Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Góc nhìn Nhân chuyện bảo tàng

Nhân chuyện bảo tàng

Viết email In

Câu chuyện xây bảo tàng mấy tuần nay bỗng làm nóng dư luận lại bắt nguồn từ việc Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ món tiền dự toán chừng 11 nghìn tỉ đồng cho việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. 

Đúng là giữa lúc kinh tế nước nhà đang lao đao vì khủng hoảng, đầu tư công kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân thì một số tiền lớn như thế dễ gây sốc. Hằng ngày trên các phương tiện thông tin đăng không ít hình ảnh các công trình thiếu vốn phải đắp chiếu chờ tiền cũng như nhiều công trình còn phải nằm trên giấy không biết đến bao giờ mới động thổ. Mà đâu có phải là những công trình không thiết thực, toàn là đường sá, cầu cống hay trường học, bệnh viện... Lại thêm Bảo tàng của Thủ đô Hà Nội xây nhân kỷ niệm 1.000 năm, nay vẫn còn tình trạng “trống ruột” như một lời cảnh báo cho công trình sắp xây...  


Trong bảo tàng Hà Nội (ảnh minh họa)

Dư luận từ chỗ băn khoăn xem nên hay không nên, thậm chí còn phản đối việc bỏ một món tiền to thế vào một việc dễ thất vọng nếu nhìn từ hiện trạng kém phát triển của ngành bảo tàng ở nước ta đến chỗ tập trung nhiều ý kiến, nhiều gợi ý, trong đó có cả ý kiến của các chuyên gia bàn về làm thế nào cho bảo tàng ở ta được... như thiên hạ khi so sánh với nơi này nơi khác của những bảo tàng nổi tiếng ở nước ngoài. 

Riêng tôi khi được hỏi có nên đầu tư “khủng” cho một dự án như vậy không thì chỉ dám trả lời bằng cách nhắc đến mối lo rằng: chỉ e đến một ngày (không xa), chính dư luận lại lên tiếng phê bình rằng đến bây giờ, nước ta vẫn chưa có được một Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đàng hoàng... như của thiên hạ. Đúng là ở thời điểm này các nhà quản lý ngành bảo tàng cũng như những người có trách nhiệm xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nên lắng nghe, ghi nhận mọi ý kiến của dư luận để chuẩn bị tốt hơn khi nhà nước có điều kiện đầu tư xây dựng thì trong cái vỏ đã có được một nội dung trưng bày tương xứng với đồng tiền bát gạo mà dân nước đã đầu tư, cũng là tương xứng với cái cơ đồ lịch sử quốc gia mà cha ông ta để lại. 

Cũng nhân chuyện bảo tàng, xin thuật lại vài chuyện cũ để góp thêm cho bài học về làm giàu cho di sản quá khứ, cũng là những hiện vật sẽ được trưng bày trong các bảo tàng, để thấy người xưa ứng xử với cổ vật như thế nào. 

Câu chuyện thứ nhất liên quan một cổ vật được phát hiện cách đây đã ngót một trăm năm: Chiếc lư đồng ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá. 

Ngày 4/8/1916, lý trưởng làng Thượng Gia, tổng Phú Hà, phủ Thọ Xuân, Thanh Hoá bẩm báo với tri phủ Thọ Xuân rằng ở làng mình có một dân đinh họ Trịnh đi làm ăn trên vùng Mường đã 3,4 tháng mà không thấy về. Vợ ở nhà phát điên đã vài ba lần định thắt cổ hay nhảy xuống sông tự vẫn. 

Viên tri phủ bèn cho lính lệ đến kiểm tra, thấy chị ta hiền lành lại rất nghèo, sống trong một căn nhà rất tồi tàn. Được hỏi, chị ta kể rằng chồng thì đi biệt tăm, mà đêm đến cứ đặt mình là mơ thấy có người đến xua đuổi mình ra khỏi giường, sợ quá nên đổ bệnh. Chị muốn chuyển nhà đi chỗ khác sống, nhưng thân cô, lại nghèo nên không biết xoay sở ra sao, đâm ra tuyệt vọng mà muốn chết. 

Biết vậy, viên tri phủ bèn sức cho lý trưởng trong làng huy động bốn suất đinh đến cất cho chị ta một gian nhà khác ở gần đó. Xong việc, anh lệ của nhà tri phủ bàn với lý trưởng thử đào nền nhà cũ xem có cái gì làm gia chủ phát điên. Đào sâu được 3 mét thì thấy chềnh ềnh một cái độc lư, vội bẩm báo. Viên tri phủ ra lệnh giao cái lư đồng đó cho lý trưởng giữ, chờ chủ nhà tức chồng chị ta về rồi sẽ tính sau. Còn người vợ kể từ đó khỏi hẳn bệnh, chẳng nghĩ gì đến chuyện muốn chết nữa…

