Chiều 8/11, tại hội trường của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), sau gần ba giờ đối thoại cùng người dân về những văn bản của Bộ TN-MT ký trình Thủ tướng xung quanh việc giao đất để xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội (đoạn từ huyện Văn Giang đến xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu), đồng thời xây dựng khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng hạ tầng, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ - người trực tiếp ký trình Thủ tướng - đã nhận lỗi trước các hộ dân huyện Văn Giang (Hưng Yên).
Ông Võ nói: “Tôi công nhận chuyện về thẩm quyền là không đúng, chưa phù hợp. Thứ hai, việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất mà không điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng không đúng. Ở cương vị khi đó mà không giám sát được những chệch choạc thì mình chịu trách nhiệm. Những cái gì làm thất thoát cho bà con thì là lỗi của tôi”.
- Ảnh bên: Ông Võ nói lời xin lỗi người dân Văn Giang tại buổi đối thoại (Ảnh: Nguyễn Hưng /VnExpress)
Đề cập băn khoăn của người dân về những nội dung mà tờ trình của Bộ TN-MT gửi Thủ tướng do mình trực tiếp ký trình, ông Võ chia sẻ: “Với văn bản này, có thể trước đây tôi đã không soát hết. Có một điểm tôi muốn đính chính, đây là tờ trình về việc thu hồi đất chứ không phải là tờ trình về việc giao đất để xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội và xây dựng khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang”.
Về chất vấn của người dân liên quan đến việc ký trình trong thời gian quá nhanh, ông Võ nói: “Việc nối cầu Thanh Trì của Hà Nội qua đường liên tỉnh đi Hưng Yên là chủ trương quan trọng. Trước thời điểm giao nhau giữa Luật đất đai 1993 và Luật đất đai 2003, Chính phủ chỉ đạo phải xử lý ngay những dự án như đường 5B và đường nối cầu Thanh Trì đi Hưng Yên. Lúc đó tôi cho rằng việc thực hiện ngay dự án nối cầu Thanh Trì đi Hưng Yên là con đường chiến lược. Tôi nghĩ sẽ mang lại lợi ích cho người dân Hà Nội, Hưng Yên và cả người dân Văn Giang. Đây là dự án trọng điểm cần phải đẩy nhanh tiến độ nên cũng đã cân nhắc có ký trình ngay hay không. Nếu không trình thì tất cả phải làm lại từ đầu theo Luật đất đai 2003. Còn ký trình sẽ có người nghĩ tại sao tỉnh trình hôm trước, mình trình hôm sau (Hưng Yên ký trình việc giao đất ngày 28/6/2004, Bộ TN-MT ký trình việc giao đất ngày 29/6/2004, ngày 1/7/2004 Luật đất đai 2003 có hiệu lực - PV)”.
Ông Võ khẳng định tới đây ông sẽ có văn bản gửi Bộ TN-MT nói cụ thể về những điểm chưa phù hợp để Bộ TN-MT có ý kiến.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: “Đây là việc đối thoại giữa cá nhân bác ấy (ông Võ - PV) với người dân chứ không phải là chủ trương của Bộ TN-MT. Việc bác ấy phát biểu chỉ là dưới góc độ cá nhân, bộ không có ý kiến gì vì lần đối thoại này không phải do bộ tổ chức. Trước đó bộ cũng đã cùng Thanh tra Chính phủ đối thoại với các hộ dân Văn Giang. Còn việc bác Võ có ý kiến với bộ, bộ sẽ lắng nghe. Nhưng hiện nay phải chờ xem ý kiến của bác ấy thế nào, sau đó bộ sẽ cùng xem xét”.
Nhiều người dân Văn Giang tham gia đối thoại (Ảnh: Nguyễn Khánh)
Dự án khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang Tháng 6-2004, Thủ tướng có quyết định thu hồi 554ha đất tại ba xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao (huyện Văn Giang, Hưng Yên) giao cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng triển khai dự án xây dựng khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang (Ecopark). Năm 2009, tỉnh Hưng Yên đã bàn giao đợt 1 cho chủ đầu tư với diện tích 57,19ha. Trong đó, diện tích đất giao cho dự án đô thị là 49,87ha, diện tích đất giao để làm đường giao thông liên tỉnh 7,32ha. Theo kế hoạch, tỉnh Hưng Yên tiếp tục bàn giao 72ha đất nông nghiệp tại xã Xuân Quan cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án vào cuối tháng 4/2012. Theo đó, trong số 72ha đất bàn giao đợt này, ngoài 5,8ha đất nông nghiệp thuộc 166 hộ ở diện phải cưỡng chế, còn 66,2ha của các hộ đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ, bàn giao đất. Ngày 24/4, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện cưỡng chế thu hồi 5,8ha đất nông nghiệp của 166 hộ thuộc xã Xuân Quan để bàn giao cho chủ đầu tư. Theo đại diện các hộ dân Văn Giang, kiến nghị của người dân gửi các cơ quan mong muốn làm rõ tính pháp lý của các văn bản liên quan đến việc thu hồi đất, trong đó có hai tờ trình của Bộ TN-MT trình Chính phủ trước khi Thủ tướng ký quyết định thu hồi 554ha đất tại Văn Giang. Theo đó, các hộ dân Văn Giang kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh thu hẹp dự án, trả lại phần đất cho các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường để người dân tiếp tục trồng cây cảnh. |
Xuân Long - Trịnh Hữu Long (thực hiện)
- “Phá băng” bất động sản: Giá phải giảm thêm
- Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới: Không sạch mà cũng không rẻ
- Quản lý chất lượng công trình thủy điện - Nhiều bất cập
- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cân nhắc về biểu tượng của thủ đô
- Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Sức hút của một trung tâm kinh tế, tài chính
- Kiểm tra các dự án nhà ở giảm giá: Làm khó thị trường
- Luật Đất đai: Khung giá đất sẽ được tăng dày các vùng giá trị
- TPHCM: Siết chặt kiểm tra sau quy hoạch
- Ông Hồ Nghĩa Dũng: "Hầm đèo Cả được thiết kế phù hợp với đường cao tốc Bắc - Nam"
- Phát triển du lịch là bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này