Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới: Không sạch mà cũng không rẻ

Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới: Không sạch mà cũng không rẻ

Viết email In

Thanh Niên đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, người từng tham gia nhóm nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, xung quanh những nghiên cứu về tác hại của thủy điện với môi trường.  

Thủy điện không sạch 

Thưa ông, thủy điện có phải là nguồn năng lượng sạch như trước nay người ta vẫn nghĩ? 

Ông Nguyễn Hữu Thiện (ảnh bên): - Theo một nghiên cứu của Đại học Alberta (Canada), lượng phát thải khí nhà kính từ các hồ thủy điện đóng góp khoảng 7% nguồn khí nhà kính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Mạng lưới Nam Á về đập, sông ngòi và con người thì cho biết, tổng lượng phát thải của các đập lớn ở Ấn Độ là khoảng 45,8 triệu tấn khí methane (CH4) mỗi năm, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Ấn Độ. Ông Patrick McCully, Giám đốc Mạng lưới sông ngòi quốc tế (International Rivers Network), nói rằng: “Những người lập chính sách về khí hậu đã đánh giá thấp tầm quan trọng của methane phát thải từ đập. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này”. 

Theo tờ Science Daily, ở Thụy Sĩ, một lượng lớn khí methane phát thải ra không chỉ từ các hồ chứa thủy điện lớn mà còn từ các hồ chứa của đập dâng (run-of-river dam), đặc biệt là vào mùa hè khi nhiệt độ nước cao lên. Lượng phát thải CH4 hằng ngày của hồ Wohlen, gần thành phố Bern, là 150 miligam/m2 mặt hồ. Khi nhiệt độ ấm lên đạt 170C thì sự phát thải tăng gấp đôi, tương đương với lượng phát thải ở các đập ở vùng nhiệt đới. Ngoài ra, các công trình thủy điện thường dẫn đến sự tàn phá rừng bằng nhiều cách bao gồm mất rừng tại nơi xây dựng đập, diện tích rừng bị dìm ngập trong lòng hồ, diện tích rừng bị phá để làm đường truyền dẫn điện, và khi các cộng đồng bị tái định cư, mất đất, mất sinh kế sẽ phải trở thành “lâm tặc bất đắc dĩ”, phải phá thêm rừng để sinh sống. Những diện tích rừng bị mất này sẽ làm mất đi chức năng hấp thu và lưu trữ carbon. 

Những điều này cho thấy thủy điện không hẳn là nguồn năng lượng sạch. 


Đập thủy điện Đăk Mek 3 bị “xe ben đụng vỡ” gây nên lo ngại lớn về chất lượng xây dựng các đập thủy điện (Ảnh: Trần Hiếu) 

Xin ông cho biết cụ thể về việc các hồ thủy điện gây nguồn phát thải khí nhà kính như thế nào? 

- Các nghiên cứu gần đây cho thấy hồ chứa thủy điện ở thượng lưu đập và kể cả đoạn sông ngay phía hạ lưu đập có phát thải một lượng đáng kể khí CH4 và khí carbonic (CO2) vào khí quyển. Theo IPCC, CH4 là một loại khí nhà kính mạnh gấp 21 lần khí CO2 trong tiềm năng làm nóng lên toàn cầu, tính cho cùng giai đoạn 100 năm.

Khi hồ chứa bắt đầu tích nước, một lượng lớn vật liệu hữu cơ từ thực vật và đất bị dìm xuống đáy hồ, nhất là khi diện tích bị ngập là rừng. Sau đó vật liệu hữu cơ từ các nguồn khác nhau trong lưu vực như xác bã thực vật, dư lượng phân bón nông nghiệp trong lưu vực, chất thải chăn nuôi sẽ tiếp tục theo các nhánh sông dẫn đến hồ chứa và bị giữ lại trong hồ. Ngoài ra, hằng năm khi mực nước hồ hạ thấp theo mùa, thực vật sẽ phát triển ven bờ, sau đó lại bị dìm chết khi nước hồ lên cao trở lại. Tất cả những vật liệu hữu cơ này bị lắng xuống đáy hồ tích tụ trong điều kiện thiếu ô xy. Thêm vào đó, trong hồ, phiêu sinh thực vật cũng phát triển nhiều hơn so với sông trước đây. Xác bã phiêu sinh thực vật chết cũng sẽ lắng xuống đáy hồ.

Trong điều kiện dòng sông chảy tự nhiên thì nước được pha trộn, nên ô xy được cung cấp tận đáy sông, nhờ đó vật liệu hữu cơ sẽ phân hủy trong điều kiện có ô xy, phần lớn carbon phân hủy sẽ tạo ra khí CO2. Còn ở lớp nước bên dưới trong hồ thủy điện do thiếu ô xy, sự phân hủy dưới tác động của vi sinh vật yếm khí làm cho phần lớn carbon của vật liệu hữu cơ bị chuyển thành khí CH4. Điều này có nghĩa là cùng một lượng carbon chứa trong vật liệu hữu cơ, nếu bị phân hủy trong điều kiện của hồ thủy điện, sẽ gây nóng lên toàn cầu gấp nhiều lần so với nếu không bị dìm dưới đáy hồ và phân hủy trong môi trường trên cạn. 

Đập chỉ rẻ đối với nhà đầu tư 

Nhưng đây lại là nguồn năng lượng rẻ tiền và sẵn có?

Theo TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, nhiều nước trên thế giới đã nhận ra tác hại của các đập thủy điện đối với môi trường. 

Mỹ đã phá bỏ 4 đập thủy điện trên sông Klamath chảy dọc giữa 2 bang California và Oregon. Brazil và Myanmar cũng đã đình chỉ việc xây dựng các đập thủy điện gây hủy hoại rừng, môi trường… Các tổ chức WB, IMF, ADB cũng gần như không còn tài trợ những dự án thủy điện lớn trong khi Việt Nam lại quá hăm hở với thủy điện. 

- Ngày nay khoa học đã cho thấy thủy điện gây ra những thiệt hại đáng kể về môi trường và xã hội. Đập làm thay đổi môi trường nước, môi trường đất, ảnh hưởng thủy sản, nông nghiệp và vô số các tác động tiêu cực do sự thay đổi dòng chảy tự nhiên. Tuy nhiên, rất khó để có thể tính ra bằng tiền toàn bộ chi phí do tác động của thủy điện gây ra vì những chi phí này không chỉ ở tại chỗ mà còn diễn ra trong phạm vi địa lý rất lớn, có khi là xuyên biên giới, trong khoảng thời gian rất dài. Số người gánh chịu chi phí cũng rất đông và đa dạng, trong đó người nghèo ở nông thôn bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Thủy điện chỉ rẻ đối với nhà đầu tư bởi nhà đầu tư chỉ phải chịu các loại chi phí chính là xây dựng, vận hành, tái định cư và thường không phải trả những chi phí khác mà xã hội và môi trường phải gánh chịu. Ngoài ra, nếu đập được thiết kế và vận hành an toàn thì chi phí tháo dỡ đập sau khi hết hạn sử dụng (thường khoảng 50 năm) chưa được tính vào chi phí của nhà đầu tư. Đó là chưa kể chi phí trong trường hợp phải tháo dỡ đập do thiết kế hay xây dựng kém chất lượng, không an toàn... 

Chí Nhân (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2698 khách Trực tuyến

Quảng cáo