Chưa có dự án thủy điện nào gây nhiều tranh cãi và làm dư luận “nổi sóng” như dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Hai dự án này do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 5.700 tỷ đồng. Theo dự kiến sau khi hoàn thành, 2 dự án sẽ có tổng công suất 241MW, cung cấp điện cho các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước. Tổng diện tích chiếm vĩnh viễn của dự án là 320ha, trong đó có 137ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên.
Cũng theo dự kiến, nếu công trình hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ nộp cho ngân sách 322 tỷ đồng trong 40 năm khai thác, tức mỗi năm ngân sách chỉ được thêm khoảng hơn 8 tỷ đồng…
Nhìn những thông số kinh tế - kỹ thuật trên có thể thấy đây là 2 dự án thủy điện không lớn và cũng chưa phải đòi hỏi cấp bách về nhu cầu cung cấp điện của vùng này. Tuy nhiên, phản ứng của dư luận, các nhà khoa học và đặc biệt là các nhà bảo vệ môi trường thì bùng lên dữ dội suốt thời gian qua, ngay từ khi dự án mới được đưa vào quy hoạch của ngành điện lực 2011 – 2020 và đỉnh của dư luận là những ngày gần đây – thời điểm các cơ quan chức năng và Quốc hội chuẩn bị xem xét và thông qua dự án.
Các luồng ý kiến phản bác 2 dự án này chủ yếu tập trung vào vấn đề: lợi ích của các dự án đem lại không lớn, nhưng thiệt hại về nhiều mặt rất lớn, thậm chí có những thiệt hại không thể nào bù đắp hoặc khôi phục được. Đặc biệt, nếu dự án được thực hiện sẽ làm biến mất 850 loài thực vật bậc cao mà không tồn tại ở nơi nào khác trên đất Việt Nam và thế giới.
Chưa hết, dự án sẽ làm mất môi trường sống dẫn đến tuyệt chủng một số loài động vật quý hiếm của thế giới, chỉ có duy nhất ở đây như cá sấu xiêm (cá sấu nước ngọt) và một số loài khác như tê giác, chim trĩ… Vườn quốc gia Cát Tiên, trong đó có phức hệ Bầu Sấu, là vùng đầm lầy nguyên thủy lớn nhất Việt Nam. Tại đây còn có những bãi muối khoáng hình thành tự nhiên, vốn là vùng cung cấp muối khoáng vô cùng quan trọng cho các loài thú hoang dã.
Mặt khác, Vườn quốc gia Cát Tiên còn là địa điểm du lịch nổi tiếng của đất nước, thu hút đông đảo du khách quốc tế và trong nước, đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khi thực hiện 2 dự án này, địa điểm du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ bị biến dạng và di sản sẽ mãi mãi không được thế giới công nhận. Thiệt hại ấy gấp nhiều lần so khoản 8 tỷ đồng nộp vào ngân sách mỗi năm kia? Đó là chưa kể đến hậu quả do tác động của 2 đập thủy điện đối với vùng hạ lưu sông Đồng Nai: mùa khô sẽ bị hạn nặng hơn và tình trạng mặn xâm nhập gia tăng, còn mùa mưa thì lũ chồng lũ khi hồ xả nước…
Để phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta rất cần đến nguồn điện dồi dào, trong đó thủy điện chiếm phần lớn. Tuy nhiên, các dự án xây dựng thủy điện cần phải được xem xét, đánh giá một cách khoa học và toàn diện, đặc biệt là cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và tác động môi trường của dự án. Khi lợi ích kinh tế của dự án không lớn mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái đặc thù thì kiên quyết không thực hiện dự án. Nói cách khác, không được phát triển kinh tế bằng mọi giá, làm mất cân bằng sinh thái, hủy hoại môi trường.
Xét trên nhiều mặt, hãy dừng dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi chưa muộn!
Phan Lộc
- Luật đất đai: Hoãn để "chín" hơn?
- Hãy học nghề “bảo tồn” nhé!
- Nhìn sâu vào quá khứ
- Golf và kinh tế golf tại Việt Nam
- Công tác giải phóng mặt bằng: Làm sao an dân?
- Nhân chuyện bảo tàng
- "Nhà ta ta cứ xây..."
- Những chung cư không sáng đèn
- Kêu gọi dân “hy sinh vì thuỷ điện”: Như thế là tội ác!
- Thành phố mất an toàn