Một tháng sau, anh chồng trở về, lý trưởng giao trả cái lư độc. Anh Vạn vác cái lư lên gặp viên tri phủ, trước là để cảm ơn việc đã giúp đỡ gia đình anh ta, sau là để trình rằng cái lư không phải của mình, lại của người xưa nên không thiết giữ, xin trả lại quan trên, chỉ muốn, nếu có thì chỉ xin ít tiền thưởng. Tri phủ Thọ Xuân bèn cho cân chiếc lư thấy nặng 9kg, tính theo giá đồng trả cho nhà anh dân quê họ Trịnh 7 đồng bạc Đông Dương hồi đó. Còn chiếc lư đồng thì tri phủ đem tặng cho Hội Đô Thành Hiếu Cổ (Association des Amis du Vieux Hué) để đưa vào trưng bày tại bảo tàng của Hội cho mọi người được chiêm ngưỡng. 

Nhờ thế mà trên tờ tập san của Hội (BAVH- Bulletin des Amis du Vieux Hué), ông chủ bút, linh mục - học giả nổi tiếng L.Cadière mới viết một bài khảo tả và vẽ hình chiếc độc lư này với nhận xét rằng người đúc chiếc lư này đã chép mẫu của lư bằng gốm rất đẹp, tinh tế nhưng lộ chút vụng về. Còn trong bài thông báo của ông tri phủ sở tại thì nguồn gốc của chiếc độc lư, theo lời kể của các bô lão trong vùng thì có thể nó ở vào thời các chúa Trịnh-Nguyễn sát phạt nhau dưới triều của vua Lê, tất cả đều gốc gác xứ Thanh. Vì loạn lạc mà chủ nhân của chiếc lư đồng có thể là một trong 3 dòng họ phải đem chôn cất. Còn vì sao cô vợ anh nông dân họ Trịnh điên rồi lại tỉnh thì không thấy nói đến nữa. 


(ảnh minh họa) 

Câu chuyện thứ hai, cách đây 5 năm (1997) tôi đã có kể đến ở một lần “Nghĩ ngợi cuối tuần”, nay tóm tắt lại, chủ yếu ở cái đoạn kết. Đó là câu chuyện liên quan đến “Kho vàng Sầm Sơn” thuật lại việc một gia đình thuyền chài ở xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá, vào đêm Rằm tháng Bảy năm Giáp Tuất (8.1934) đi câu lưới vớt được một chiếc hòm lớn. Mở ra thì thấy trong có đựng nhiều tiền đồng, nén vàng, nén bạc... lại thêm cả súng gươm nạm vàng bịt bạc... 

Vài hôm sau, chuyện lộ ra, lại thêm sự việc nhiều người ra bãi biển nhặt được vàng bạc rơi vãi dạt vào cùng sóng biển. Tin đồn thổi khiến thiên hạ tứ xứ kéo đến mót vàng bạc kín cả bãi biển Sầm Sơn. Lại có cả dân buôn vàng từ Hà Nội lên mở tiệm thu mua... Lại nghe thêu dệt câu chuyện Thần Đền Độc Cước thời Tây sang đánh ta, không muốn châu báu rơi vào tay người ngoài, Ngài đã hút toàn bộ kho vàng ấy biến thành một ánh sao băng vút lên giời, nay mới đổ xuống cho dân ta xài... 

Thấy việc dân chúng đổ xô đến Sầm Sơn tìm của có hại cho cuộc trị an, quan Tây bèn điều binh xuống quây cả vùng, nội bất xuất ngoại bất nhập. Những người nhặt được của bị tạm giữ, khảo tra và nộp hết cho công quỹ. Thợ lặn được điều đến khảo sát tận đáy bảo đảm không còn gì dưới biển nữa. Đích thân Tổng đốc Thanh Hoá Nguyễn Bá Trác công bố tổng cộng thu được 99 nén vàng, mỗi nén 10 lạng và một phần tư, tổng trị giá 60.000 đồng bạc Đông Dương, cộng thêm 100 nén bạc, cùng 2.500 đồng bạc Đông Dương thu được từ những người buôn bán trái phép cổ vật. 

Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội cử học giả về khảo cứu đưa ra giả thiết rằng đây là số của cải của vua Lê thời loạn lạc ở thế kỷ XVIII chở từ kinh đô Thăng Long về Thanh Hoá bị đắm thuyền nay mới phát hiện được. 

Cái kết cục của câu chuyện này mới đáng suy ngẫm. Sau khi một ông Tiến sĩ luật khoa người Pháp tra cứu sách vở kết luận rằng theo các bộ luật của nước Pháp, của xứ Đông Dương và của Đại Nam thì số tài sản này thuộc về Nam triều của vua Bảo Đại. Những người phát hiện hay nhặt được đều không bị phạt nhưng cũng không được thưởng, chỉ những ai chiếm giữ nó mới bị tội. 

