Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Gần 3.000 hecta nhà kính vây trắng Đà Lạt

Gần 3.000 hecta nhà kính vây trắng Đà Lạt

Viết email In

Với hơn 2.907 hecta nhà kính dùng để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, Đà Lạt trở thành địa phương có diện tích nhà kính lớn nhất cả nước. Nhìn từ trên cao, không gian đâu đâu cũng thấy một màu trắng ngà của mái che các thửa ruộng trồng rau, hoa.

Mô hình trồng hoa trong nhà kính xuất hiện tại Đà Lạt từ những năm 2000. Bốn năm sau, ngành nông nghiệp của tỉnh có đề án phát triển mô hình này. Nổi bật là ở các làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành... Ban đầu người dân làm loại hình này bằng khung tre thô sơ, lâu dần chuyển sang khung sắt, tấm chắn mưa được làm bằng cao su, bạt…

Đến nay, Đà Lạt có 2.907 hecta nhà kính tại 10/12 phường của thành phố, chiếm hơn 60% đất trồng rau, hoa của địa phương. Nhiều nhất là phường 12 với tỷ lệ nhà kính chiếm 84% diện tích canh tác; kế đến là phường 5, 7 và 8 với trên 60%. Nhìn từ trên cao, không gian thành phố bị nhà kính lấn át, chiếm gần hết không gian xanh, rừng thông chỉ lác đác một số cụm phía bên ngoài rìa.

Theo tính toán của ngành chức năng TP Đà Lạt, trung bình, mỗi hecta sản xuất nông nghiệp (trồng rau, hoa) trong nhà kính sẽ cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, nếu sản xuất nông nghiệp kiểu truyền thống thì mỗi hecta trung bình chỉ cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm. Giá trị kinh tế của loại hình sản xuất nông nghiệp kiểu này khá hiệu quả. Đó là lý do mô hình nhà kính xuất hiện phủ trắng thành phố ngàn thông.

Thêm vào đó, ưu điểm vượt trội của sản xuất trong nhà kính là sự ổn định, sản xuất quanh năm và ít bị tác động bởi thời tiết, sâu bệnh. Điều này giúp các chủ vườn có sự tự tin lớn khi đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất.

Tại tổ Vạn Thành, phường 5, ông Nguyễn Hùng Vỹ đang kiểm tra số lượng hoa vừa thu hoạch trước khi giao cho khách hàng. Ông trồng đủ loại, từ lily, cẩm chướng, đồng tiền, cát tường…, với 6 nhân công trồng, cắt tỉa, chăm sóc, hay thu hoạch. Nhân công tại đây mỗi người thu nhập trung bình 8-9 triệu đồng mỗi tháng. Ông vốn là người thuộc thế hệ đầu tiên nghiên cứu và tiếp cận với loại hình này.

Sau nhiều năm gây dựng, đến nay khu nhà kính trồng hoa của ông Vỹ rộng 1,7 ha, giúp thu hoạch đều đặn tất cả các mùa trong năm, tạo doanh thu tăng gấp nhiều lần so với kiểu sản xuất nông nghiệp ngoài trời truyền thống.

Tại làng hoa Thái Phiên, nơi ghi nhận có số lượng nhà kính lớn của thành phố, bà Phan Thị Phụng đang ươm giống hoa cúc trong nhà kính.

Kế bên vườn khác, chồng bà Phụng là ông Hồ Tá Lập đang phun thuốc cho hoa. Gia đình bà Phụng đã chuyển dần diện tích đất khoảng 1 hecta sang trồng hoa trong nhà kính từ 10 năm trước. Kể từ đó, gia đình khá giả hơn, bà Phụng lo được cho cuộc sống gia đình, các con được học hành, trưởng thành...

Phóng viên có mặt tại nhà kính trồng hoa cúc của vợ chồng ông Nguyễn Công Chiến rộng khoảng 3.000 m2. Ông Chiến cho biết, khi áp dụng mô hình này, gia đình ông đã làm những biện pháp thu gom nước, làm hồ chứa để tận dụng nước mưa tưới hoa. “Tới đây, nhà nước có chủ trương xóa nhà kính, tôi cơ bản đồng tình, chỉ mong mọi việc đúng lộ trình, thực hiện quy hoạch và khoanh vùng sản xuất nông nghiệp trong nhà kính để những người dân có kế sinh nhai”, ông Chiến nói.

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Bảo Huy, Tư vấn độc lập, Tư vấn về Quản lý tài nguyên và môi trường rừng (FREM) nhận định, việc Đà Lạt phát triển ồ ạt nhà kính làm nông nghiệp quá nhanh dễ chiếm hết không gian xanh của thành phố. Khi mưa, bề mặt đất bị nhà kính phủ kín. Mưa lớn kéo dài không có vị trí hấp thụ, mặt đất bị che phủ bởi nhà kính nên mất đi việc trao đổi đất và nước để điều tiết dòng chảy. Trong khi, hệ thống thoát nước không đáp ứng được sẽ gây ngập tràn đường, ngập lụt.

GS.TS Bảo Huy cho rằng, chính quyền TP Đà Lạt nên tính toán lại quy hoạch phát triển nhà kính, điều chỉnh hướng sản xuất để đảm bảo sự cân bằng sinh thái, ổn định môi trường. Ngoài ra, cần tuân thủ những nguyên tắc đảm bảo an toàn, bền vững, quy hoạch vùng canh tác, khoanh vùng từng vị trí được phép làm nhà kính.

Còn ngành chức năng TP Đà Lạt nhận định, những trận nước dâng cao đột ngột gây ngập lụt diễn ra với tần suất ngày càng dày hơn ở đô thị này có nguyên nhân từ việc gia tăng diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly. Từ phía hồ này ngược lên thượng nguồn, hàng nghìn ha đất hai bên suối được người dân "phủ bạt" kính để sản xuất nông nghiệp.

Theo “Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp ký, lộ trình đến năm 2030 sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn nhà kính ở nội ô TP Đà Lạt, chỉ để lại một phần diện tích nhà kính ở các xã vùng ven. Nhiều lộ trình thực hiện được vạch ra để tiến tới cách làm nông nghiệp ngoài trời hiệu quả.

Đề án nêu, bên cạnh những chính sách hỗ trợ để nâng cấp, cải tạo hệ thống nhà kính cũ thì Nhà nước sẽ hỗ trợ một lần 70% chi phí mua cây giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để chuyển đổi từ sản xuất trong nhà kính sang sản xuất ngoài trời.

Hiện, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đang tiếp tục nghiên cứu lộ trình thực hiện đề án, cân nhắc chọn các giải pháp vừa đảm bảo giá trị môi trường, phát triển bền vững, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Hoàng Giám - Xuân Ngọc

(VietNamNet)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...