Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Thành phố mất an toàn

Thành phố mất an toàn

Viết email In

Nếu vào khoảng thời gian trước năm 2011, các hành vi phạm tội ở TP.HCM thường xảy ra vào thời điểm từ buổi chiều tối về đêm nơi vắng người qua lại thì gần đây, các vụ cướp giật, giết người lại có xu hướng xảy ra vào ban ngày, nơi đông đúc dân cư. Có thể kể ra một vài ví dụ như vụ truy sát làm 2 người chết tại đường Lê Lai (phường Phạm Ngũ Lão) trưa ngày 6/9 hay vụ giật laptop đâm chết người tại đường Cộng Hòa cũng vào buổi trưa ngày 17/9 vừa qua.  

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng, không chỉ ở TP.HCM mà nhiều địa phương trên cả nước, tin tức về những vụ truy sát, hành hung, hiếp dâm không phải là hiếm trong thời gian gần đây, nếu không muốn nói đó là những tin tức nóng hổi được quan tâm nhất. Và chúng ta không khỏi giật mình lo lắng cho an nguy của bản thân và gia đình trước những sự kiện đang xảy ra "sát sườn" như thế. 



“Monster city” – thành phố nguy hiểm

Khái niệm trên được dùng khi đề cập đến góc khuất của những thành phố hiện đại, những tệ nạn, các hoạt động phạm tội… được hình tượng hóa thành hình ảnh “quái vật” núp bóng sau những tòa nhà cao tầng. Ở đó, không chỉ có sự phát triển của một thành phố hiện đại mà còn là mặt trái của sự gia tăng nạn trộm cắp, cướp giật, giết người… mà bất kỳ một thành phố nào cũng phải đối mặt trên con đường phát triển của mình. 

Mỗi tòa nhà cao tầng mọc lên sẽ làm gia tăng đáng kể lượng dân cư đổ về thành phố bởi nhu cầu tìm kiếm một công việc làm hoặc một cuộc sống tốt hơn thông qua hoạt động xây dựng và thương mại mà tòa nhà đó tạo ra. Tốc độ xây dựng của một thành phố càng cao thì càng thu hút mạnh mẽ dân cư. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng dựa trên hệ thống giao thông hay metro, không gian cuộc sống thành phố đang biến đổi một cách sâu sắc. Con người bị buộc phải từ bỏ nếp sống nông nghiệp thong thả để bắt kịp tốc độ di chuyển của dòng người trong thành phố đang thay đổi từng phút từng giây. Những cá thể thiếu và yếu kỹ năng lẫn kiến thức để thích nghi với môi trường mới sẽ cảm thấy bản thân bị gạt ra, buộc phải đứng bên lề của sự phát triển. Sự xâm phạm đột ngột của những không gian mới và cảm giác lạc lõng vì không thể thích nghi đẩy những cá thể đó lạc lối trong thành phố rộng lớn, dễ dàng trở thành những người chống đối tiêu cực bằng những hành vi phạm tội. 

Báo cáo tình hình tội phạm trên nước Mỹ năm 2008 (FBI) khẳng định mật độ dân cư cao, đặc biệt là trong các siêu đô thị (megapolis) là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng mức độ tội phạm của khu vực. Mức độ này có xu hướng ngày càng tăng lên theo đà phát triển của đô thị, cũng chính là đà phát triển của xã hội loài người. Năm 2009, Vương Quốc Anh là nơi có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới với 2034 tội phạm trên 100.000 người, gấp đôi tỷ lệ này tính trung bình cho toàn khu vực Châu Âu. Sang năm 2010, tỷ lệ đã tăng lên 2200 (thành phố Flint, bang Michigan, Mỹ). 

Nhìn vào Việt Nam, cụ thể hơn là TP.HCM, nơi đang phát triển với tốc độ đang vượt quá khả năng chuẩn bị để thích ứng, có thể thấy rõ hơn bức tranh tình trạng tội phạm phức tạp này khi người dân không được chuẩn bị cho sự thay đổi. Nếu vài năm trước, khu vực các huyện ven thành phố mới chỉ nhen nhóm quá trình đô thị hóa, thì ở thời điểm hiện tại, nhiều trong số đó đã tính đến việc tách thành lập những quận mới. Sự phát triển của thành phố, thu hút lượng lớn dân nhập cư (chủ yếu là từ nông thôn) từ các địa phương khác đến lập nghiệp (Giddens, 2009). Dân cư bản địa và dân nhập cư sống ở vùng ngoại ô bỗng chốc trở thành “người thành thị”. Họ bị buộc trở thành một phần của chuỗi vận chuyển nằm trong hệ thống giao thông kết nối của thành phố mà ở đây là siêu đô thị TP.HCM tương lai. Sự thay đổi bị động đó khiến họ vẫn giữ lại những nếp sống suy nghĩ cũ, lúng túng thích nghi với lối ứng xử tuân thủ quy tắc mà một thành phố hiện đại yêu cầu. Những hệ quả kéo theo như chủ quan, ý thức tự bảo vệ bản thân và tài sản còn thấp, giải quyết mâu thuẫn, tìm lối thoát cho sự bế tắc bằng bạo lực theo những gì “học” được từ sách báo, phim ảnh tràn lan tin tức phạm tội, giết người… 

Định hướng trở thành một siêu đô thị là định hướng phát triển của TP.HCM, cũng như là xu hướng chung trên toàn thế giới. Việc này đã được đánh dấu bằng lễ khởi công xây dựng tuyến tàu điện ngầm (metro) Bến Thành – Suối Tiên. Và dĩ nhiên, với việc gia tăng tất yếu mật độ dân cư, số lượng các vụ phạm tội ở TP.HCM chắc chắn sẽ không dừng lại mà còn biến đổi phức tạp hơn về chất. Vấn đề đặt ra bây giờ là chúng ta (chính quyền và người dân) phải làm gì để ứng phó với tình trạng này. Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng trước hết, hãy cứ bắt đầu bằng việc tự ý thức đầy đủ hơn về mức độ nguy hiểm của thành phố chúng ta đang sinh sống! 

Đinh Lê Na 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo