Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Đối thoại Quản lý chất lượng công trình thủy điện - Nhiều bất cập

Quản lý chất lượng công trình thủy điện - Nhiều bất cập

Viết email In

Thời gian gần đây, sự cố liên quan đến các công trình thủy điện liên tục xảy ra. Một số sự cố đã bộc lộ rõ nguyên nhân là do công tác quản lý chất lượng công trình thủy điện bị buông lỏng. Vậy trách nhiệm đối với các sự cố này thuộc về ai? Có nên dừng xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Văn, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng.  

Có nhiều đơn vị chức năng cùng tham gia quản lý công trình thủy điện, đặc biệt là các đập chắn tại các hồ chứa, thế nhưng khi xảy ra sự cố dư luận lại nghĩ ngay đến trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Vậy ông có thể giải thích rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan, việc phân cấp quản lý hiện nay như thế nào, trong đó Bộ Xây dựng có trách nhiệm gì trong công tác quản lý chất lượng các công trình thủy điện?

Ông Phạm Tiến Văn (ảnh bên): - Đúng là có vấn đề như vậy. Theo quy định, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, trong đó có việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng nói chung. Các bộ NN-PTNT, Công thương, UBND các tỉnh, Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương có trách nhiệm quản lý đập thủy điện, thủy lợi theo Nghị định 72 về quản lý an toàn đập. Trong đó, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn đập, bao gồm cả việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kiểm định về an toàn đối với đập thuộc phạm vi do bộ quản lý… 

Bộ Công thương có trách nhiệm về quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập thủy điện, trong đó bao gồm việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kiểm định an toàn các đập thủy điện. UBND cấp tỉnh cũng được phân cấp thực hiện kiểm tra, thanh tra về an toàn đối với các đập do tỉnh quản lý; tổ chức và giám sát việc kiểm định an toàn đối với các đập của hồ chứa có dung tích dưới 10 triệu m3; quyết định việc nghiệm thu, bàn giao đối với các đập do UBND tỉnh phê duyệt đầu tư hoặc cấp phép xây dựng… 

Trách nhiệm của các bên đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản pháp quy như vậy nhưng vì sao các sự cố vẫn xảy ra? Ông có thể chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý hiện nay?

- Theo thống kê, các sự cố công trình thủy điện trong thời gian gần đây như Đăk Mek 3 (tại Kon Tum), Đăk Rông 3 (tại Quảng Trị), Đạm Bol - Đạ Tẻh (tại Lâm Đồng), Hố Hô (tại Hà Tĩnh - Quảng Bình)... đều là những công trình thủy điện nhỏ do các doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, có công trình đang thi công xây dựng và có công trình đã đưa vào khai thác sử dụng. 

Trong Nghị định 72 đã nêu rất rõ việc khảo sát, thiết kế và thi công đập phải tuân theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các quy định về quản lý chất lượng xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngay từ khi khởi công xây dựng đập, chủ đập phải cử cán bộ kỹ thuật tham gia theo dõi thi công, nghiệm thu các hạng mục và nghiệm thu tổng thể công trình để tiếp nhận quản lý khi công trình hoàn thành; lập lý lịch công trình đập cho giai đoạn xây dựng theo quy định. Đập chỉ được nghiệm thu để đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được kiểm tra và chứng nhận, bảo đảm về chất lượng theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Với các sự cố vừa xảy ra, ngoài các nguyên nhân khách quan, còn do chất lượng khảo sát, thiết kế chưa đạt yêu cầu; năng lực của các chủ thể tham gia xây dựng như chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng... yếu kém, không làm hết trách nhiệm. 


Thủy điện A Vương xả lũ hồi cuối tháng 9/2009 đã góp phần gây lũ lớn vùng hạ du sông Vu Gia, Thu Bồn (Ảnh: Nguyên Khôi) 


Chỉ trên một đoạn sông Côn nhưng có đến 5 nhà máy thủy điện. 

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng thời gian qua xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở” các công trình thủy điện nhỏ ở các địa phương nhưng chất lượng lại hầu như bỏ ngỏ, nếu vẫn giữ cung cách quản lý thiếu chặt chẽ như hiện nay thì nên dừng xây dựng các công trình thủy điện, vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trong điều kiện còn thiếu hụt điện như hiện nay thì việc xây dựng các công trình thủy điện nhỏ tận dụng được nguồn năng lượng có khả năng tái tạo có vai trò nhất định trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm áp lực về nhu cầu điện cho quốc gia và tạo khả năng phát triển cho các ngành nghề mang dáng dấp công nghiệp tại địa phương.

Tuy nhiên, việc phát triển các công trình thủy điện nhỏ cần phải được đặt trong quy hoạch tổng thể và được kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu đến môi trường, tránh làm mất đất và rừng. Cần phải xem xét, đánh giá cụ thể về hiệu quả tổng thể về cả tác động môi trường đến lợi ích về điện năng đối với từng dự án cụ thể. Các công trình vi phạm quy hoạch, vi phạm về chất lượng, ảnh hưởng xấu đến an toàn môi trường cần phải được xem xét lại. Các công trình đảm bảo các yếu tố về kinh tế, kỹ thuật, xã hội phải được quan tâm hơn đến việc giám sát, kiểm tra và thanh tra trong quá trình thực hiện dự án. 


Đập thủy điện Đắk Mi 4 tại Phước Sơn, Quảng Nam (ảnh trái) chặn đầu nguồn khiến sông Đắk Mi trơ đáy (ảnh phải). 

Được biết, Bộ xây dựng đã có kế hoạch tổng rà soát các công trình hồ đập thủy điện trên toàn quốc, xin ông cho biết kế hoạch này đã thực hiện đến đâu?

- Vừa qua Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các địa phương thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn đập các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã tích nước trên toàn quốc. 

Theo đó, Bộ Xây dựng đã kiểm tra 35 công trình đập hồ thủy điện, thủy lợi bao gồm các công trình thủy điện, thủy lợi đã tích nước có chiều cao đập trên 50m, các công trình ảnh hưởng đến hạ du khi gặp sự cố như hồ thủy điện Tuyên Quang, Sơn La, hồ chứa nước Cửa Đạt, thủy điện Đồng Nai 3, 4… Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức, kiểm tra đánh giá các đập thủy điện có chiều cao từ 15 - 50m hoặc có dung tích hồ chứa từ 3 triệu m³ trở lên. UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình hồ đập đã tích nước còn lại trên địa bàn có chiều cao đập dưới 15m và dung tích hồ chứa dưới 3 triệu m³. 

Bích Quyên (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2516 khách Trực tuyến

Quảng cáo