Tháng trước, tôi có dịp thăm nhà một người bạn, và không khỏi ngỡ ngàng khi trở lại khu vực nhà anh tại một con phố ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), vì nơi đây gần như không có gì thay đổi sau gần 20 năm.
Anh bạn tôi vẫn ở tại ngôi nhà cấp 4 xây tạm giống như gần 2 thập kỷ trước đây, khi chúng tôi tổ chức liên hoan ngày ra trường. Xung anh là những ngôi nhà lụp xụp, chật chội, những nơi tập kết rác bốc mùi khó chịu…
Anh nói với giọng đượm buồn: Toàn bộ khu vực gần nhà anh có quy hoạch dự án hơn 20 năm nay nên các hộ đều không xây dựng, cải tạo được gì. Biết tôi tư vấn về luật anh hỏi quy hoạch kiểu gì mà "treo" lâu thế.
Quy hoạch chồng chéo dễ liên tưởng đến những búi dây điện, dây cáp chằng chịt (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)
Tôi mất rất nhiều thời gian để giải thích cho anh về các quy định kỹ thuật và phức tạp khi có nhiều loại quy hoạch phủ trên một thửa đất như quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất… Nhưng tôi đoán anh không hiểu nổi lời tôi giải thích.
Câu chuyện về "vướng" quy hoạch xây dựng mà anh bạn tôi gặp phải không phải là một vấn đề mới nhưng đây có lẽ là vấn đề phức tạp với cả cơ quan quản lý và người dân.
Trước tiên, với cơ quan quản lý nhà nước sự cần thiết của công tác quy hoạch là điều đã được khẳng định, nhưng có lẽ khó có thể tìm ra quốc gia nào lại có nhiều loại quy hoạch và phức tạp như ở nước ta.
Chỉ riêng danh mục các quy hoạch ngành (như quy hoạch điện lực, quy hoạch đường bộ, quy hoạch cảng biển…) chúng ta đã có đến 39 loại khác nhau. Hay tính các quy hoạch kỹ thuật như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất…cũng có đến 38 loại khác nhau.
Ngành nào và lĩnh vực nào cũng có quy hoạch, kế hoạch. Một hệ thống quy hoạch phức tạp, đan xen mà những người không làm quy hoạch chắc khó có thể nhớ được tên chứ không nói là hiểu được về chúng.
Mỗi loại quy hoạch được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác nhau, do các cơ quan khác nhau thẩm định. Không có quy định loại quy hoạch nào lập trước, quy hoạch nào lập sau, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch.
Chính vì thế một trong những điều làm doanh nghiệp "sợ" nhất khi thực hiện dự án đầu tư cũng bắt nguồn từ quy hoạch. Mỗi dự án khác nhau có yêu cầu sự phù hợp với các loại quy hoạch khác nhau. Chỉ cần một loại quy hoạch không "khớp" có thể khiến việc triển khai dự án của doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, thậm chí đi vào ngõ cụt.
Đến giờ tôi vẫn không khỏi ám ảnh bởi khuôn mặt đầy thất vọng của chủ doanh nghiệp tại tỉnh Sơn La mà tôi từng gặp. Anh kể doanh nghiệp anh đã thực hiện xong các thủ tục về đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng nhưng khi xin thuê đất, tất cả mới "tá hỏa" vì phát hiện một phần đất của dự án vướng vào quy hoạch 3 loại rừng. Đã 3 năm trôi qua dự án vẫn giậm chân tại chỗ vì có quy hoạch rừng tự nhiên không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự án của anh rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, một trong những giải pháp được đưa ra là "tích hợp" các loại quy hoạch vào một thể thống nhất trong quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 5/2023 mới có 10 tỉnh được phê duyệt quy hoạch, nên cần thêm thời gian để đánh giá về tác động và hiệu quả thực sự quy định này đến đâu.
Việc tích hợp các quy hoạch riêng lẻ vào một quy hoạch chung cấp tỉnh khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh so sánh thú vị về hạ ngầm hệ thống dây điện và viễn thông thời gian qua. Chúng ta đã từng có một hệ thống dây điện, dây viễn thông chằng chịt ở các đô thị. Hình ảnh này có phần giống như hệ thống các quy hoạch phức tạp ở nước ta. Khi ta tích hợp các quy hoạch thống nhất cũng giống như việc chúng ta dồn các dây vào ống cáp để hạ ngầm.
Việc tích hợp quy hoạch sẽ là hợp lý nếu quy hoạch thực sự có tầm nhìn và mang tính định hướng phát triển cao. Ngược lại, nếu quy hoạch khi đã tích hợp nhưng vẫn điều chỉnh một cách thường xuyên như hiện nay thì chẳng khác gì việc chúng ta sẽ phải đào đường để sửa một đường dây bị hỏng, vốn rất tốn kém và phức tạp.
Với người dân, có lẽ không nhiều người quan tâm quy hoạch do đây là vấn đề có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Chỉ khi các quyền lợi sát sườn của họ bị ảnh hưởng như: không xin được giấy phép xây dựng nhà, không tách thửa, chuyển nhượng được đất đai…thì mỗi người mới biết đến một thứ "vòng kim cô" treo trên thửa đất và ngôi nhà của họ.
Thực tế cho thấy thời gian vừa qua, vai trò của người dân trong cả quá trình phê duyệt và thực hiện quy hoạch chủ yếu mang tính hình thức.
Khi lập các loại quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân như xây dựng, đất đai… mặc dù pháp luật yêu cầu cơ quan chức năng phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tuy nhiên, nhiều nơi việc triển khai lấy ý kiến không mang tính thực chất.
Các ý kiến góp ý của cộng đồng không phải yếu tố quyết định. Thậm chí, dù cộng đồng có phản đối với một đề xuất quy hoạch xây dựng thì về mặt pháp lý cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể phê duyệt trái với ý kiến góp ý của đa số.
Đến quá trình thực hiện và giám sát việc triển khai quy hoạch, vai trò của cộng đồng cũng rất mờ nhạt. Nguyên nhân của việc này bắt nguồn chủ yếu từ việc khó tiếp cận thông tin về quy hoạch của người dân.
Người dân rất khó có được thông tin chi tiết và đầy đủ về các loại quy hoạch đất đai, xây dựng nếu tìm trên websites của chính quyền địa phương hoặc thông tin niêm yết tại cơ quan quản lý. Các thông tin nếu được đăng tải sẽ là các thông tin chung chung, những mô hình sa bàn… rất khó để người dân có đủ thông tin.
Những ai đã từng mua nhà đất có lẽ đều phải bỏ ra một khoản phí để "xin" được thông tin quy hoạch. Rất khó trông đợi những nguồn thông tin quy hoạch công bố công khai.
Quy hoạch với nhiều cơ quan chức năng vẫn là một thứ thông tin không muốn công khai hoặc nếu có công khai thì mang tính hình thức, rất ít thông tin hữu dụng cho người tiếp cận. Với người dân, các thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng vừa là một vấn đề kỹ thuật, vừa khó tiếp cận nên việc góp ý hay giám sát chỉ dừng lại ở mức hình thức.
Như vậy, quy hoạch chúng ta vừa nhiều nhưng lại vừa ít: nhiều quy hoạch trong các ngành, lĩnh vực nhưng thiếu các góp ý thực chất, thiếu sự giám sát phản biện của cộng đồng. Đây là một trong những nguồn cơn tạo nên tình trạng quy hoạch "treo", quy hoạch thiếu tính thực tế trong một số lĩnh vực thời gian vừa qua.
Để quy hoạch thực sự là một công cụ quản lý sự phát triển đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch; sự thay đổi đó không chỉ đến từ thay đổi trong luật quy hoạch.
Chỉ khi các quy hoạch có tính tầm nhìn của cơ quan lập và phê duyệt, có sự góp ý thực chất và giá trị của người dân, sự tham gia phản biện của các chuyên gia xây dựng, nhà đô thị học thì quy hoạch mới thực sự phát huy vai trò và giá trị vốn có của nó.
Phạm Thanh Tuấn
Tác giả: Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn là luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; trọng tài viên Trung tâm trọng tài Thương mại và Công lý Việt Nam (VietJac). Ông Tuấn có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về pháp lý bất động sản, xây dựng, hiện là giám đốc pháp chế của Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Bất động sản WeLand. |
(Dân Trí)
- Thiếu tầm nhìn lâu dài
- Hạ tầng đô thị và giao thông thân thiện
- Xu hướng lâu dài chứ không phải khó khăn ngắn hạn
- Triển khai cơ chế đặc thù phát triển TPHCM: Cần quán triệt tư tưởng dân giàu thì thành phố mạnh
- Trục trặc với các ban quản trị chung cư
- Tư duy mét vuông và Đà Lạt trắng xóa bê tông
- Tương lai các thành phố hậu đại dịch Covid-19
- Xin đừng nén nữa!
- Bài toán chi phí và Luật Đất đai
- Đầu tư nâng cấp: đừng quên các nút thắt cổ chai