Rốt cuộc, vua Bảo Đại, người vừa mới từ bên Pháp về chấp chính (1932) ra chỉ dụ (tất nhiên được Khâm sứ Trung Kỳ duyệt y) quyết định toàn bộ số tài sản ấy là của triều đình nhưng sẽ dùng một phần để trả chi phí cho việc thu hồi trong đó có công của các nhà khảo cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ; trích 10% giá trị thu được thưởng cho quan và dân địa phương bằng việc dùng số tiền đó trùng tu một di tích của triều Lê ở Bố Vệ, một ngôi chùa ở Hải Nhuận, một nhà thương ở địa phương và chiếu cố người con nhà thuyền chài phát hiện đầu tiên được trông nom rặng phi lao nhà nước trồng ở bãi biển Sầm Sơn. 

Người đứng đầu triều đình cũng không quên dành 2 nén vàng “đẹp” nhất, một số hiện vật quý mang tính mỹ thuật như gươm, súng, tiền cổ tặng lại Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) và Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Hoàng thành Huế) làm hiện vật trưng bày. 

  • Ảnh bên: Tác giả tiếp xúc với các nhà sưu tập Việt kiều ở Cali đang mong muốn được đưa cổ vật về nước. 

Câu chuyện thứ ba thực ra chỉ là những điều lượm lặt được trong những chuyến ra nước ngoài, thấy rằng vì nhiều lý do lịch sử mà cổ vật Việt Nam có mặt ở nước ngoài rất nhiều. Nó nằm ở nhiều bảo tàng quốc gia nước bạn, nhất là ở Pháp là quốc gia có nhiều quan hệ lịch sử với Việt Nam. Ngay ở bảo tàng Cung điện Mùa Hè ở Tây Ban Nha cũng thấy có một số cuốn sách quý của triều đình Việt Nam (bằng chữ Hán), đó là chưa kể đến những trung tâm truyền giáo vốn đã tiếp xúc với nước ta từ rất sớm và ai cũng biết do mối quan hệ lịch sử “núi liền núi, sông liền sông” mà rất nhiều cổ vật Việt Nam hẳn vẫn còn ở trong các kho tàng lưu trữ hay bảo tàng của Trung Quốc... Còn có những bộ sưu tập tư nhân nằm rải rác khắp thế giới, của người Việt Nam và cả người ngoại quốc đang có trong tay rất nhiều cổ vật Việt Nam. 

Năm ngoái, đến tiểu bang California ở Mỹ, tôi đã gặp một nhóm Việt kiều thuộc nhiều thế hệ đã tích hợp được một sưu tập rất phong phú cổ vật của nhiều nước, trong đó có bộ sưu tập cổ vật của các tộc người thuộc Bách Việt có nhiều liên hệ mật thiết với văn hoá nước ta và nhiều cổ vật Việt Nam. Họ có nguyện vọng muốn được chuyển về giới thiệu trong nước nhưng chưa biết cơ chế nào hỗ trợ cho họ... Những câu chuyện như vậy chắc không ít, cũng như mấy lần ta mua “hụt” các cổ vật hay tài liệu lịch sử quý của Việt Nam tại các cuộc đấu giá ở nước ngoài... 

Nhìn lại các bảo tàng lớn trên thế giới, mọi bảo tàng danh giá nhất đều bắt đầu là những bộ sưu tập cá nhân hay dòng tộc. Thu hút được các bộ sưu tập ấy thành bảo tàng phục vụ xã hội, hay như cách gọi ở ta là xã hội hoá luôn là một nguồn lực thường lớn hơn cả nhà nước. Vấn đề là xây dựng cơ chế thích hợp. Rất nhiều bảo tàng quốc gia trên thế giới luôn dành những vị trí trang trọng để giới thiệu các bộ sưu tập tư nhân và những hình thức vinh danh với những đóng góp của tư nhân... Câu chuyện mới đây nhất Bảo tàng Louvre của Pháp trưng bày hẳn một gian lớn một sưu tập rất giá trị về Văn hoá Đạo Hồi do ngân sách một hoàng tử Ả Rập đóng góp là một ví dụ. 

Do vậy bên cạnh việc quy hoạch xây dựng kiến trúc, thiết kế nội thất trưng bày và các bộ sưu tập... thì một việc cũng sớm phải làm là xây dựng những chính sách, quy chế thúc đẩy xã hội hoá nhằm thu hút đóng góp của toàn xã hội, trong đó vận dụng cả những yếu tố luật pháp và tập quán quốc tế để thu hút được những sưu tập hiện vật xuất xứ từ nước ta đang ở nước ngoài góp mặt trong những bảo tàng trong nước. Nói cách khác ngay những nhà hoạch định chính sách và quản lý ngành bảo tàng cũng phải xây dựng cho mình một văn hoá ứng xử với cổ vật mà mấy câu chuyện cũ kể lại ở trên là những ví dụ rất thật. 

Dương Trung Quốc 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo