Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Giao thông TP.HCM: Bao giờ đồng bộ?

Giao thông TP.HCM: Bao giờ đồng bộ?

Viết email In

Cơ thể con người sống và hoạt động được là nhờ hệ thống tuần hoàn, trong đó toàn bộ các mạch máu được liên thông với nhau để đưa máu đến từng tế bào, nuôi sống tế bào và toàn bộ cơ thể. Mạng lưới giao thông đường bộ cũng được ví như hệ thống mạch máu của cơ thể vậy. Nếu mạng lưới thông suốt, hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội diễn tiến bình thường. Khi mạng lưới bị trục trặc, mọi hoạt động của xã hội sẽ bị ngừng trệ, tê liệt. 

Do đặc điểm cấu tạo địa chất tự nhiên cũng như qua quá trình cải tạo của con người, TPHCM hiện nay nằm trên một khu vực có rất nhiều sông, kênh, rạch. Đó là một lợi thế lớn để TPHCM phát triển kinh tế - xã hội một cách phong phú, đa dạng và đầy tiềm năng về mọi mặt. Song nó cũng mang lại bất tiện không nhỏ: mạng lưới giao thông đường bộ của TPHCM phải làm rất nhiều cầu. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện TPHCM có hơn 1.000 cây cầu lớn nhỏ. Từ những cây cầu hàng trăm năm tuổi đến những cây cầu mới sinh sôi sau này. Có những cây cầu có tải trọng dăm chục tấn, nhưng lại cũng có chiếc cầu mỏng manh, chỉ “cõng” được những chiếc xe vài tấn. Có những chiếc cầu rộng 4 đến 6 làn xe ô tô lướt êm. Song có những cây cầu chỉ một chiếc xe vận tải nhỏ đi qua đã “nghẽn mạch”… Tất cả sự không đồng bộ ấy đang cùng tồn tại trên một mạng lưới giao thông, đã đem lại rất nhiều điều bất tiện. 

Sự bất tiện đó đang hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống của một thành phố sôi động nhất nước như TPHCM. Chẳng hạn một chiếc xe tải chở 15 tấn hàng - vốn rất bình thường trong khi chạy trên các con đường của TPHCM - nhưng trong lộ trình phải đi qua cầu chỉ cho phép xe có tải trọng 2 tấn (ví dụ như cầu Rạch Đỉa). Lái xe và chủ hàng của chiếc xe tải quả là khóc dở mếu dở: hoặc là phải dỡ tải hoặc hủy toàn bộ chuyến hàng; hoạt động kinh tế bị gián đoạn, thậm chí bị ngừng trệ. Điều này chẳng khác nào mạch máu đang lưu thông bình thường bỗng bị thắt lại, tắc nghẽn… 

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện nay trong “hệ thống tuần hoàn” của mình, thành phố có 36 “điểm nghẽn” như vậy. Xuất phát từ những hoàn cảnh ra đời, cấu tạo và sự tồn tại lịch sử cụ thể khác nhau, mỗi cây cầu nói trên có tiếng kêu cứu khác nhau. Song tất cả đều đòi hỏi thành phố phải gấp rút sửa chữa, thay thế bằng những cầu mới đồng bộ với tải trọng của mạng lưới giao thông chung và đáp ứng nhu cầu của sự phát triển cho hàng chục năm sau. Vẫn biết rằng việc đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng mới những cây cầu này sẽ vấp phải một khó khăn muôn thuở: vốn đầu tư. Tuy nhiên, TPHCM từ trước đến nay là nơi có nhiều sáng kiến trong thu hút vốn đầu tư cho những công trình hạ tầng giao thông, chắc chắn sẽ không chịu bó tay trong việc cải tạo và xây dựng những cây cầu trong hệ thống huyết mạch của mình. 

Vấn đề là bao giờ các ngành chức năng và chính quyền thành phố thực sự chú tâm đến những cây cầu để cho hệ thống giao thông của thành phố được đồng bộ? 

Phan Lộc 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo