang nhượng lại kiếm lời nên không đầu tư gì hoặc đầu tư một ít rồi bỏ đó gây ra nhiều bức xúc. Thứ tư, quy hoạch chồng lên quy hoạch và các trục trặc về mặt điều chỉnh pháp lý và do lực lượng ban bồi thường quá mỏng so với số dự án triển khai.
Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Ông Trần Quang Thắng (ảnh bên): - Nguyên nhân dẫn tới quy hoạch treo là do chưa bảo đảm được sự hài hoà lợi ích của người dân – chính quyền – nhà đầu tư. Công tác lập quy hoạch tại các đô thị còn thiếu hiệu quả, không bảo đảm tính dự báo, không khả thi trong thực hiện, dẫn đến phải điều chỉnh và dự án “treo” trong thời gian dài. Tính cục bộ cao trong quá trình làm quy hoạch. Nguồn tài chính để lập quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch còn thiếu và chưa được sử dụng thực sự hiệu quả. Nhiều dự án chưa có khu tái định cư đã thực hiện thu hồi đất ở.
Nhìn chung các địa phương chưa coi trọng việc lập khu tái định cư chung cho các dự án tại địa bàn, một số khu tái định cư đã được lập nhưng không bảo đảm điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ…
Theo ông, có không chuyện tiêu cực dẫn đến quy hoạch treo?
- Một nguyên nhân khác là trong việc thu hồi đất tại một số dự án còn có những biểu hiện tiêu cực như: thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế hoặc xây dựng công trình công cộng nhưng một thời gian sau lại quyết định sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở hoặc phân lô bán nền.
Ông có đề xuất giải pháp nào để “xoá treo” cho người dân?
- Trước hết cần đánh giá lại một cách chuẩn xác từng quy hoạch đang bị coi là “treo” và đối với những quy hoạch có thể thực hiện sớm thì tập trung nguồn lực để thực hiện ngay, không để kéo dài. Những quy hoạch xét cần nhưng trước mắt chưa có khả năng thực hiện được thì điều chỉnh mốc thời gian thực hiện quy hoạch. Những quy hoạch không hợp lý, không có tính khả thi thì phải quyết định huỷ bỏ ngay… Đồng thời phải kiên quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện để giao lại cho tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc điều chỉnh, huỷ bỏ quy hoạch.
Theo tôi, đã đến lúc phải “nói không” với quy hoạch treo. Việc xoá đi các quy hoạch treo không cần thiết sẽ giúp giải phóng một nguồn lực tài chính – kinh tế – xã hội to lớn giúp thêm sức đáng kể cho việc vượt qua các thách thức hiện nay.
Đoàn Quý (thực hiện)
Gần 30 dự án treo Theo báo cáo của sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, tính đến ngày 10.9.2012, TP.HCM hiện có gần 30 khu quy hoạch “treo”. Điển hình là khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa, (phường 28, quận Bình Thạnh) với diện tích 450ha, được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992 nhưng án binh bất động từ đó đến nay; hay tại Ấp Doi (khu phố 8, phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM), được quy hoạch từ năm 1998, nhưng đến thời điểm này, khu vực Ấp Doi vẫn chưa có đồ án quy hoạch 1/2000; hồ sinh thái Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đã được quy hoạch 14 năm, nhưng đến nay vẫn treo… |
Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM:
Mong các đại biểu đến kỳ họp với trái tim đầy cảm xúc
Quy hoạch treo là một vấn đề người dân rất quan tâm. Tuy đây là vấn đề không mới, kéo dài rất lâu rồi và gây nhiều phiền toái cho người dân nằm trong vùng quy hoạch treo. Với tư cách là một cử tri, tôi mong rằng các đại biểu HĐND TP.HCM hãy đến kỳ họp với một trái tim đầy cảm xúc và một tấm lòng đầy nghĩa khí để có thể thẳng thắn nói lên những nỗi khổ, bức xúc của người dân có nhà, có đất bị quy hoạch treo. Sau đó, tôi mong rằng các đại biểu hãy đi xuống hiện trường, những vùng bị quy hoạch treo để gặp gỡ những số phận, những con người để hiểu nỗi khổ, buồn đau, mất mát, thiệt hại của người dân.
Bên cạnh đó, để xoá quy hoạch treo, tôi cũng mong rằng, TP.HCM hãy làm một đợt tổng rà soát một cách nghiêm túc, triệt để, đầy đủ các quy hoạch chung, quy hoạch ngành… về tính pháp lý, chủ đầu tư, khả năng thực hiện của từng dự án và công khai toàn bộ thông tin về quy hoạch trên thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát. Đồng thời trên cơ sở rà soát này, thành phố cần phân loại và xoá bỏ những quy hoạch, dự án treo mang tính chất chờ thời, không đủ năng lực, những dự án quá viển vông không phù hợp với thực tế và không mang tính khả thi. Thực tế điều này thì nhiều địa phương khác đã làm được (như Tây Ninh, Long An, Đồng Nai…)
Sau khi xoá những dự án không khả thi thì đối với những dự án còn lại cần xem xét một cách kỹ lưỡng để có sự phân kỳ cho từng dự án, có nghĩa là quy hoạch phải được dựa trên khả năng, tình hình chung, ngân sách. Từ đó có chủ trương, chính sách phù hợp đối với quyền lợi của người dân trên mỗi phân kỳ. Tôi cũng cho rằng, không phải chúng ta đả phá quy hoạch mà vấn đề là làm sao bảo đảm những quyền lợi căn bản của người dân nằm trong vùng quy hoạch. Cụ thể như, quyền lợi về hợp thức giấy tờ, xây dựng sửa chữa nhà cửa, được đền bù một cách thoả đáng thì sẽ không còn quy hoạch treo, không còn xảy ra tình trạng dự án kéo dài hết năm này đến năm khác.
Thực tế luật pháp cũng đã quy định rồi, sau ba năm được giao dự án nếu không làm thì sẽ bị thu hồi, nhưng tiếc thay dù đã có quy định, nhưng chủ đầu tư tìm mọi cách và viện những lý do khách quan để né tránh những quy định này. Còn đối với những quy hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì điều cơ bản là phải bảo đảm quyền lợi của người dân. Nếu dự án kéo dài thời gian thì phải cho người dân được hợp thức hoá chủ quyền nhà đất, được xây dựng và sửa chữa nhà và bảo đảm nhu cầu tối thiểu về điện nước cho người dân nằm trong vùng quy hoạch. Đặc biệt là khi nào tiến hành dự án thì phải đền bù theo giá cả của thời điểm tiến hành xây dựng.
Đ.Q (ghi)
- Ông Hồ Nghĩa Dũng: "Hầm đèo Cả được thiết kế phù hợp với đường cao tốc Bắc - Nam"
- Phát triển du lịch là bảo tồn và phát huy giá trị di sản
- Chính quyền đô thị - Mô hình phù hợp cho TPHCM
- Tạm dừng dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM
- Nhạc sỹ Dương Thụ: "Đây là một Hà-Nội-Khác"
- Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - phỏng vấn giám đốc Ban quản lý dự án
- Đầu tư PPP: Cần nhưng chưa vội
- Từ 2016 các cơ sở gây ô nhiễm mới bị cấm, đình chỉ hoạt động
- Việc trùng tu chùa Trăm Gian: Làm sao để tránh “vết xe đổ”?
- Thay đổi cách làm quy hoạch để phát triển đô thị bền vững