Trong tuần qua, dư luận “nóng” lên với việc Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất nhập xe tuk tuk nhằm giảm thiểu kẹt xe và hạn chế xe máy vào nội đô.
Có lẽ, những ai sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam cách đây vài chục năm đã biết khá rõ về xe lam - một phương tiện vận tải (người và hàng hóa) khá phổ biến, nhất là các vùng ven đô, hoặc các thị tứ, thị trấn.
Theo nhiều tài liệu, có thời điểm tại Biên Hòa (Đồng Nai) số xe lam lên đến cả ngàn chiếc. Thế rồi do tuổi đời quá cao cũng như những hạn chế (gây ô nhiễm môi trường, không an toàn khi lưu thông tốc độ cao...), xe lam đã bị hạn chế và cấm lưu hành từ năm 2004.
Còn xe tuk tuk? Nếu ai đã từng du lịch Thái Lan, Indonesia, Philippines thì nhiều khả năng biết về loại xe này. Đây là một loại xe gắn động cơ, ba bánh, gần giống xe lam tại Việt Nam.
Tùy mỗi nước, xe tuk tuk có hình dáng, kích cở khác nhau đôi chút. Tại những nước này, xe tuk tuk thường phổ biến dưới dạng taxi với ghế trước của tài xế và hàng ghế sau chở vài người. Xe sử dụng tay lái như xe máy hai bánh, không dây an toàn, không có hệ thống an toàn của một chiếc xe hơi.
Nói qua hai dòng xe này để thấy, xe tuk tuk và xe lam, về cơ bản là không nhiều sự khác biệt, có chăng là khác nhau về hình dáng. Trên thực tế, những ai đã từng đi hai loại xe này sẽ thấy xe lam có phần chắc chắn hơn xe tuk tuk, dù có to hơn đôi chút. Ưu điểm của dòng xe này là do kích thước nhỏ nên dễ dàng lưu thông ở những con phố chật hẹp.
Tại nước ta, nhiều nơi có thời điểm cấm xe ba gác máy lưu hành nhưng lại cho nhập xe máy kéo rơ-móoc (đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc). Và thời gian đã chứng minh, những cố gắng của chính quyền cũng như người dân nhằm hạn chế, đi đến chấm dứt phương tiện giao thông thô sơ là không dễ.
Chính quyền hạn chế và cấm xe ba gác máy, xe ba bánh thô sơ là có lý do của nó. Vậy, việc đề xuất nhập và lưu hành xe tuk tuk thì sao? Về bản chất, tuk tuk là xe ba bánh thô sơ vì không phải là xe hơi, không an toàn như xe hơi. Vậy khi lưu hành, dòng xe này được xếp vào dạng gì, lưu hành trên làn đường dành cho phương tiện nào?
Phát biểu trên một số báo, đài, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nói: “Các loại xe ba bánh đang lưu thông chủ yếu là xe tự chế nên không đảm bảo an toàn, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn và đặc biệt là không kiểm soát được, dẫn đến chở hàng cồng kềnh, vi phạm giao thông. Còn tuk tuk mới sẽ được nhập khẩu về, xe đảm bảo chất lượng và được quản lý chặt chẽ”.
Vị này khẳng định, tuk tuk đảm bảo an toàn, ít gây ô nhiễm, không chở hàng cồng kềnh. Vậy ai dám đảm bảo điều đó? Hay vài năm sau, hoặc giả là chục năm sau thì cái “hậu tuk tuk” lại được đưa lên “bàn nghị sự” khi xe xuống cấp hoặc không khả quan trong bài toán giao thông, nếu không muốn nói là có khả năng làm tình hình xấu thêm?
Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đề xuất này với mong muốn tuk tuk sẽ là phương tiện trung chuyển người từ các vùng ven đô vào nội đô, nhằm hạn chế xe máy, tránh tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, một đề xuất dù mới được đưa ra đã gặp quá nhiều luồng ý kiến trái chiều thì không thể gọi là sáng kiến.
Rất may, Bộ Giao thông vận tải đã không chấp nhận “sáng kiến” này!
Nam Hưng
- Những chung cư không sáng đèn
- Kêu gọi dân “hy sinh vì thuỷ điện”: Như thế là tội ác!
- Thành phố mất an toàn
- Thiên Trường-Nam Định: Mảnh đất “làng cổ, phố nghề”
- Giao thông TP.HCM: Bao giờ đồng bộ?
- Quyền lợi của dân “treo” cùng dự án
- Xanh đôla vs. xanh cây lá
- Chuyển đổi chợ truyền thống sang trung tâm thương mại: Sửa lỗi đầu tư vì "quả đắng"
- Di sản ở Chợ Lớn
- Bảo tồn nhà cổ, dễ nói - khó làm