“Chiến thắng của thành phố: Cách mà phát minh vĩ đại nhất của loài người làm cho chúng ta giàu có hơn, thông minh hơn, xanh hơn, khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn” là tiêu đề quyển sách nổi tiếng của Edward Glaeser, giáo sư kinh tế danh hiệu Fred and Eleanor Glimp tại Đại học Harvard, một trong những học giả hàng đầu thế giới về đô thị học, nhất là kinh tế đô thị.
Ông phân tích vai trò và tầm quan trọng của đô thị trong sự phát triển của loài người. Bài viết này điểm qua những ý tưởng chính và cập nhật quan điểm của Glaeser trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 với những hàm ý cho sự phát triển đô thị của Việt Nam.
Hiện giá vé máy bay đi từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ đang cao hơn ít nhất gấp đôi so với trước đại dịch Covid-19. (Ảnh: Pixabay)
Những gì xảy ra trên thực tế
Mở đầu, Glaeser đã đưa ra các con số mà chúng ta có thể cập nhật vào thời điểm hiện nay. Hơn 275 triệu người Mỹ sống trong một không gian chỉ khoảng 3% diện tích của nước Mỹ – đó là đô thị. Hơn 38 triệu người sống trong vùng Tokyo – vùng đô thị có năng suất cao nhất thế giới. Trên dưới 10 triệu người sống ở vùng lõi của các đô thị châu Á như Jakarta, Manila, Seoul và Tokyo chỉ với diện tích khoảng 600 ki lô mét vuông.
Với các nước châu Á, mật độ người dân ở đô thị còn cao hơn rất nhiều. Theo báo cáo phân tích về sự thay đổi không gian và dân số đô thị xuất bản vào năm 2015 của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2010, 778 triệu người ở khu vực Đông Á sống trong diện tích 135.000 ki lô mét vuông, chỉ tương đương với 40% diện tích tự nhiên Việt Nam và gần 1% diện tích tự nhiên của các nước. Trong giai đoạn 2000-2010, diện tích đất đô thị của khu vực này tăng khoảng 29.000 ki lô mét vuông và dân số đô thị tăng khoảng 200 triệu người.
Cũng theo báo cáo trên, năm 2010 tổng diện tích đất đô thị của Việt Nam chỉ khoảng 2.900 ki lô mét vuông (chiếm khoảng 0,9% diện tích tự nhiên) và dân số đô thị là 23 triệu người. Mật độ dân số đô thị vào năm 2010 là 7.700 người so với 6.800 người/ki lô mét vuông vào năm 2000. Diện tích đất phát triển đô thị giai đoạn 2000-2010 tăng 710 ki lô mét vuông, dân số tăng 7,5 triệu người.
Đô thị hóa và sự thịnh vượng của các quốc gia đã song hành cùng nhau. Hình 1 cho thấy sự tương quan rõ rệt giữa GDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa.
Điều đáng chú ý là vào đầu thập niên 1980, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam và Trung Quốc là tương đương nhau (gần 20% và khoảng 200 đô la Mỹ). Tuy nhiên, hết năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam chỉ hơn 39% và GDP bình quân đầu người đạt 4.164 đô la Mỹ; hai con số tương ứng của Trung Quốc là 64% và 12.720 đô la Mỹ.
Sự tiến bộ của loài người cùng đô thị
Glaeser đã phân tích, các thành phố là các động cơ của đổi mới sáng tạo từ thời Hy Lạp cổ đại của Plato, Socrates và Aristotle – những tư tưởng vĩ đại đã định hình về tư duy triết học, kinh tế, mô hình nhà nước của nhân loại trong mấy ngàn năm qua. Các đường phố của Florence ở Ý là khởi nguồn của thời Phục hưng. Các đường phố của Birmingham là khởi nguồn của cách mạng công nghiệp. Sự thịnh vượng của Bangalore và Tokyo đến từ khả năng tạo ra các ý tưởng mới của họ. Dạo quanh các phố phường không để nghiên cứu vấn đề gì ngoài sự tiến bộ của loài người.
