Ashui.com

Wednesday
Jan 22nd
Home Tương tác Góc nhìn Xanh đôla vs. xanh cây lá

Xanh đôla vs. xanh cây lá

Viết email In

Vào một đêm không mưa không trăng, đoàn người lặng lẽ đi xuyên qua những bãi cỏ tranh trong sự tĩnh lặng của rừng. Dưới ánh sáng nhè nhẹ của cây đèn soi đường, nhiều người tròn mắt thích thú nhìn đàn nai nhởn nhơ ăn cỏ. Mấy con chồn hương chuyền cành ăn quả chín. Thi thoảng, một chú lợn rừng băng nhanh qua bóng đêm trong bản hòa ca của muôn loài côn trùng.  

Đó là cái đẹp mà những ai đã có dịp thăm rừng quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai không thể quên, nhất là với những người hướng tới thiên nhiên. Còn những người hướng tới kinh tế, họ quan tâm nhiều hơn tới 2 công trình thủy điện chuẩn bị được xây dựng gần khu vực này là Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin đầu tư dự án này với gần 5.700 tỉ đồng, công suất 240 MW. 

Tại hội thảo môi trường liên quan đến dự án tổ chức tháng 10 năm ngoái, ông Đỗ Đức Quân, Vụ phó Vụ Năng lượng - Bộ Công Thương, cho biết con số 137 ha rừng mất cho 240 MW thủy điện của công trình này thấp hơn so với những dự án khác.

Dự án Đồng Nai 6 và 6A dự kiến sẽ sản xuất lượng điện 929,16 triệu kWh/năm, gần bằng lượng điện tiêu thụ của 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước. Rõ ràng, điện phục vụ nền kinh tế sẽ tăng lên đáng kể để hòa vào lưới điện quốc gia, phục vụ tăng trưởng kinh tế cho vùng Đông Nam Bộ năng động và luôn nhộn nhịp các hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học đánh giá một cách khách quan các tác động tiêu cực. Nếu được nhiều hơn mất thì nên đánh đổi”, ông Quân cho biết. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, bài toán kinh tế và bảo tồn không đơn giản là phép so sánh nhất thời như vậy. Nếu tính tới lợi ích lâu dài, chưa biết cái nào lớn hơn và cái nào cần phải hy sinh. “Vườn Quốc gia Cát Tiên không nên có thêm một công trình như vậy. Nếu làm mà phá vỡ cảnh quan, tác động xấu đến hệ động, thực vật của Vườn Quốc gia thì có nên không?”, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, bày tỏ. 

Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Cát Tiên, cho rằng trong tương lai Việt Nam có thể xây được những công trình vĩ đại như tòa Tháp đôi Petronas của Malaysia nhưng rừng Cát Tiên nếu mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được. “Dự án lấn chiếm hàng trăm ha rừng cho thủy điện ngay trong vòng lõi và yếu huyệt - điểm trung chuyển giữa cao nguyên và đồng bằng - là nguy hại nhiều mặt chưa thể ước tính”, ông nói. 

Nhưng ngay cả khi chưa mất, thiệt hại cũng sẽ không nhỏ nếu khu dự trữ sinh quyển này để cho các mục đích khác tác động xấu, như những gì đã xảy ra với núi Phú Sĩ nổi tiếng của Nhật. “Lúc leo núi Phú Sĩ, tôi nghe có tiếng ầm đằng rất xa và cô Ayumi Kinezuka đi cùng giải thích rằng đó là tiếng súng tập của lực lượng phòng vệ binh. Chính vì thế mà Phú Sĩ không được công nhận là di sản thế giới”, ông Thuật kể lại. 

Chuyện núi Phú Sĩ rất có ý nghĩa với Cát Tiên, nhất là vào ngày 17.9 tới, đoàn chuyên gia thế giới sẽ bắt đầu chuyến thẩm định hồ sơ Di sản Thế giới của Việt Nam về Cát Tiên. Nếu được công nhận là di sản, việc thu hút khách du lịch tới với Việt Nam sẽ tăng đáng kể và duy trì lâu dài. 

Điều thú vị là những khu bảo tồn như Cát Tiên có thể hoàn thành sứ mạng môi trường và thiên nhiên rất tốt mà vẫn có thể mang lại những đồng bạc xanh từ du khách nước ngoài. Ngày càng có nhiều du khách bỏ tiền để được tham gia những chuyến đi hòa mình vào thiên nhiên. “Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam mà du khách có thể quan sát trực tiếp được bò rừng, nai… đi lại vào ban đêm”, ông Thành cho biết. Tiềm năng kinh tế từ đó là không nhỏ. Và vững bền. 

Trong khi đó, những công trình thủy điện không thể cùng lúc hoàn thành 2 sứ mạng vừa kinh tế vừa môi trường như vậy được. Toàn bộ quá trình từ giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và vận hành đều gây tác động vĩnh viễn đến việc mất gần 300 ha đất rừng, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Và có một điều ít người để ý là trong xu hướng tôn trọng môi trường và hướng đến phát triển bền vững, những nước không coi trọng môi trường sẽ bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. Các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững, sẽ không chọn những nước đó làm điểm đến đầu tư để thành kẻ đồng lõa phá hoại môi trường.

Rõ ràng, nếu muốn kiếm những đồng bạc xanh, vẫn có lựa chọn khác ngoài thủy điện, thứ phải đánh đổi bằng màu xanh cây lá. 

Hồng Quý 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...