Các quốc gia phát triển đã có thể vượt qua giai đoạn suy tàn khi kỷ nguyên công nghiệp kết thúc và giờ đây đã giàu có hơn, khỏe mạnh hơn trước đây. Ở các nước đang phát triển, các đô thị đã mở rộng hết sức mạnh mẽ vì sự tập trung ở đô thị cung cấp một con đường rõ ràng nhất để thoát nghèo và đi đến thịnh vượng hơn. Cho dù tiến bộ của công nghệ làm cho khoảng cách ngắn lại, nhưng thế giới đã không phẳng, thế giới được trải nhựa.
Lợi thế tích tụ – nhân tố quyết định lợi thế của đô thị
Lợi thế tích tụ (Agglomeration economies) là nhân tố quan trọng nhất tạo ra lợi thế để các đô thị phát triển và phát huy vai trò của mình. Glaeser định nghĩa, đó là lợi ích có được khi các doanh nghiệp và con người ở gần nhau trong các thành phố và các cụm công nghiệp. Lợi ích có được từ việc tiết kiệm chi phí và gia tăng tương tác.
Một ví dụ đơn giản là một làng có 100 hộ gia đình với diện tích đất 100 héc ta chia đều cho mỗi nhà. Nếu các hộ gia đình xây nhà trên các mảnh đất riêng của mình thì sẽ rất tốn kém cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng dùng chung như giao thông, điện, viễn thông, cấp và thoát nước… Thêm vào đó, do ở cách xa nhau, việc tương tác, gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau là không thường xuyên. Hơn thế, việc ở xen lẫn với đất canh tác làm việc xây dựng các loại hạ tầng khác nhau (cho người ở và hệ thống tưới tiêu nông nghiệp) sẽ tốn kém.
Lợi thế tích tụ (Agglomeration economies) là nhân tố quan trọng nhất tạo ra lợi thế để các đô thị phát triển và phát huy vai trò của mình. Glaeser định nghĩa, đó là lợi ích có được khi các doanh nghiệp và con người ở gần nhau trong các thành phố và các cụm công nghiệp. Lợi ích có được từ việc tiết kiệm chi phí và gia tăng tương tác. |
Khi 100 hộ gia đình trên xây nhà trong 1 héc ta để sống gần nhau thì các chi phí cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng dùng chung sẽ thấp hơn hẳn. Hơn thế, khi các gia đình ở gần nhau thì việc gặp gỡ, tương tác và trao đổi thông tin, kiến thức sẽ tốt hơn rất nhiều. Kết quả là lợi ích ròng của toàn xã hội gia tăng.
Ví dụ trên có giải thích về sự quần tụ theo mô hình làng xã ở nước ta cũng như nhiều nơi khác. Trên thực tế khi nhiều làng tập hợp lại với nhau thì hiệu quả sẽ gia tăng, nhất là ở những đầu mối giao thông. Nguyên nhân và quá trình hình thành các đô thị được giải thích như vậy.
Nói cách khác, không phải ngẫu nhiên mà loài người cứ đổ xô và chen chân ở những vùng đất chật hẹp được gọi là đô thị thay vì ở rải rác ở nông thôn. Loài người càng phát triển thì sự chen chân càng nhiều hơn.
Số liệu thực tế chứng minh điều này. Vào năm 2000, có khoảng 2 tỉ người hay 47% dân số trên hành tinh của chúng ta sống ở các đô thị; hai con số này vào năm 2022 là 4,5 tỉ người và 56%; và Liên hiệp quốc dự báo hai con số này vào năm 2050 là hơn 6,7 tỉ người và 68%. Mỗi năm, dân số đô thị tăng thêm gần bằng dân số của Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, việc tập trung đông đảo của loài người trong các thành phố cũng có những mặt trái hay chi phí cho toàn xã hội. Đông đúc, ô nhiễm, tắc nghẽn là những ví dụ. Các lý thuyết kinh tế và bằng chứng thực nghiệm cho thấy lợi ích của việc tập trung đông người ở các đô thị sẽ gia tăng khi lợi ích tăng thêm của một người tiếp theo đến đô thị, cao hơn chi phí mà người đó tạo ra. Thuật ngữ kinh tế gọi là lợi ích biên ròng. Công việc của chính sách công là làm sao để đô thị đạt quy mô tối ưu mà ở đó lợi ích biên ròng bằng không.
Đôi ngả, đôi đường
Glaeser cũng như các học giả khác chỉ ra rằng các đô thị thường bắt đầu từ các đầu mối giao thương. Tất cả các thành phố lớn trên thế giới hiện nay đều trải qua quá trình như vậy. Các hoạt động kinh tế gắn với khả năng tạo ra năng suất hay hiệu quả vượt trội quyết định sự thịnh vượng hay lụi tàn của các thành phố. Trong đó, các chính sách của nhà nước cùng với cách hành xử của cộng đồng doanh nghiệp và người dân có vai trò quyết định. Detroit – thủ phủ sản xuất xe hơi của Mỹ và New York là hai ví dụ điển hình mà Glaeser đã sử dụng.
New York đã chuyển từ một đô thị cảng sang trung tâm sản xuất hàng công nghiệp và hiện tại là trung tâm dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ tài chính. Thành phố này đã gặp những khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển, như việc đứng trước nguy cơ lụi tàn ở thập niên 1970 chẳng hạn.
Chính sách của chính quyền, hành động của các doanh nghiệp và người dân quyết định tương lai của các thành phố cũng như sự thịnh vượng của loài người. |
Tuy nhiên, các chính sách hợp lý của chính quyền và sự chuyển dịch các hoạt động kinh doanh (tập trung vào tài chính và các hoạt động dịch vụ khác) đã làm cho thành phố này hồi sinh và giữ được vai trò trung tâm tài chính toàn cầu. Kết quả, dân số New York luôn gia tăng, luôn là đô thị lớn nhất nước Mỹ trong hơn một thế kỷ qua và dân số hiện nay gần 20 triệu người.
Đối với Detroit, sự phát triển của ngành ô tô đã mang lại sự thịnh vượng cho thành phố này. Năm 1900 dân số thành phố chỉ gần 286.000 người. Sau năm thập kỷ dân số đã tăng hơn 6 lần để đạt mức đỉnh điểm gần 1,9 triệu người vào đầu thập niên 1950, xếp thứ 5 nước Mỹ. Kể từ đó, dân số của đô thị này đã xuống dốc không phanh cùng với sự suy tàn của nó. Vào thời điểm hiện tại, Detroit chỉ còn khoảng 600.000 người, xếp thứ 27 nước Mỹ, và là một hình ảnh rất xấu của đô thị với nhiều vấn nạn mà không có tương lai.
Glaeser cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng sự khác biệt giữa hai đô thị trên nằm ở định hướng phát triển, các chính sách của chính quyền và hành động của các doanh nghiệp. Với New York, khi rơi vào khó khăn thì họ đã có những chính sách giúp cho các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuận lợi hơn. Nói cách khác là họ tập trung vào các chính sách giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh cho cả nền kinh tế. Khi kết quả kinh tế tốt, nguồn thu thuế nhiều thì các dịch vụ xã hội cũng được nâng cao. Kết quả là các bên cùng thắng.
Trái lại, với Detroit, khi rơi vào trục trặc, những nhà lãnh đạo dân túy đã được bầu thông qua việc kích động tâm lý thù địch với giới kinh doanh và đưa ra những lời hứa và chính sách không thực tế. Kết quả, gánh nặng cho các hoạt động kinh doanh gia tăng, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế ngày một giảm sút. Khi tình hình quá nghiêm trọng thì lại đưa ra những quyết định đầu tư, nhất là việc xây dựng các hạ tầng có quy mô lớn thiếu khôn ngoan, không phát huy tác dụng. Một nguyên nhân quan trọng khác là các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ đã không thức thời để chuyển sang các loại xe có chi phí tiết kiệm và hợp với túi tiền và sở thích của người dân hơn như điều mà các công ty của Nhật Bản và Hàn Quốc sau này đã làm được. Sai lầm trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp và định hướng chính sách của chính quyền đã dẫn đến một Detroit suy tàn.
Ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy hai trường hợp trái ngược về sự phát triển từ khi Đổi mới đến nay. Bình Dương đã rất thành công trong việc tận dụng cơ hội và lợi thế gần TPHCM để phát triển. Kết quả, kể từ khi tách tỉnh vào năm 1997 đến nay, dân số Bình Dương đã tăng 4 lần. Hiện Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Trong cùng giai đoạn, tính từ đỉnh điểm năm 1999, vào năm 2022, dân số Nam Định đã giảm 55.000 người. Điều này có nghĩa là số di cư ròng trong hơn hai thập niên qua còn cao hơn toàn bộ dân số tăng tự nhiên ròng của Nam Định. Những vấn đề của Nam Định cần được phân tích cụ thể, nhưng thủ phủ dệt may một thời nằm trong trung tâm nguồn nhân lực lớn nhất cả nước đã đi xuống trong giai đoạn hưng thịnh của ngành dệt may Việt Nam.
Tương lai của các thành phố sau đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm rất nhiều thứ thay đổi. Trong đại dịch, các thành phố – những nơi tập trung đông người đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Hiện nay, làm việc từ xa đã trở nên phổ biến hơn. Dân số ở một số trung tâm thành phố (nhất là ở nước Mỹ) đã giảm và người dân chuyển ra vùng ngoại ô. Những thay đổi này sẽ tác động lâu dài đến sự phát triển và tương lai của các đô thị.
Tuy nhiên, Glaeser cho rằng, con người là một loài xã hội và tương tác trực tiếp là đặc biệt có giá trị trong việc lan truyền thông tin, tri thức cũng như cuộc sống thoải mái và tận hưởng. Do vậy, nếu chúng ta không phải đối mặt với những dịch bệnh chết chóc hơn trong tương lai gần thì các thành phố sẽ phục hồi và tiếp tục phát huy vai trò của mình.
Tóm lại, những thứ tồn tại một cách dài lâu và ngày càng mở rộng đều có lý của nó. Các đô thị liên tục phát triển và mở rộng là do lợi ích của nó mang lại cho loài người. Có những điều bất tiện như ô nhiễm, tắc nghẽn và dịch bệnh lan truyền nhiều hơn khi đại dịch xảy ra, nhưng lợi ích mà các đô thị mang lại cho loài người lớn hơn rất nhiều các chi phí.
Do vậy, các thành phố – phát minh vĩ đại nhất của loài người liên tục phát triển giúp chúng ta giàu có hơn, thông minh hơn, xanh hơn, khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Chính sách của chính quyền, hành động của các doanh nghiệp và người dân quyết định tương lai của các thành phố cũng như sự thịnh vượng của loài người.
Huỳnh Thế Du
(KTSG Online)
- Xu hướng lâu dài chứ không phải khó khăn ngắn hạn
- Triển khai cơ chế đặc thù phát triển TPHCM: Cần quán triệt tư tưởng dân giàu thì thành phố mạnh
- Trục trặc với các ban quản trị chung cư
- Tiến thoái lưỡng nan giữa "rừng" quy hoạch
- Tư duy mét vuông và Đà Lạt trắng xóa bê tông
- Xin đừng nén nữa!
- Bài toán chi phí và Luật Đất đai
- Đầu tư nâng cấp: đừng quên các nút thắt cổ chai
- Dự án Metro và tổ chức đô thị ở TPHCM
- Còn nhiều tồn tại, hạn chế trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi